Cuộc chiến với virus và cuộc chiến với… tin đồn

Giữa 'cơn bão corona', cùng với việc nỗ lực, căng mình triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) thì ngành y tế cũng tăng thêm gánh nặng khi phải 'chiến đấu' với những tin đồn thất thiệt, sai sự thật khiến dư luận hoang mang.

Bác sỹ trẻ “tuyên chiến” với mặt trận tin giả

Là một bác sỹ cấp cứu tại BV Bạch Mai, bác sỹ Ngô Đức Hùng, khoa A9 đã không ngần ngại “tuyên chiến” với những tài khoản mạng xã hội tung tin đồn sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Thậm chí, những tài khoản này còn làm “bác sỹ” khi tư vấn cho mọi người phòng bệnh bằng việc… uống nước tiểu ngay sau khi vừa tiểu ra để tăng sức đề kháng.

Bác sỹ Hùng cho rằng, nhiều dân mạng lập hẳn “lều dã chiến” trong nhà cập nhật tình hình náo loạn từ Vũ Hán, chia sẻ từng cái clip không kiểm chứng; rồi hoang tin nơi này, nơi kia có người sốt và lên án Bộ Y tế, chính quyền “chả làm gì để dịch dã khắp nơi”… Nhưng theo bác sỹ Hùng thì “cái dịch này nó nằm trên facebook. Còn khuyến cáo của y tế, tuyệt nhiên các anh chị chả để vào mắt”.

Bác sỹ Hùng phân tích, xét về độc lực, con virus này không bằng con cúm. Vì nó là chủng mới nên nếu để lây lan sinh sôi nhiều sẽ có nguy cơ bị đột biến. Vậy nên cẩn tắc vô áy náy, cẩn thận phòng chống vẫn hơn. Sợ thôi chứ đừng sợ quá.

Theo bác sỹ Hùng, điều quan trọng bây giờ không phải là sự lo lắng, hoang mang mà mọi người cần thực hiện tốt những khuyến cáo phòng bệnh. “Cái khẩu trang không phải là yếu tố quyết định việc phòng chống lây nhiễm mà chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi. Nó có tác dụng giảm phát tán virus ở người nhiễm chứ không có tác dụng ngăn ngừa cho người khỏe mạnh. Thế nên cũng không phải sốt sình sịch, đừng để bọn đầu cơ ép giá. Chúng ta vẫn nên đeo để bảo vệ cho người xung quanh mình”.

Rửa tay sạch để tránh sự tiếp tục với đồ vật dính các hạt nước/dịch có virus vào miệng/mũi/mắt mới quan trọng. Nước rửa tay xếp sau nước sạch và xà phòng. Nếu ở nhà/nơi làm việc có đủ nước sạch và xà phòng thì bạn hãy ưu tiên nó; Mở rộng cửa để thông thoáng nhà cửa, điều này sẽ làm nồng độ virus thấp xuống. Chúng tồn tại trong không khí thời gian khá ngắn.

“Tôi và các đồng nghiệp đã sẵn sàng chiến đấu với mặt trận tin giả. Bạn nào thấy thông tin trên mạng xã hội cần kiểm chứng, hãy chụp màn hình lại và gửi cho các bác sĩ, hoặc là tôi để có câu trả lời chính xác nhất.

Tôi kêu gọi các đồng nghiệp của mình trên toàn quốc hãy chung tay chống lại tin giả. Đưa ngay thông tin tại địa phương mình nếu có tin đồn thất thiệt. Tag tôi vào đó. Tôi không ngại việc bị tấn công và chửi bới của 1 số thành phần bất nhân, những kẻ lợi dụng sự hoang mang để làm điều xấu”, bác sĩ Hùng bày tỏ.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang.

Nhiều trường hợp bị xử lý vì tung tin đồn thất thiệt

Bác sỹ Ngô Đức Hùng “tuyên chiến” với tin đồn trên mạng xã hội bởi thực tế thời gian qua, từ khi xuất hiện dịch bệnh tại Trung Quốc thì nhiều tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam đã tung nhiều tin đồn thất thiệt khiến dư luận hoang mang cho cộng đồng.

Là bác sỹ điều trị, bác sỹ Hùng góp sức mình bằng việc phản bác lại những thông tin sai sự thật. Còn với lực lượng chức năng, thời gian qua đã vào cuộc điều tra, xử lý hàng loạt trường hợp bán hàng trên mạng lợi dụng tung tin sai sự thật để câu view, like, chia sẻ. Mức xử phạt với các hành vi này có số tiền không nhỏ, từ 10-30 triệu đồng-có lẽ so với số tiền lãi thu được từ bán hàng thì cao hơn nhiều lần.

Đó là 2 trường hợp H.T.L. và Đ.T.Q ở Đà Nẵng bị Phòng An ninh chính trị nội bộ, CA TP Đà Nẵng xử lý về việc sử dụng facebook chia sẻ thông tin không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh do virus corona với nội dung: “Tại Nha Trang đã có rất nhiều người bị nhiễm virus từ khách du lịch Trung Quốc. Bộ Y tế Việt Nam vẫn giấu kín thông tin này”; “Đà Nẵng phát hiện 2 ca nhiễm virus corona-Vũ Hán”.

Những thông tin này được chia sẻ rộng rãi và thu hút gần 200 lượt like và hơn 150 lượt bình luận, gây ra hiều nhầm, tạo tâm lý hoang mang cho dư luận dù cho đến thời điểm này, ngành y tế TP Đà Nẵng xác nhận trên địa bàn chưa có trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

Cả 2 trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với mức tiền phạt từ 10-15 triệu đồng.

Hay trường hợp Hà Thị Việt Tr ở Thanh Hóa tung thông tin: “Đêm nay Nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong cung giờ từ 4g-7g30 sáng mai 1-2-2020 nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”. Thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh hoang mang, cho con nghỉ học khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với hành vi này, Hà Thị Việt Tr đã bị CATP Thanh Hóa đã tiến hành lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, rất nhiều trường hợp người dùng tài khoản mạng xã hội ở Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hà Nội, Lào Cai, Thừa Thiên-Huế… bị xử phạt, triệu tập vì tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng có mức xử phạt 20-30 triệu đồng.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cuoc-chien-voi-virus-va-cuoc-chien-voi-tin-don-178398.html