'Cuộc chơi lớn' không suôn sẻ của Anh với tuyến đường sắt cao tốc mới
Làm thế nào một tuyến đường sắt cao tốc 'chẳng dẫn đến đâu' lại trở thành biểu tượng cho sự suy yếu của nước Anh.
"Cuộc cách mạng" bị đình trệ
“Nếu bạn muốn tham gia cuộc cách mạng tốc độ cao, bạn phải bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ”. Đó là lời của Thủ tướng Anh David Cameron vào năm 2013 khi ông công bố lộ trình cho mạng lưới đường sắt cao tốc mở rộng đầu tiên của Anh, được gọi là HS2, một tuyến tàu hỏa hiện đại trị giá 37 tỷ bảng Anh chạy qua trung tâm đất nước.
10 năm sau, “cuộc cách mạng” tốc độ cao của nước Anh đã bị đình trệ.
Với hàng tỷ bảng Anh đã được chi ra, lời hứa về một tuyến đường sắt cao tốc nối trung tâm London với các thành phố phía bắc, Manchester và Leeds đang đứng trước nguy cơ thất bại khi chính phủ Anh chuẩn bị chương trình cắt giảm dự án lần thứ hai.
Theo tờ Politico, dự án HS2 đã trở thành một nỗi xấu hổ đối với một quốc gia từng tự hào là người đi tiên phong về đường sắt trên thế giới. Nhiều cuộc tự vấn đang được tiến hành về khả năng của Anh trong việc cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đúng thời gian và ngân sách.
William Hague, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ và là Ngoại trưởng Anh dưới thời cựu Thủ tướng Cameron, bình luận: “Nó được quản lý cực kỳ tồi tệ. Một nỗi xấu hổ của quốc gia."
Thông tin về những đợt cắt giảm mới nhất đối với dự án HS2 đã xuất hiện đúng lúc các thành viên Đảng Bảo thủ chuẩn bị tới Manchester để tham dự hội nghị đảng thường niên vào cuối tuần qua. Phố Downing đã trì hoãn một thông báo chính thức cho đến khi hội nghị kết thúc.
Bất chấp những lời chỉ trích ồn ào, Thủ tướng Rishi Sunak thể hiện mình là một nhà lãnh đạo sẵn sàng đối đầu với những vấn đề mà các chính trị gia khác đã cố gắng phớt lờ.
Tuy nhiên một tình trạng bất ổn sâu sắc hơn đã rõ ràng, và gây ra lực cản đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
HS2 tốn kém như thế nào?
Sự chậm trễ và chi phí tăng vọt đã gây khó khăn cho HS2 kể từ khi cựu Thủ tướng Cameron và cánh tay phải của ông, Bộ trưởng Tài chính George Osborne sử dụng "nguồn vốn chính trị" ban đầu của họ để thúc đẩy dự án. Chi phí nhanh chóng tăng từ 37 tỷ bảng lên 50 tỷ bảng – và hiện được cho là gần với mốc 80 đến 100 tỷ bảng.
Vào năm 2021, Thủ tướng khi đó, Boris Johnson đã hủy bỏ chặng phía đông của tuyến, đưa hành khách đến Leeds và Sheffield, nhằm hoàn thành phần còn lại.
Đợt cắt giảm mới nhất dự kiến cũng sẽ loại bỏ hoặc trì hoãn tuyến phía tây – từ Birmingham đến Manchester.
Điều tệ nhất là điểm cuối phía nam của tuyến HS2 chạy vào London giờ đây có thể kết thúc tại Old Oak Common – một kho đường sắt ở ngoại ô phía tây bắc London, cách trung tâm thành phố 10 km – thay vì tiếp tục đến Euston, một trong những ga cuối quan trọng của thủ đô. Hành khách từ Birmingham dự kiến sẽ phải xuống và lên các chuyến tàu địa phương chậm hơn trong hành trình còn lại của họ.
Kết quả cuối cùng có thể là, một tuyến đường sắt mới “với chi phí hàng chục tỷ USD sẽ đưa bạn từ Birmingham đến trung tâm London kém nhanh hơn mức bạn có thể làm vào lúc này" - theo bình luận của chuyên gia Paul Johnson tại Viện Nghiên cứu Tài chính Anh.
Một quan chức cấp cao của chính phủ nói với tờ Times: “Việc kết thúc tuyến tại Old Oak Common gần như là định nghĩa về một tuyến đường sắt 'chẳng đi đến đâu'”.
Vấn đề sâu xa của nước Anh
Trong khi Thủ tướng Sunak đang đổ lỗi cho các giám đốc điều hành HS2, những người được trả lương, thưởng cao khi dự án sụp đổ, thì câu chuyện lại gợi ý về những vấn đề sâu xa hơn trong cách mọi thứ được xây dựng ở Anh.
Có một cảm giác thất vọng ngày càng tăng về tình trạng dịch vụ công và cơ sở hạ tầng ở Anh, nhất là khi so sánh với các nước láng giềng.
Ông Sam Dumitriu thuộc nhóm chiến dịch thúc đẩy tăng trưởng Britain Remade nhận thấy rằng, ngay cả khi ước tính ban đầu về chi phí của HS2 là chính xác thì nó vẫn cao hơn gấp đôi giá mỗi km của tuyến kết nối tốc độ cao giữa Naples và Bari ở miền nam Italy, và đắt gấp 3,7 lần so với tuyến cao tốc nối Tours và Bordeaux ở Pháp.
Nhưng ông Dumitriu nói rằng nước Anh đối diện một vấn đề cụ thể – chi phí cao và sự phức tạp gây ra bởi sự thất thường trong hệ thống quy hoạch của nước này, một hệ thống dường như được thiết kế để bảo vệ vùng nông thôn bằng mọi giá. Ông chỉ ra một đề xuất cầu vượt ở cửa sông Thames mà chỉ riêng đơn đăng ký quy hoạch đã tiêu tốn 267 triệu bảng Anh - và dài tới 60.000 trang.
Quá trình lập kế hoạch cho HS2 đặc biệt khó khăn do sự phản đối của các địa phương dọc theo tuyến đường, vốn đi qua một số vùng nông thôn hiền hòa nhất miền nam nước Anh. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đại diện cho các khu vực bầu cử bị ảnh hưởng bởi tuyến đường đã vận động thành công cho nhiều kilomet đường hầm đắt tiền thay vì đơn giản là chạy lộ thiên.
Những người khác cho rằng cuối cùng thì chính phủ cũng phải giải quyết một dự án lớn đang bị phá sản.
Thủ tướng Anh, Sunak hy vọng tránh bị cáo buộc phản bội miền Bắc bằng cách nâng cấp các dịch vụ vận tải địa phương, mặc dù một số người nghi ngờ về mức độ thành công của việc này nếu không có tốc độ và năng lực bổ sung do HS2 cung cấp.
Giống như các Thủ tướng Đảng Bảo thủ trước đây, ông Sunak đã nói về việc đại tu hệ thống quy hoạch, mặc dù vô số nỗ lực trước đó đã bị mắc kẹt do sự phản đối của các nghị sĩ Bảo thủ lo ngại về tác động đối với các khu vực địa phương mà họ đại diện. Hiện tại, có vẻ như bất kỳ nỗ lực mới nào cũng sẽ phải đợi đến sau cuộc bầu cử tiếp theo.