'Cuộc chiến' tranh giành con sau ly hôn: Quá khốc liệt
Loạt bài 'Cuộc chiến tranh giành con sau ly hôn: Quá khốc liệt' do nhóm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện mong muốn gửi tới bạn đọc thực trạng này và đưa ra các cách xử lý phù hợp với đạo đức, pháp luật cùng chuẩn mực xã hội. Đồng thời, chúng tôi mong muốn góp tiếng nói thức tỉnh lương tri của các phụ huynh liên quan tới vấn đề này. Bởi lẽ bất cứ hành động tiêu cực nào của người trong cuộc, dù nhân danh tình yêu thương, cũng đều tạo vết thương tâm hồn đau đớn cho trẻ em.
Hình minh họa
Bài 1: Tự ý đưa con về nhà và quyết… không trả!
Chị Cấn Thị Thùy Dương cho biết, chị và anh Đ.T.K. (SN 1980, cả 2 đều ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) kết hôn vào ngày 18/8/2020. Anh K. hơn chị Dương 10 tuổi. Tháng 9/2021, chị Dương sinh con trai đầu lòng là cháu Đ.G.T. Có con nhưng cuộc hôn nhân liên tục xảy ra mâu thuẫn. Ngày 6/4/2022, chị Dương đã nộp đơn ly hôn lên Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Bắc Ninh, lúc này con chị mới được 7 tháng tuổi.
Chị Dương cho biết, trong quá trình sống ly thân, chờ tòa giải quyết ly hôn, chị luôn tạo điều kiện cho chồng được thăm và chăm sóc con. Cũng trong thời gian này, nhiều lần anh K. "âm thầm" bế con về nhà, không cho chị Dương và gia đình biết. Thậm chí có lần anh K. đưa ra thỏa thuận, sáng 7h đón con, chiều tối sẽ trả con về cho chị Dương. Tuy nhiên, có hôm anh K. giữ bé T. ngủ lại qua đêm, không để cháu về với mẹ. Đến ngày 8/5/2022, anh K. một lần nữa bế con về nhà mình. Hôm sau, chị Dương về nhà chồng xin đưa con về nhưng anh K. và người thân ngăn cản, lúc đó bé T. mới 8 tháng tuổi.
Ngày 6/7/2022, TAND thành phố Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử. Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên cho chị Dương được ly hôn anh Đ.T.K. "Giao cho chị Cấn Thị Thùy Dương là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu Đ.G.T", bản án số 39/2022HNGĐ-ST nêu rõ.
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 21/9, chị Dương đã đến nhà chồng để đón cháu T. về. "Hôm đó, tôi cầm theo bản án và có sự chứng kiến của Tổ trưởng tổ dân phố nhưng anh K. đã không mở cửa cho tôi vào. Sau đó, tôi nhiều lần gọi điện cho anh K. nhưng cũng không bắt máy", chị Dương chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ với chị Dương là chị Trần Ngọc Thủy (SN 1989, ở Hà Nội). Năm 2010, chị Thủy và anh N.D.V. (SN 1987, ở Nam Định) kết hôn, sau đó lần lượt sinh được 2 bé gái là cháu Nguyễn Ngọc P.U. (SN 2012) và Nguyễn Ngọc B.A. (SN 2016). Chị Thủy cho biết, sau khi sinh đứa con thứ 2 thì cuộc sống hôn nhân của vợ chồng chị liên tục xảy ra mâu thuẫn. Chị vẫn nhớ như in ngày 2/9/2019, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, anh V. đã đánh chị gãy tay. Hai vợ chồng chị cũng sống ly thân kể từ đây.
Một thời gian sau, chị Thủy làm đơn ly hôn gửi ra tòa. Ngày 13/3/2020, TAND huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, đã có quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Về nuôi con chung, chị Thủy và anh V. cùng thống nhất: Giao cháu Nguyễn Ngọc P.U. (SN 2012) cho chị Thủy trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Giao cháu Nguyễn Ngọc B.A. (SN 2016) cho anh V. trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Sau khi tòa phân chia, anh V. đưa bé B.A. về huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) sinh sống cùng ông bà nội. Còn chị Thủy và cháu P.U. thuê nhà sinh sống ở TP Nam Định.
Chị Thủy cho biết, vào ngày 26/9/2020, anh V. đã đến lớp học thêm của bé P.U. để đón cháu U. về quê mà không báo trước với chị Thủy. Khi chị Thủy yêu cầu anh V. đưa con lên để cho con đi học thì anh V. đã từ chối và còn đe dọa sẽ đốt nhà chị Thủy nếu còn… nói nhiều. "Những ngày sau đó, tôi liên tục nhắn tin, để bố cháu trả cháu về nhưng không được. Tôi có nhờ đến công an nhưng không ai can thiệp. Khi tôi về quê đón con thì anh V. và bố mẹ anh V. đã chửi, đuổi và có hành vi đe dọa tôi và gia đình tôi", chị Thủy nói. Không đòi được con, chị Thủy chấp nhận bỏ lại công việc ở Nam Định, tay trắng về Hà Nội, ở nhờ nhà mẹ đẻ.
Thua thiệt vẫn là con trẻ
Mặc dù là nhân vật trung tâm của các cuộc chiến tranh giành, "bắt cóc", nhưng lại không có quyền gì, kể cả có khi là quyền được… khóc. Đó chính là con trẻ. Đơn giản các con còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức và suy nghĩ, là đối tượng phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Dù vậy, trẻ em dứt khoát không phải món đồ để người lớn thoải mái thể hiện sự giành giựt sau quãng thời gian chấm dứt hạnh phúc của cha mẹ.
Ở góc độ tinh thần, chúng ta phải thừa nhận điều này: Các con chưa đủ nhận thức, không có nghĩa những đứa trẻ không có cảm xúc. Sự thay đổi liên tục của môi trường, nhiệt độ và các yếu tố khác, đều tác động trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Chúng bị sốc theo cách riêng, đặc thù của lứa tuổi, mà đôi khi chúng không biết hoặc không được thể hiện cũng như phản kháng. Đó là chưa tính tới việc, trẻ em còn phải bắt buộc chứng kiến thường xuyên các tâm lý, cảm xúc tiêu cực của cha hoặc mẹ dành cho người còn lại. "Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại" của các cuộc trao đổi giữa người lớn, khiến trẻ sẽ rơi vào trong bầu không khí sống nặng nề. Trong lúc đó, nhiều phụ huynh lại ung dung có tư tưởng, suy nghĩ rằng "con còn bé chưa biết gì đâu!".
Ở góc độ thể chất, mang một đứa trẻ ra khỏi môi trường, ra khỏi người chăm sóc trẻ quen thuộc và tốt nhất, là cách làm thiếu nhân ái. Nuôi dưỡng trẻ là cả quá trình, trong đó có việc người nuôi dưỡng đã và cần thuộc các tính cách, sở thích, cảm nhận cá nhân đối với trẻ. Vì vậy, việc cố gắng tách trẻ ra khỏi môi trường sống và người nuôi dưỡng quen thuộc, khiến trẻ không được thụ hưởng toàn bộ những điều tốt đẹp nhất vốn đã được thụ hưởng.
Trong số các vụ việc mà Báo Phụ nữ Việt Nam đã từng tiếp nhận, có trường hợp trẻ còn quá nhỏ, thậm chí có bé đang trong thời gian bú mẹ, vẫn trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh giành này. Điều đó thật đáng lên án.