Cuộc chiến xét nghiệm thần tốc tại tâm dịch Bắc Giang
Bắc Giang đang là điểm nóng nhất cả nước với 350 ca bệnh được phát hiện trong 10 ngày qua. Để chạy đua với dịch, một lực lượng lớn cán bộ y tế đã đổ về điểm nóng này. Họ ngày quên ăn, đêm không ngủ, chạy đua xét nghiệm để khoanh vùng nguồn lây virus SARS-CoV-2.
Bắc Giang đang là điểm nóng nhất cả nước với 350 ca bệnh được phát hiện trong 10 ngày qua. Để chạy đua với dịch, một lực lượng lớn cán bộ y tế đã đổ về điểm nóng này. Họ ngày quên ăn, đêm không ngủ, chạy đua xét nghiệm để khoanh vùng nguồn lây virus SARS-CoV-2.
Thần tốc xét nghiệm
Cùng lúc phát sinh ổ dịch lớn tại hai khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, Bắc Giang đang là ổ dịch phức tạp nhất cả nước với nhận định số F0 sẽ tiếp tục tăng. Tại Bắc Giang, từ 9-5 đến nay, các cán bộ y tế đã xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm. Để khoanh vùng cách ly nhanh nhất chỉ có cách là phải xét nghiệm thần tốc.
Bắc Giang đang phải xét nghiệm nhanh khối lượng mẫu bệnh phẩm rất lớn của 160.000 công nhân và hàng trăm nghìn người dân trong vùng. Ngoài ra, việc điều tra, truy vết cũng vô cùng khó khăn khi số F0 do địa phương xét nghiệm là 400 người, F1 sẽ lên đến gần 10.000 người. Việc tổ chức cách ly cũng là vấn đề lớn đối với Bắc Giang do dịch bệnh xảy ra ở những xưởng sản xuất có hàng nghìn công nhân.
Với đa số cán bộ Trung tâm y tế huyện Việt Yên, Bắc Giang, đây là trải nghiệm đầu tiên họ phải căng mình chống dịch. Kể từ 9-5, hơn một tuần liên tiếp trôi qua, họ đã làm việc cường độ cao với 20 giờ/ngày để chạy đua với cuộc truy vết thần tốc.
Được phân công phụ trách lĩnh vực truy vết, dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên ngày nào cũng làm việc từ sáng tinh mơ đến đêm muộn. Chị Kim Anh bộc bạch, từ hôm địa phương có ca dương tính ở khu công nghiệp, đêm nào ngủ nhiều thì được ba giờ. Gọi là ngủ chứ nằm xuống chị vẫn phải cầm điện thoại xem lại các báo cáo, số liệu từ cơ quan chuyên môn và các địa phương…
BS Hoàng Văn Luận (Khoa Xét nghiệm – Trung tâm Y tế Việt Yên) cho biết, từ khi có dịch anh vừa phải đi làm, vừa nghe điện thoại phối hợp với cơ quan chuyên môn kể cả nửa đêm hay tinh mơ sáng. Cứ thêm các ca dương tính, anh lại cùng các cán bộ của trung tâm Y tế chuẩn bị các máy móc, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ… lên đường thực hiện nhiệm vụ giữa tâm dịch.
Còn theo chia sẻ của BS Diêm Đăng Đích (Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên), hằng ngày lúc chuông điểm 5 giờ sáng, các bác sĩ và điều dưỡng đã có mặt mặc quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc một ngày của mình. Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự.
Đồng lòng với Bắc Giang, hai ngày vừa qua, Quảng Ninh, Hà Nội… đã bắt đầu chi viện lực lượng tinh nhuệ nhất cho tỉnh này để thực hiện công tác sàng lọc, xét nghiệm và truy vết.
Chị Nguyễn Thị Hương, điều dưỡng viên tại Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, đặt chân tới Bắc Giang chiều 15-5, đoàn nhân viên y tế của Quảng Ninh chỉ có thời gian nghỉ hơn một giờ là lên đường đi lấy mẫu cho công nhân trong Khu công ngiệp Quang Châu. "Hai đêm lên đây là hai đêm ngủ chập chờn vì đêm nào cũng phải đi lấy mẫu đến hơn 2 giờ sáng", chị Hương tâm sự.
Sáng 17-5, chị Hương cho biết, đoàn vừa hoàn thành nhiệm vụ lấy 5.000 mẫu xét nghiệm ở Khu công nghiệp Quang Châu. Vì để có kết quả xét nghiệm nhanh nhất nên công tác lấy mẫu được tiến hành đến gần sáng.
Đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm tại các khu công nghiệp.
Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2
Tại buổi làm việc chiều 17-5, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẵn sàng tập trung nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời sẽ báo cáo đề xuất với Bộ trưởng Y tế thành lập bộ phận thường trực hỗ trợ của Bộ Y tế thường trực tại Bắc Giang để kịp thời hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Thông tin tại buổi làm việc, đồng chí Lên Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện nay, công tác lấy mẫu xét nghiệm của toàn tỉnh đã tăng lên do có sự hỗ trợ từ các địa phương, đơn vị trên cả nước như: Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và lực lượng quân đội…. Trong ngày hôm qua đã hoàn thành gần 20.000 mẫu xét nghiệm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục khẩn trương triển khai lấy mẫu tại các khu dân cư liên quan đến khu công nghiệp tranh thủ sự hỗ trợ từ lực lượng các địa phương. Đồng thời, bắt buộc phải theo dõi được kết quả lấy mẫu, theo dõi thời điểm, thời gian, số lượng kết quả lấy mẫu trong thời gian nhanh nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc chiều 17-5.
“Bộ Y tế sẽ cử đoàn chuyên gia xuống trực tiếp làm việc tại Bắc Giang để hỗ trợ cho tỉnh. Bộ Y tế cũng đã làm việc với Công ty Giải pháp công nghệ, theo đó sẽ giúp đỡ Bắc Giang mã hóa xét nghiệm từ khâu khai báo, lấy mẫu, vận chuyển xét nghiệm và trả kết quả. Bước đầu sẽ thí điểm tại một số khu dân cư, nếu thành công thì sẽ mở rộng hình thức này trên diện rộng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Bắc Giang cần phải tiếp tục tập trung truy vết cộng đồng và các khu công nghiệp. Không bỏ lọt các trường hợp sốt, ho, để làm được điều này, việc cấp bách hiện nay đó là thành lập và duy trì các Tổ Covid cộng đồng và Tổ an toàn Covid trong khu công nghiệp.
Đồng thời, phải có cơ chế ràng buộc chính quyền địa phương để thúc đẩy các này hoạt động hiệu quả vì đây là lực lượng quan trọng để góp phần truy vết, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát và phải có chế tài xử phạt đối với những trường hợp không khai báo trung thực.
Đối với vấn đề liên quan đến thiết lập bệnh viện dã chiến, tại buổi làm việc, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh cũng cho biết: với tình hình F0 tăng nhanh như hiện nay tại Bắc Giang, trong khi đó việc xây dựng bệnh viện dã chiến cần khoảng một tuần mới xong, chính vì vậy ngay lập tức tỉnh phải kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2 đi vào hoạt động.
"Tỉnh Bắc Giang cũng cần phải thiết lập cầu truyền hình giữa Sở Y tế và các đơn vị điều trị trên toàn tỉnh để phục vụ tập huấn, giao ban chỉ đạo điều phối, hội chẩn chuyên môn, thường xuyên hội chẩn ca bệnh nặng để bệnh viện tỉnh kết nối với các tuyến Trung ương khi cần thiết", ông Khoa nói.
Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, địa phương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trước mắt sẽ xem xét cho dừng lại hoạt động của các công ty trong các khu công nghiệp không đủ điều kiện về phòng chống dịch Covid-19. Tinh thần là không đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp nhưng đóng cửa một số khu công nghiệp thực hiện không nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.