Cuộc chiến trong thế giới ngầm Macedonia
Jeton Krivanjeva dành buổi sáng đầu tháng ba đẹp trời trong một quán cà phê ở khu chợ cũ tại thủ đô Skopje của Bắc Macedonia. Ông ta nằm dài trên chiếc ghế bành, chia nhau cái ống điếu hookah với người bạn Enes Iseni của mình. Thế rồi đột nhiên một kẻ lạ mặt trong bộ quần áo cảnh sát nhảy vào giữa quán cà phê rồi xả súng. Jeton Krivanjeva và Enes Iseni đều bị trúng đạn tử thương.
Cái chết của Jeton đã gây rúng động thế giới ngầm Macedonia. Ai lại nghĩ rằng ông trùm của một băng đảng tội phạm quyền lực nhất nhì thủ đô lại bị ám sát giữa ban ngày ở chốn đông người?
Tranh giành quyền lực
Các băng nhóm tội phạm tranh giành quyền lực dẫn đến đổ máu không phải chuyện gì mới ở vùng Balkan. Chính phủ Serbia và Montenegro luôn phải đau đầu với vấn đề trấn áp tội phạm trước khi cuộc chiến của chúng làm hại dân thường. Vậy nhưng ở Bắc Macedonia thì đây là lần đầu đầu tiên bọn mafia lại manh động đến vậy. Kể từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ ám sát có liên quan đến mafia, khiến 4 người thiệt mạng.
Jeton Krivanjeva là ông trùm của “gia đình” tội phạm Dukjandzik có tiếng ở Skopje, còn Enes Iseni là bạn và cấp dưới thân cận của Jeton. Băng Dukjandzik trong mấy năm trở lại đây có tranh giành địa bàn với băng Belanoca. Hai tổ chức tội phạm muốn chiếm quyền kiểm soát tuyến đường vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ và cần sa từ Albania sang Tây Âu. Băng nhóm Baron của kẻ sát thủ Blerim Daci là đồng minh của Belanoca.
Một sỹ quan cảnh sát giấu tên trả lời báo Macedonia: “Thế giới ngầm ở Skopje đang trong giai đoạn “tái cấu trúc”, và không ai rõ bên nào sẽ chiến thắng... Chỉ mới vài năm trước các băng đảng còn ngồi được với nhau để phân chia địa bàn, còn bây giờ họ chỉ muốn giết nhau”.
Bộ Nội vụ Bắc Macedonia đã xác định được 40 tổ chức tội phạm khác nhau tại quốc gia này, trong đó có 22 băng đảng tham gia buôn bán ma túy. Cũng tiện nói thêm rằng băng Dukjandzik có nguồn gốc ở khu vực Dukjandzik ở tỉnh Cair, còn băng Bellona thì từ làng Belanovce gần biên giới giữa Macedonia và Kosovo. Lợi nhuận chúng thu được từ buôn bán ma túy đang được đổ vào việc mua súng ống và tuyển mộ côn đồ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. “Lính tráng” của những tổ chức lớn như thế này thường là các băng nhóm du côn địa phương sẵn sàng “bán mạng” vì tiền.
Chỉ hơn một tháng sau khi xác tên Blerim Daci được tìm thấy ở Kosovo, đồng bọn của hắn đã có “lời đáp trả.” Ông trùm Orhan “Oki” Bajrami của bang Dukjandzik bị bắn chết tại tư gia ở thị trấn nghỉ mát Hanioti (Hy Lạp). Cấp dưới của ông ta là Sead Slezovic cũng bị thương nặng. Đến nay giới chức Macedonia và Hy Lạp vẫn chưa tìm ra được những kẻ lạ mặt thực hiện vụ ám sát.
Thế giới ngầm tại Skopje hình thành sau khi nhà nước Yugoslavia (cũ) tan rã thành các quốc gia nhỏ, trong đó có Cộng hòa Bắc Macedonia. Khi chiến tranh Serbia nổ ra, nhiều nước phương Tây ra lệnh cấm vận Serbia. Thế là các băng đảng ở nước Macedonia láng giềng giàu lên nhờ việc buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, và những mặt hàng chịu cấm vận khác vào Serbia.
Ông trùm đầu tiên của băng Dukjandzik là Agim Sherifi (chú của Orhan Bajrami) đã liên minh với ông trùm Xhelal “Xheljo” Ayeti của băng Bellona để làm đường dây buôn lậu sang Serbia. Hai gia đình tội phạm liên minh với nhau hơn một thập kỷ và mở rộng hoạt động của mình sang lĩnh vực buôn ma túy, bảo kê và tổ chức đánh bạc.
Vào năm 2009, xác của Agim Sherifi bất ngờ được tìm thấy ở một bãi rác ở Skopje. Không ai rõ kẻ đã giết ông trùm, nhưng có tin đồn rằng băng đảng Bellona đứng sau vụ ám sát. Trước đó trùm Xhelal Ayeti bị cảnh sát đặc nhiệm Macedonia bắt giữ và đánh đập trong lúc tra hỏi. Cảnh sát làm vậy vì họ tin rằng Xhelal hỗ trợ tài chính cho phong trào nổi dậy của dân tộc Albania ở biên giới Macedonia. Có khả năng Agim Sherifi đã phản bội đồng minh cũ bằng cách cung cấp tin giả cho cảnh sát.
Liên minh Dukjandzik-Bellona tan vỡ, và mỗi băng đảng đi tìm đồng minh mới. Thế giới ngầm Skopje bị chia rẽ, và những băng nhóm nhỏ như Baron, Kondovo, Grcec, và Bundes đều tìm được “ông chủ” mới cho mình. Để đổi lấy tiền bạc, súng ống và sự che chở, những kẻ côn đồ trở thành sát thủ thuê.
Xhelal Ayeti bị bắn chết vào năm 2013 khi đang ngồi trong quán trà ở Skopje. Em trai hắn là Naim Ayeti lên nắm quyền ông trùm thay anh. Năm năm sau Naim cũng bị ám sát sau khi hắn và những tên sát thủ đuổi nhau bằng xe ôtô. Ông trùm băng Bellona hiện giờ là Fatljum “Tote” Ayeti, con trai của Xhelal Ayeti.
Một nhà báo điều tra giấu tên nhận xét về cuộc chiến băng đảng: “Mafia ở Macedonia vốn quen hoạt động trong bí mật. Chúng làm vậy một phần để làm vừa lòng các “ô dù” trong chính quyền. Những vụ ám sát công khai gần đây thật sự khác với phong cách làm việc của mafia Macedonia trước nay. Điều này hẳn cho thấy sự thay đổi trong cách suy nghĩ của chúng. Có thể là mối thù hằn giữa chúng đã lên đến mức không thể kiềm chế được, lại cộng với với nguồn tiền và vũ khí dồi dào thu được từ buôn bán ma túy khiến chúng thêm phần manh động”.
Chuyên gia nghiên cứu tội phạm và nguyên thanh tra cảnh sát Ljumbomir Gjurceski có quan điểm tương tự: “Tội phạm và chính trị gia ở Macedonia có mối quan hệ gần gũi với nhau. Một mặt thì các đảng phái cần người ở địa phương để gây ảnh hưởng lên cử chi, thúc giục họ bầu cho đảng mình hay thậm chí là mua phiếu. Chẳng ai làm việc đó tốt hơn các băng đảng. Mặt khác thì tội phạm cần “ô dù” che chở... Không hiếm trường hợp quan chức cấp địa phương được nhận chỉ định chức vụ nhờ đề cử của các ông trùm. Đấy là lý do vì sao chính quyền ở nhiều nơi cứ “ngoảnh mặt đi” với tội phạm. Họ không thể nào chống tội phạm hiệu quả được”.
Thế giới ngầm Macedonia được phân chia theo sắc tộc. Các băng đảng người Albania chiếm quyền kiểm soát thủ đô Skopje và hai thành phố quan trọng là Kumanovo (ở miền bắc đất nước) và Tetovo (miền tây). Băng đảng người Macedonia thì đóng tại thành phố Veles (miền trung) và Stip (miền tây). Ngay cả ngôn ngữ chúng dùng cũng khác nhau: người Albania thì nói tiếng Albania, còn người Macedonia nói tiếng Macedonia hoặc tiếng Serb-Croat.
Mạng nhện
Tội phạm Macedonia là một phần quan trọng trong mạng lưới cartel buôn lậu ma túy vùng Balkan. Tuyến đường vận chuyển ma túy bắt đầu từ Afghanistan rồi sang Pakistan hoặc Iran. Sau đó ma túy có hai ngã rẽ sang Tây Âu: Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria-Macedonia, hoặc là Serbia-Bosnia-Croatia-Slovenia. Ngoài việc vận chuyển ma túy, tội phạm vùng Balkan còn đảm nhận việc pha trộn chất độn thêm nhằm tăng khối lượng và giảm giá ma túy. Chúng cũng buôn bán cả bán vũ khí, hàng trốn thuế, và người bị bắt làm nô lệ. Ước tính khoảng 85% lượng cần sa bị bắt giữ tại Tây Âu từng đi qua vùng Balkan.
Theo báo cáo của Europol, chiến tranh Ukraine đã gây ảnh hưởng lên mạng lưới vận chuyển ma túy vùng Balkan. Cảng Odessa của Ukraine trước đây là nơi đón nhận nhiều cocaine được tàu chở từ Nam Mỹ. Nay thì Ukraine chìm trong chiến tranh, còn các nước châu Âu khác cũng dồn hết quân lính về phía đông và thắt chặt cửa khẩu. Tội phạm không thể buôn lậu ma túy từ Ukraine sang Tây Âu nữa nên buộc phải lựa chọn tuyến đường Balkan. Kết quả là mafia ở Balkan nói chung và Macedonia nói riêng đang lập “kỷ lục” về doanh thu.
Bản thân nhu cầu sử dụng các chất ma túy cũng đang tăng ở Tây Âu. Albania, Bắc Macedonia và Kosovo lại là ba nước châu Âu cho phép người dân trồng cây cần sa lấy nguyên liệu làm thuốc. Tội phạm Macedonia nhìn thấy cơ hội này nên đang đầu tư mạnh vào các trang trại trồng cần sa nhằm kiếm lời.
Mới đây cảnh sát Macedonia đã đột kích hai trang trại trồng cần sa ở khu vực quanh hồ Orhid miền tây nam nước này. Cả hai cơ sở đều có giấy phép trồng cần sa, nhưng nhà chức trách phát hiện ra sản lượng hàng đưa ra thị trường của họ ít hơn so với diện tích đăng ký trồng. Cảnh sát đột kích trang trại tịch thu được số cần sa thành phẩm trị giá 5 triệu euro chuẩn bị được đưa ra thị trường chợ đen, cùng một số máy móc ép dầu và chế biến nụ hoa cần sa. Họ cũng tìm được một số giấy tờ chứng minh được chủ trang trại có quan hệ tài chính với băng đảng Bellona qua một công ty bình phong tên là Green & Bio Farm.
Chính phủ Macedonia hợp pháp hóa việc trồng cần sa vào năm 2015. Việc quản lý các hộ nông dân, hợp tác xã và công ty nông nghiệp trồng cần sa được giao cho một ủy ban 5 người trực thuộc Bộ Y tế. Bộ máy này là quá bé so với quy mô hơn 60 cá thể có giấy phép trồng cần sa ở Macedonia. Bởi vậy mafia Macedonia có thể đầu tư và ngành trồng cần sa gần như công khai mà không phải sợ gì. Bản thân các trang trại cũng thường xuyên phạm luật như trồng nhiều cần sa hơn mức được cho phép hay là tổ chức chế biến cần sa “chui”.
Cuộc chiến quốc tế
Các nhà quan sát trong và ngoài Macedonia đều cho rằng sự manh động của tội phạm có tổ chức ở nước này có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của mạng lưới buôn bán ma túy khu vực Balkan. Muốn dập tắt làn sóng bạo lực này thì cách tốt nhất là tấn công trực tiếp vào mạng lưới này. Vậy nhưng chính phủ Bắc Macedonia không thể làm điều này một mình.
Đại diện của Europol phát biểu trong một hội nghị cảnh sát quốc tế tổ chức ở Skopje gần đây: “Việc xóa sổ những tổ chức tội phạm cần đến sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa cảnh sát các nước vùng Balkan. Chúng ta đã đạt được một số thành công trong việc bắt giữ ma túy và những đối tượng buôn lậu trực tiếp, nhưng sẽ cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa nếu chúng ta muốn bắt được bộ máy điều hành băng đảng”.
Trong số các chiến công của cảnh sát Macedonia gần đây có thể kể đến chiến dịch Comstock diễn ra cách đây hơn một năm. Cảnh sát Macedonia phối hợp với cảnh sát Úc để đồng loạt bắt giữ 14 đối tượng buôn ma túy ở hai nước, trong đó có ông trùm Ilija Raftoski bị Úc truy nã. Cảnh sát Macedonia tịch thu được ở nhà của Ilija ở Skopje tổng cộng 7 triệu USD tiền mặt, 3 kg methylamphetamine, 28 kg heroin, 6 khẩu súng và 3.000 viên đạn. Ngoài thành công trực tiếp, chiến dịch Comstock còn là ví dụ vạch ra con đường hợp tác sẽ giúp chính phủ Bắc Macedonia trấn áp được tội phạm có tổ chức ở quốc gia này.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cuoc-chien-trong-the-gioi-ngam-macedonia-i706994/