Cuộc chiến tranh lạnh 2.0 về công nghệ đã được Mỹ phát động

Nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế đã gọi cuộc chiến tranh công nghệ này là cuộc 'Chiến tranh lạnh 2.0'.

Giữa lúc chiến tranh thương mại đang diễn ra quyết liệt, Mỹ và Trung Quốc dường như đang sa vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh công nghệ" nhằm ganh đua vai trò thống lĩnh các công nghệ của tương lai. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tri thức công nghệ của Mỹ rơi vào tay Trung Quốc để giữ và giành lợi thế trong cuộc chiến mới này. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế đã gọi cuộc chiến tranh công nghệ này là cuộc "Chiến tranh lạnh 2.0".

Apple muốn phân tán khỏi Trung Quốc

Kinh tế Nhật báo (Đài Loan) ngày 20/6 dẫn Nikkei Asia Review đưa tin Apple đã yêu cầu các công ty cung ứng chủ yếu, bao gồm các doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp Iphone (Foxconn, Hòa Thạc, Vĩ Sáng), doanh nghiệp chủ lực gia công (MacBook Quảng Đạt, Ipad Nhân Bảo, Airpods Anh Nghiệp Đạt, Lập Tấn Tinh Mật và Nhi Thanh Học), đánh giá ảnh hưởng đến giá thành của việc chuyển 15% - 30% sản lượng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Động thái này cho thấy thấy Apple đang điều chỉnh căn bản chuỗi cung ứng của mình dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Còn các nhà cung ứng khác về bản mạch in ấn và vỏ máy thì đang theo dõi chặt chẽ các động thái của các doanh nghiệp trên để quyết định bước đi tiếp theo của mình.

Một dây chuyền sản xuất robot công nghiệp của Trung Quốc đang hoạt động.

Một dây chuyền sản xuất robot công nghiệp của Trung Quốc đang hoạt động.

Các chuyên gia đánh giá, Apple đang xem xét có thể phân tán địa điểm chế tạo đến Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, trong đó Ấn Độ và Việt Nam là địa điểm lựa chọn hàng đầu cho sản xuất điện thoại thông minh. Cho dù Mỹ và Trung Quốc giải quyết được tranh chấp thì việc điều chỉnh chuỗi cung ứng của Apple cũng không thay đổi do Apple đã nhận thấy rủi ro cao khi phụ thuộc mức độ lớn vào chế tạo tại Trung Quốc, thậm chí còn tiếp tục rủi ro hơn nữa, do tỉ lệ sinh con tại Trung Quốc giảm thấp, giá nhân công tăng cao; bất kể Mỹ có tiếp tục đánh thuế đối với hơn 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ nữa hay không thì Apple sẽ đi theo xu thế lớn phân tán sản xuất để đảm bảo tính linh hoạt nhiều hơn nữa. Hiện nay hơn 90% sản phẩm của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc. Các công ty cung ứng thừa nhận, muốn chuyển mạng lưới cung ứng sang địa điểm khác cần nhiều thời gian, sau khi chọn xong địa điểm thì cần ít nhất 18 tháng mới có thể đi vào sản xuất. Do đó, trong ngắn hạn Trung Quốc vẫn có thể là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Apple.

Tình hình trên diễn ra sau khi Apple - công ty có trị giá ngàn tỷ USD đã bất ngờ sảy chân trong Q4/2018 sau khi hạ dự báo doanh thu. Apple đổ lỗi cho việc nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, nhu cầu mua sắm iPhone mới giảm và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Quả thực trong báo cáo doanh thu Quý 4/2018 do Apple công bố hồi cuối tháng 1/2019, Apple nhấn mạnh, doanh thu của hãng tại Trung Quốc đã giảm tới 27%.

Mỹ ra đòn sát thủ với Huawei và các công ty khác của Trung Quốc

Mỹ sẽ áp đặt những hạn chế đối với việc bán các sản phẩm của Mỹ cho Huawei, trong đó có hệ điều hành Android của Google và vi mạch máy tính do Mỹ sản xuất. Các giao dịch được chỉ định của Mỹ với Huawei gần như chắc chắn sẽ không được Cục Công nghiệp và an ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ cấp phép. Được công bố vào giữa tháng 5/2019 nhưng việc thực thi sau đó đã bị hoãn tới ngày 19/8, những hạn chế đối với Huawei và đối với khoảng 5, 6 doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc sẽ đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc tranh chấp kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ.

Chỉ vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, căng thẳng thương mại giữa hai nước đã tăng thêm một nấc. Ngày 21/6, Bộ Thương Mại Mỹ thông báo đưa thêm 5 tập đoàn công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm, gồm Higon - đối tác của công ty Mỹ AMD, Sugon, Chengdu Haiguang Integrated Circuit, Chengdu Haiguang và Microelectronics Technology - viện tin học trực thuộc quân đội Trung Quốc, trong đó tập đoàn Sugon có 63 máy tính trong danh sách 500 siêu máy tính thế giới là một hãng điện tử hàng đầu của Trung Quốc chuyên sản xuất các con chip điện tử. Bộ Thương Mại Mỹ cho rằng những công ty này có những "hoạt động chống lại an ninh quốc gia hay các lợi ích của chính sách đối ngoại Mỹ". Lệnh cấm mới đồng nghĩa việc các hãng Mỹ không được bán công nghệ cho các hãng Trung Quốc mà phải xin phép Chính phủ trước.

Tìm kiếm đòn bẩy đàm phán, Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách áp đặt những hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, giới hạn khả năng tiếp cận của họ với cái mà giờ đây là thị trường lớn thứ hai và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những giới hạn về lượng cũng có thể là một phần trong phản ứng đó. Trung Quốc cung cấp 80% đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ, một sản phẩm cần thiết đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/6 nói rằng, họ sẽ hợp tác với Canada và Australia để giúp các nước trên thế giới khai thác, phát triển các nguồn khoáng sản như niken, đồng và cô ban. Kế hoạch này được đưa ra một tuần sau khi Bộ Thương mại Mỹ đề nghị các biện pháp khẩn cấp nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa các ngành khoáng sản quan trọng, trong đó có việc cho vay lãi xuất thấp đối với các công ty mỏ và yêu cầu các công ty quốc phòng mua hàng nội địa Mỹ. Bộ Thương mại cũng đề nghị các cơ quan Mỹ xem xét các khu vực địa lý đang được bảo vệ và đánh giá những hạn chế nào cần được gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ để cho phép các ngành khoáng sản thiết yếu phát triển./.

(Còn nữa)

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuoc-chien-tranh-lanh-20-ve-cong-nghe-da-duoc-my-phat-dong-20190627150906171.htm