Cuộc chiến toàn cầu chống lại rắn độc cắn
Có đến 2,7 triệu trường hợp bị rắn độc cắn trên toàn cầu mỗi năm, trong khi việc tiếp cận với các loại thuốc kháng nọc rắn còn gặp nhiều thách thức.
Martha Troy, y tá đã về hưu 78 tuổi, đang đi leo núi cùng con gái và cháu gái tại Cave Creek, bang Arizona, Mỹ, thì vô tình bị rắn đuôi chuông cắn vào mắt cá chân.
Gia đình bà Troy cho biết họ đã nghe tiếng kêu của rắn đuôi chuông và biết cảm giác nó đang giận dữ. Rắn đuôi chuông có khả năng ngụy trang rất tốt, nọc độc cao nhưng ít khi chủ động cắn người, trừ khi bị khiêu khích hay đe dọa trực tiếp, Newsweek đưa tin ngày 21/2.
Banner Health, hệ thống y tế phi lợi nhuận gồm 30 bệnh viện, có trụ sở tại Arizona, cho biết bà Troy đã được điều trị kịp thời và đã bình phục. Song, tổ chức này cũng thông tin đây là trường hợp bị rắn đuôi chuông cắn đầu tiên trong năm nay tại các bệnh viện thuộc Banner Health, cũng như thời điểm bị rắn cắn đến sớm bất thường.
Điều bất thường
Rắn đuôi chuông thường hoạt động vào tháng 3 tại Arizona, khi thời tiết bắt đầu ấm để các loài động vật máu lạnh hoạt động.
Tukaram Rao, 48 tuổi, nông dân ở làng Rathnapuri ở Karnataka, miền Tây Nam Ấn Độ, kể với BBC vào những tháng gió mùa, anh cùng các nông dân khác phải băng ra cánh đồng lúc đêm tối để bật máy bơm nước. Đó cũng là thời điểm ám ảnh những người nông dân hay đi chân trần này.
Rắn lục Russell - thứ đáng sợ hơn cả ẩn mình dưới những bụi cỏ um tùm - nằm cuộn mình, bất động nhưng sẵn sàng tấn công bất kỳ ai vô tình giẫm phải chúng.
"Đôi lúc chúng bỏ đi, nhưng cũng có khi chúng tôi bị cắn", Rao nói và kể rằng hầu hết nông dân như anh đều sợ rắn.
Và nỗi sợ của Rao hay gia đình bà Troy là điều có cơ sở.
Những hệ lụy do rắn độc cắn là đáng kể, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng bị bỏ quên.
Mỗi năm có khoảng 5,4 triệu người bị rắn cắn, trong đó có 1,8 triệu đến 2,7 triệu trường hợp là do rắn độc. Có 80.000-130.000 ca tử vong do rắn cắn mỗi năm, trong khi số trường hợp phải cắt chi và khuyết tật vĩnh viễn khác cao gấp 3 lần.
Nọc của rắn độc có thể gây tê liệt, khó thở, rối loạn chảy máu và có thể dẫn đến xuất huyết gây tử vong, suy thận không thể phục hồi và tổn thương mô, gây tàn tật vĩnh viễn và phải cắt cụt chi.
Rắn xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết ấm lên
Biến đổi khí hậu cũng được cho là nguyên nhân khiến những loài rắn độc hoạt động nhiều và sớm hơn dự tính.
Trong nghiên cứu trên tạp chí GeoHealth vào tháng 7/2023, các nhà khoa học cho biết nhiệt độ trong ngày tăng một độ C so với thông thường thì tỷ lệ các vụ rắn cắn tăng 6%.
Nghiên cứu được thực hiện tại bang Georgia, Mỹ, nơi có khoảng 50 loài rắn, với 17 loài rắn độc. Noah Scovronick, nhà khoa học sức khỏe và môi trường tại Đại học Emory, dẫn đầu nghiên cứu, đã thu thập dữ liệu từ hơn 3.900 trường hợp nhập viện do rắn cắn vào giai đoạn 2014-2020.
So sánh các ca nhập viện với dự báo thời tiết hàng ngày, nhóm nghiên cứu phát hiện có sự tương quan đáng chú ý giữa các trường hợp rắn cắn và nhiệt độ tối đa trong ngày.
Các nhà nghiên cứu quan sát được mùa hè là thời điểm số trường hợp rắn cắn cao nhất, nhưng mùa xuân lại có sự liên kết chặt chẽ giữa nhiệt độ và hoạt động của rắn. Suy đoán được đưa ra là rắn hoạt động và sinh sản nhiều hơn vào mùa xuân, trong nhiệt độ quá cao vào mùa hè làm rắn chậm hơn.
Ông Scovronick thừa nhận phải cần thêm nhiều nghiên cứu để cho ra kết quả chính xác, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các nghiên cứu tương tự để có được cái nhìn toàn diện về rủi ro do rắn cắn.
Lawrence Wilson, đồng tác giả của nghiên cứu tại Georgia, nói rằng con người có thể chung sống hòa hợp với rắn, kể cả rắn độc, miễn là tôn trọng và hiểu tập tính, môi trường sống của loài rắn.
Tuy nhiên, những trường hợp con người chạm mặt với rắn ngày càng tăng, có thể đến từ biến đổi khí hậu và mở rộng đô thị, khiến môi trường sống của rắn bị thu hẹp, ông Wilson nói.
Kỳ vọng vào phương thuốc "một cho tất cả"
Trang Science hôm 21/2 cho biết các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một kháng thể mạnh, có thể vô hiệu hóa chất độc có trong 4 loài rắn độc nguy hiểm ở Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi.
Đây được xem như một bước tiến trong việc tạo ra thuốc kháng nọc rắn có thể áp dụng chống độc của khoảng 200 loài rắn độc trên thế giới.
Nicholas Casewell, nhà độc tố học tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho biết kháng thể với tên 95Mat5 cho kết quả tích cực trong việc bảo vệ tế bào con người trước nọc độc.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột, bằng cách trộn kháng thể này với liều lượng độc tố alpha-bungarotoxin gây chết người.
Kết quả cho thấy cả 5 con chuột được thí nghiệm đều sống sót trước độc tố của 3 loài rắn hổ mang mắt đơn, rắn mamba đen và rắn cạp nia Ấn Độ. Kháng thể không bảo vệ chuột trước độc của rắn hổ mang chúa, nhưng trì hoãn thời gian tử vong.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có thể phát triển kháng thể để tạo ra chất có thể vô hiệu hóa độc từ mọi loại rắn nguy hiểm trên thế giới. “Bạn sẽ không cần trữ hàng trăm loại kháng nọc độc, mà chỉ cần một loại duy nhất cho toàn cầu”, Joseph Jardine chuyên gia về kỹ thuật protein tại Scripps Research, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
WHO cho biết cung cấp rộng rãi các loại thuốc chống nọc độc chất lượng cao và an toàn là cách hiệu quả nhất để điều trị các trường hợp bị rắn cắn. Song, thách thức cho việc sản xuất thuốc chống nọc hiện nay là cần phải có chất miễn dịch phù hợp với từng loại độc của nhiều loài rắn trên thế giới. Không có nhiều quốc gia đủ khả năng thu thập các loại nọc rắn để sản xuất thuốc chống độc phù hợp.
WHO cho biết tính phức tạp trong việc điều chế nhiều loại chống nọc rắn, thiếu dữ liệu đầy đủ về các trường hợp bị rắn cắn, khả năng thương mại hóa hạn chế đã buộc nhiều công ty phải dừng hoạt động, qua đó khiến thuốc càng khan hiếm, đẩy giá thuốc lên cao.
Điều này khiến các quốc gia thu nhập thấp khó tiếp cận với cách điều trị rắn độc cắn hiệu quả.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-chien-toan-cau-chong-lai-ran-doc-can-post1461572.html