Cuộc chiến vaccine COVID-19: Ai thắng?
Các nước vẫn đang chạy đua với thời gian để điều chế vaccine COVID-19 bởi đây là chiến lược khả quan nhất để thoát khỏi đại dịch đang lây lan với tốc độ chóng mặt.
Theo thống kê của WHO, tính tới ngày 29/7, có 142 vaccine ở giai đoạn tiền lâm sàng, 17 vaccine trong giai đoạn thử nghiệm 1, 13 vaccine giai đoạn 2, và 5 vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Chưa có vaccine COVID-19 nào được chấp thuận.
Trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà nghiên cứu tiêm vaccine cho động vật để xem liệu nó có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không.
Trong giai đoạn 1, một nhóm nhỏ người được tiêm vaccine để xác định nó có an toàn không và xác định phản ứng miễn dịch mà nó gây ra. Trong giai đoạn 2, vaccine được tiêm cho hàng trăm người để tìm hiểu thêm về sự an toàn và liều lượng chính xác của nó. Trong giai đoạn 3, cũng là giai đoạn cuối cùng, vaccine được tiêm cho hàng nghìn người để xác nhận sự an toàn cũng như hiệu quả của nó.
Hiện tại, mới chỉ có 5 loại vaccine bước vào giai đoạn 3.
Một trong những ứng viên triển vọng nhất trong số này là vaccine AZD1222 do Đại học Anh và tập đoàn AstraZeneca nghiên cứu bào chế. Các thử nghiệm cho thấy loại vaccine này cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng. AZD1222 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối ở Nam Phi và Brazil.
Một loại vaccine hứa hẹn nữa là vaccine Ad5-nCOV do công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics của Trung Quốc và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi. Thông tin này thúc đẩy các nhà nghiên cứu triển khai giai đoạn cuối cuộc thử nghiệm vaccine ở quy mô rộng. Tuy nhiên, theo Wionews, không có cách nào xác nhận được tình trạng thực tế của dự án này hoặc liệu vaccine có hoạt động hay không bởi không có dữ liệu nào từ thử nghiệm được công bố.
Đại học Melbourne ở Australia và Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối với một loại vaccine lao gần 100 tuổi. Vaccine này không trực tiếp bảo vệ cơ thể chống lại COVID-19 nhưng nó làm tăng phản ứng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể.
Công ty Sinovac của Trung Quốc cũng đang phát triển một loại vaccine mang tên PiCoVacc. Vaccine này chứng minh được tính an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng sớm và đang chuẩn bị cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 8.870 người tham gia ở Brazil.
Ngoài ra ở Trung Quốc, Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) thuộc sở hữu nhà nước cũng đang có trong tay 2 loại vaccine ở dạng vaccine bất hoạt của virus SARS-CoV-2. Chúng được phát triển bởi Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán. 2 loại vaccine có thể sẵn sàng cho người dân sử dụng vào cuối năm 2020.
Nếu xếp theo số vaccine ứng với các giai đoạn, Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine với 3 loại đang thử nghiệm giai đoạn 3 trong khi Mỹ, Đức, Anh mới chỉ có 1 ứng viên.
Tuy nhiên, bất lợi của Trung Quốc là họ không công bố các dữ liệu từ các thử nghiệm dẫn tới những nghi ngại về mức độ tin cậy của các loại vaccine này.
Nga cách đây vài ngày cũng gây xôn xao khi công bố sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine COVID-19 của mình trong chưa đầy 2 tuần tới. Ứng viên mà Nga gửi gắm niềm tin là sản phẩm được phát triển bởi Viện Gamaleya, Matxcơva. Vaccine này sẽ được chấp thuận cho sử dụng công cộng và các nhân viên y tế tuyến đầu là những người được tiêm các mũi vaccine đầu tiên sau khi chúng được phê duyệt.
Dù vậy, giống như Trung Quốc, Nga không công bố dữ liệu khoa học về các thử nghiệm lâm sàng. Điều này làm dấy lên lo ngại trong giới khoa học rằng Nga đang đốt cháy giai đoạn dưới áp lực chính trị vốn quảng bá hình ảnh Nga như một lực lượng khoa học toàn cầu.
Trước những lo ngại này, giới chức Nga cho biết họ dự kiến sẽ công bố dữ liệu khoa học vào đầu tháng 8.
"Các nhà khoa học của Nga tập trung, nỗ lực phát triển vaccine nhanh chóng không phải vì muốn là quốc gia đầu tiên tìm ra vaccine ngừa COVID-19 mà là để bảo vệ con người khỏi đại dịch nguy hiểm này", Kirill Dmitriev, lãnh đạo Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga khẳng định.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa rõ Anh, Trung Quốc, Nga hay Mỹ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tung ra thị trường vaccine chống COVID-19.
Nhưng với những tuyên bố hiện nay, Nga đang là nước chiếm ưu thế nhất. Tuy nhiên, kể cả khi đã được phê duyệt đưa vào sử dụng, vẫn cần phải chờ đợi xem tác dụng của nó ra sao.
Dù vậy, khi làn sóng COVID-19 thứ 3, thứ 4 đang bùng phát ở nhiều khu vực, cả thế giới vẫn đang trông chờ liều thuốc sẽ cứu rỗi nhân loại này.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-chien-vaccine-covid-19-ai-thang-ar560706.html