Cuộc chiến trên các tuyến sông
Công ty CL được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác mỏ cát lòng sông. Tuy nhiên, công ty này đã lợi dụng việc được cấp phép để khai thác ngoài vị trí mỏ trên tuyến sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
15 phương tiện với 46 thuyền viên, người có liên quan đang khai thác, mua bán cát trái phép trên sông Hồng bị Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy (Phòng 10), Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, bắt giữ gây chấn động dư luận bởi “tập đoàn” khai thác cát này đã lợi dụng việc được cấp phép để rút ruột lòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, sạt lở bờ sông, thiệt hại về đất đai, hoa màu. Đây là vụ đấu tranh với các đối tượng khai thát cát mới nhất mà đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ.
Những chuyên án lớn
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, CBCS Phòng 10, Cục CSGT phát hiện Công ty TNHH CL, tỉnh Phú Thọ, do ông Trịnh T.H làm giám đốc có biểu hiện khai thác cát trái phép nên đã tập trung lực lượng đấu tranh. Công ty CL được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác mỏ cát lòng sông. Tuy nhiên, công ty này đã lợi dụng việc được cấp phép để khai thác ngoài vị trí mỏ trên tuyến sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Quá trình kiểm tra đã bắt giữ 15 phương tiện, gồm: 2 tàu cuốc, 2 tàu sang mạn, 4 tàu hút, 4 tàu chở, 3 tàu hút đang bơm cát lên bãi của dự án Nhà máy gạch của Doanh nghiệp tư nhân TĐ ở phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cùng 46 thuyền viên, người có liên quan. Sơ bộ xác định số lượng cát trên bãi khoảng hơn 500.000 m3. Lực lượng chức năng đã xác định đa số các phương tiện khai thác đều nằm ngoài phạm vi mỏ. Nhiều phương tiện vi phạm quy định về TTATGT đường thủy nội địa như không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn...
Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng Phòng 10, Cục CSGT cho biết, thủ đoạn mới của các đối tượng khai thác cát trái phép đó là khai thác trước giờ (theo quy định chỉ được phép khai thác từ 7h sáng đến 17h chiều) nhưng các đối tượng thường khai thác sớm hơn, nghỉ muộn hơn; phương tiện kỹ thuật có công suất lớn hơn; nhiều phương tiện hơn quy định. Đặc biệt, một số đối tượng còn tự chuyển dịch mốc giới cho phép khiến cơ quan chức năng rất khó nhận ra.
Như vụ khai thác cát trên sông Hồng ở địa bàn xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. CBCS Phòng 10, Cục CSGT chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Tư lệnh CSCĐ và các lực lượng nghiệp vụ đã bất ngờ kiểm tra, bắt giữ 9 tàu có trọng tải từ 190 tấn đến 900 tấn với 48 chủ tàu, thuyền viên và các đối tượng có liên quan đang thực hiện khai thác cát trái phép, thu giữ gồm: 2.117,1 m3 cát trên các phương tiện, 11 sổ ghi chép 531 chuyến khai thác cát trước đó với tổng khối lượng 160.690 m3.
Công ty TNHH Minh Phương được phép khai thác mỏ cát trên trong phạm vi 300m nhưng giám đốc công ty đã chỉ đạo chuyển dịch mốc giới rộng gần gấp 3 lần phạm vi được cấp phép. Cụ thể, Công ty này đã thả phao vượt 513m so với khu vực được phép khai thác, nâng diện tích khai thác từ 300m lên 813m. Lực lượng chức năng đã xác định, số khoáng sản (cát) các đối tượng của Công ty TNHH Minh Phương đã khai thác trái phép là hơn 235 nghìn m3. Với giá trị khoảng 95.000đ/m3, công ty này đã được hưởng lợi trái phép khoảng hơn 22,3 tỷ đồng. Trong vụ án trên, Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Một chuyên án đấu tranh với các đối tượng khai thác cát gây chấn động dư luận do CBCS Phòng 10, Cục CSGT xác lập đấu tranh đó là chuyên án khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông thuộc địa bàn giáp ranh Bến Tre và Vĩnh Long do đối tượng Cao Đức Trí Dũng sinh năm 1976; ở xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đầm đầu, đứng ra tổ chức hoạt động có tính chất phức tạp, số lượng phương tiện lớn.
Suốt nhiều tháng trời, các trinh sát đã lăn lộn, bám địa bàn không kể nắng mưa, đêm tối để nắm mọi di biến động của các đối tượng, thẩm tra tài liệu, củng cố chứng cứ để phá án; thu thập nhân thân, lai lịch, giám sát 4 đối tượng chính. Đặc biệt, để có chứng cứ đấu tranh với các đối tượng, các trinh sát đã quay phim, ghi hình các điểm tiêu thụ, bãi tập kết vật liệu xây dựng của các đối tượng trong chuyên án làm căn cứ đấu tranh.
Để hợp pháp hóa việc khai thác cát trái phép, Dũng thành lập doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng Út Sang bán buôn vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, do vợ Dũng đứng tên chủ doanh nghiệp. Út Sang có bãi tập kết vật liệu xây dựng ngay tại trụ sở, trên bãi chỉ có cát xây dựng và đá. Dũng đứng ra tổ chức cho các xà lan khai thác cát trên tuyến sông Cổ Chiên gần bến phà An Phước thuộc xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách, Bến Tre và trên sông Hàm Luông khu vực giáp ranh giữa xã Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre và xã Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre.
Tại các tụ điểm trêm, mỗi đêm có từ 15 đến 30 ghe hút cát. Ngoài việc trực tiếp đứng ra tổ chức khai thác cát, Dũng còn có dấu hiệu thu tiền bảo kê cho các phương tiện đến khai thác cát trái phép tại các khu vực trên với giá từ 20 đến 50 triệu đồng/tháng.
Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, Dũng bố trí nhiều điểm cảnh giới dọc bờ sông để thông báo nếu có lực lượng chức năng kiểm tra. Quá trình khai thác và tiêu thụ, Dũng giao cho người quản lý trên phương tiện ghi chép sổ sách (số chuyến đã khai thác, tiền công, địa điểm đổ,...) để theo dõi và quyết toán; mua hóa đơn của Lê Thị Bon; ở xã Hòa Ninh, tỉnh Vĩnh Long - chủ Công ty TNHH MTV Chín Bon để hợp pháp hóa số cát khai thác trái phép.
Khi đã đủ điều kiện phá án, ban chuyên án quyết định tấn công, huy động lực lượng gồm 142 CBCS Cục CSGT, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh CSCĐ và lực lượng chức năng địa phương cùng nhiều phương tiện chia làm 12 tổ công tác tham gia phá án. 11h đêm, khi các đối tượng đang mải mê hút cát, đồng loạt 12 tổ công tác đã kiểm tra, khống chế và bắt quả tang 14 xà lan hút cát trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên cùng 41 thuyền viên; thu giữ: 18 sổ ghi chép, 3 tập hóa đơn, 91 hóa đơn chứng từ trên các phương tiện.
Tại Cơ quan công an, Dũng thừa nhận hành vi phạm tội, thu lợi bất chính mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng. Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre đã khởi tố 5 đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cuộc chiến đấu trên sông vẫn tiếp diễn
Để đấu tranh hiệu quả với tình trạng khai thác cát trên toàn quốc, Phòng 10 đã tham mưu cho Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT trên toàn quốc huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để triển khai thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, được lãnh đạo cấp trên ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Đơn vị đã tham mưu cho lực lượng cảnh sát đường thủy triển khai nhiều bộ luật, luật và các văn bản liên quan về bảo vệ, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; tham mưu triển khai có hiệu quả Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; tham gia xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến công tác tuần tra kiểm soát... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng cảnh sát đường thủy thực hiện đầy đủ và toàn diện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phòng đã tham mưu xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện 14 phương án, kế hoạch về tăng cường lực lượng, phương tiện thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT trên đường thủy nội địa đã góp phần giữ vững TTATGT, làm giảm và kiềm chế tai nạn giao thông. Đặc biệt sau triển khai mô hình tổ chức, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Cục sớm ổn định về tổ chức lực lượng cảnh sát đường thủy theo mô hình tổ chức mới, nâng cao hiệu quả và kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động tuần tra kiểm soát với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát đường thủy.
Với chức năng hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa, CBCS Phòng 10, Cục CSGT luôn làm tốt chức năng giúp Cục trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra lực lượng cảnh sát đường thủy thực hiện chủ trương, kế hoạch, biện pháp tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy; trực tiếp tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật; đề xuất giúp lãnh đạo Cục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cảnh sát đường thủy thực hiện công tác tuần tra kiểm soát công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm...
Trong 5 năm qua, đơn vị tham gia kiểm tra thi hành pháp luật tại 160 lượt đơn vị, địa phương; lực lượng cảnh sát đường thủy xử phạt 897.234 trường hợp... Tai nạn giao thông cơ bản được kiềm chế, đang có xu hướng giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương cũng như thiệt hại về tài sản. Đơn vị trực tiếp xác lập đấu tranh 15 chuyên án, phối hợp đấu tranh 6 chuyên án; phối hợp đấu tranh với hành vi sử dụng giấy phép lưu hành giả trên cao tốc và đấu tranh với hành vi sản xuất biển số giả...
Thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát đường thủy đã trực tiếp, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 5.836 vụ, 6.115 đối tượng có dấu hiệu của tội phạm hoạt động trên đường thủy nội địa, thu giữ nhiều tang vật, hàng hóa (gần 4.000 tấn than các loại, hơn 6.000m3 cát, gần 200.000 bao thuốc lá...) bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Những ngày này, diễn biến thời tiết phức tạp, có mưa lớn ở thượng nguồn nên CBCS Phòng 10 đều luôn trong tình trạng sẵn sàng để tìm kiếm cứu nạn. Khi chúng tôi đến, Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang và đồng đội đang nghiên cứu các thông tin về đợt thay đổi thời tiết sắp tới vì dự báo có thể xảy ra mưa dông diện rộng, lũ lớn trên các sông. Anh Giang cho biết, “trong mùa mưa bão, chúng tôi luôn chủ động nắm diễn biến, tình hình các cơn bão để có phương án, bố trí lực lượng, phương tiện để phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do lũ, lụt gây ra. Mùa nước cạn thì phối hợp kiểm tra luồng lạch, hướng dẫn giao thông để các phương tiện đi lại an toàn”.
Khi thành phố bắt đầu lên đèn, dù nước sông Hồng mùa mưa cuồn cuộn chảy nhưng chiếc ca nô của CBCS Phòng 10 vẫn lên đường tuần tra kiểm soát, bởi lợi dụng đêm tối, rất có thể các đối tượng khai thác cát trái phép và các vi phạm pháp luật khác trên đường thủy như cờ bạc, ma túy, chở hàng lậu, hàng cấm sẽ bắt đầu hoạt động. Ca làm việc đêm của các anh lại bắt đầu trong mịt mùng đêm tối, giữa sóng nước mênh mông...
Những năm qua, CBCS Phòng 10, Cục CSGT liên tục nhận được Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ và Bộ Công an; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công; Chuân chương Bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an tặng nhiều Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong: công tác và chiến đấu từ góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; trong thực hiện các cuộc vận động; trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trong đấu tranh phòng, chống tội phạm...
Mới đây nhất, đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 2 trong dịp thi đua chào mừng 75 năm Ngày Truyền thống của lực lượng CAND vừa qua.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-chien-tren-cac-tuyen-song-615305/