Cuộc chiến tiêu hao: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào...

Cuộc chiến tiêu hao giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đáng quan tâm. Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt giáng xuống nền kinh tế Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nền kinh tế phương Tây dường như đang phải trả giá thay vì Nga.

Vào Thứ sáu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất 3% (từ 20 xuống 17%). Và, mặc dù hoạt động kinh tế nói chung ở Nga giảm nhưng sản lượng công nghiệp đã tăng 4,5% trong tháng 3. Thủ tướng Nga cho biết, ông hy vọng các vấn đề về cung ứng do các lệnh trừng phạt gây ra sẽ được giải quyết trong vòng 6 đến 12 tháng tới. Lạm phát ở mức 14,7% nhưng Ngân hàng Trung ương Nga ám chỉ rằng điều tồi tệ nhất của đợt lạm phát này đã qua; tiền gửi ngân hàng tăng và ổn định tài chính đã trở lại.

Thậm chí, tờ Financial Times của Anh còn lưu ý các dấu hiệu cho thấy “lĩnh vực tài chính Nga đang hồi phục sau đợt trừng phạt ban đầu của phương Tây”. Doanh thu bán dầu và khí đốt của Nga - hơn 1 tỷ USD mỗi ngày vào tháng 3 - có nghĩa là nước này tiếp tục tăng doanh thu từ nước ngoài, giúp bù đắp lượng dự trữ ngoại hối bị phương Tây phong tỏa. Khu vực ngân hàng trong nước cũng có vẻ đã ổn định trở lại. Vì vậy, trái với kỳ vọng của G7 rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ làm sụp đổ nền kinh tế Nga, Financial Times cho biết hệ thống tài chính Nga dường như đang phục hồi sau cú sốc trừng phạt đầu tiên.

Thủ tướng Italy Mario Draghi thăm Algeria nhằm tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.

Thủ tướng Italy Mario Draghi thăm Algeria nhằm tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.

Trớ trêu thay, ở một số khía cạnh, triển vọng của Nga lại tốt hơn so với phương Tây. Giống như Nga, châu Âu đang trải qua - hoặc sẽ sớm trải qua - lạm phát 2 con số. Sự khác biệt lớn là lạm phát của Nga đang giảm trong khi của châu Âu lại tăng cao (đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng) đến mức những đợt tăng giá này có khả năng khơi dậy sự phẫn nộ và phản đối của công chúng. Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp với bài viết “Cuộc chiến Ukraine bắt đầu đè nặng lên mức sống của người Anh”, ghi nhận giá tiêu dùng ở Anh tiếp tục tăng nhanh trong tháng 3, đạt mức tăng 7%/năm. Con số này là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Ukraine làm giá nguyên vật liệu tăng vọt.

Như vậy là 6 tháng liên tiếp lạm phát leo thang ở Anh vượt mọi dự báo. Tờ báo dẫn phân tích của giới chuyên gia kinh tế cho biết, trong trường hợp cấm vận hoàn toàn khí đốt của Nga, lạm phát sẽ còn trầm trọng thêm, có thể lên tới gần 9% trong quý 4 năm nay. Tương tự, nước Đức cũng sẽ phải trả giá đắt khi ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Đó là tăng trưởng sẽ giảm 0,8% so với dự báo tăng trưởng năm nay gần 3% và kéo theo 480 nghìn người thất nghiệp.

Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Italy, dưới tác động của cuộc chiến ở Ukraine và giá năng lượng tăng cao, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy trong quý đầu tiên sẽ giảm 0,7% so với 3 tháng trước đó. Bản thân Thủ tướng Italy và chính phủ của ông trong tuần qua đã phải chạy khắp nơi để tìm kiếm nguồn khí đốt có thể thay thế cho Nga. Chính phủ Đức cũng đang làm điều tương tự.

Ngày 18-4, trong bài phát biểu về tình hình kinh tế đất nước, Tổng thống Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga đang làm suy yếu phương Tây và khẳng định, lạm phát trong nước đang được ổn định. Theo AFP, bài phát biểu này còn nhằm khẳng định việc ngăn chặn kinh tế Nga dường như đã thất bại.

Đối với ông Putin, “những đòn trừng phạt do các nước phương Tây ban hành đã dẫn đến hậu quả là tình hình kinh tế của những nước đó bị suy giảm”. Đồng thời, chủ nhân điện Kremlin ra lệnh cho chính phủ ấn định chỉ số lương và nhiều khoản phụ trội khác để giảm thiểu tác động của lạm phát đối với sức mua của người dân.

Nhận thấy sai lầm, các quốc gia EU dường như quyết tâm gấp đôi nỗ lực của họ: cấm không cho tàu bè Nga vào các cảng của EU, không cho xe tải nào của Nga qua biên giới EU, cấm nhập khẩu than từ Nga và đang xem xét ngừng mua khí đốt và dầu của Nga. Họ tuyên bố: “Sẽ không có một đồng euro nào có thể đến được với Nga”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, châu Âu không có cách nào để thay thế năng lượng của Nga bằng các nguồn khác trong năm tới.

Nhưng, các nhà lãnh đạo châu Âu ý thức rằng “thế giới tự do của họ” bằng mọi giá phải tránh thua cuộc trong cuộc xung đột Ukraine. Charles Moore, biên tập viên lâu năm của các tờ báo chính thống của Anh nói: “Nếu Nga thắng, điều đó là sự lật đổ trật tự thế giới... Do đó, Ukraine phải chiến thắng, không chỉ để đảm bảo các quyền quốc gia của mình, mà còn vì lợi ích của tất cả các nước EU”. Châu Âu luôn giữ niềm tin rằng đó là sự độc tôn không bao giờ có thể bị bỏ qua. Bằng cách trừng phạt Nga, các quan chức ở Brussels tin rằng đây là cách họ sẽ hạ gục nước Nga và cứu lấy “nền dân chủ của họ”. Nhưng, EU càng trừng phạt Nga thì càng có nhiều nhiều người dân Nga cho rằng Nga nên ngừng cung cấp các sản phẩm cơ bản thiết yếu cho châu Âu, không chỉ là dầu khí. Nga và Ukraine cung cấp 25% nhu cầu lúa mì của thế giới.

Phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ khiến Tổng thống Nga chùn bước.

Phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ khiến Tổng thống Nga chùn bước.

Liên quan đến kinh tế Ukraine và thế giới, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Ukraine sẽ sụt 45% trong năm nay và nếu cuộc chiến kéo dài, sẽ còn tệ hại hơn. Trong khi đó, IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm vì chiến tranh Ukraine. Chiến tranh đã làm sụp đổ nhiều lĩnh vực kinh tế ở Ukraine: thu ngân sách không còn, phân nửa số doanh nghiệp đóng cửa, thương mại đột ngột bị ngưng lại, hoạt động kinh tế trở nên bất khả tại nhiều vùng mà hạ tầng cơ sở bị hủy hoại. Chưa kể thiệt hại đối với sản xuất và xuất khẩu sắp tới: đất nông nghiệp bị thu hẹp, thiếu lao động vì 1/4 dân số phải di tản và hiện 1/3 dân số Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Trước đó, Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva cảnh báo cuộc chiến tranh Ukraine đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới. Các nước đang phải chịu sức ép rất lớn về giá lương thực, năng lượng. Các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đang hoang mang lo lắng. Trước báo giới, lãnh đạo IMF phát biểu: “Tóm lại, chúng ta đang bị tác động khủng khiếp của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chúng ta thấy cuộc chiến có thể sẽ có tác động đến tương lai kinh tế toàn cầu”. Ngay từ khi chiến tranh Ukraine chưa xảy ra, IMF và WB đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 5,9% năm 2021 xuống 4,4% năm 2022.

Cuộc chiến tranh tại Ukraine vẫn tiếp diễn khốc liệt và chưa có hy vọng chấm dứt. Hai bên tham chiến cũng như các bên liên quan đã và đang phải chịu những thương vong và thiệt hại kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Mỹ vẫn là bên đắc lợi từ cuộc xung đột này. Cấm vận năng lượng của Nga, EU phải cầu cứu khí đốt từ Mỹ, giá lương thực tăng cao, các nhà nông nghiệp Mỹ, vốn được chính quyền trợ giá sản xuất rất lớn, sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường phân phối lương thực thế giới.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cuoc-chien-tieu-hao-chua-biet-meo-nao-can-miu-nao--i651425/