Cuộc chuyển hướng đầy thách thức của ngành phần mềm

Ngành phần mềm Việt Nam đã tăng trưởng doanh thu hơn 300 lần sau 20 năm, đạt 148 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Tuy nhiên, ngành này đang nỗ lực chuyển đổi từ gia công (chỉ nhận làm một quy trình trong khâu sản xuất phần mềm) sang bán sản phẩm hoàn thiện ra nước ngoài. Để ngành phần mềm phát huy được tiềm năng và lợi thế, các chuyên gia cho rằng còn nhiều việc phải làm.

Số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho biết năm 2003, ngành phần mềm Việt Nam ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Toàn ngành lúc đó chỉ có doanh thu 500 triệu đô la Mỹ với khoảng 5.000 nhân lực. Đến năm 2022, ngành này đạt doanh thu 148 tỉ đô la với tổng nhân lực trên 1,2 triệu người, gấp hơn 300 lần về doanh thu và gấp 240 lần về quy mô nhân lực.

Một doanh nghiệp phần mềm giới thiệu sản phẩm. Ảnh minh họa: Vân Ly

Một doanh nghiệp phần mềm giới thiệu sản phẩm. Ảnh minh họa: Vân Ly

Điểm danh trên ‘bản đồ’ gia công phần mềm thế giới

Sau 20 năm nỗ lực của các doanh nghiệp phần mềm, hiện Việt Nam đã có tên trong “bản đồ” gia công phần mềm của thế giới. Trong các doanh nghiệp phần mềm, hiện FPT là tập đoàn lớn nhất với 60 ngàn nhân sự.

Tại một sự kiện được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT kể, năm 1999 thị trường đầu tiên được FPT nhắm đến khi đi ra nước ngoài là Mỹ. Nhưng thời điểm đó thị trường này chưa biết đến năng lực công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nên FPT đã thất bại.

Sau “thất bại” này, ước mơ xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn còn và đã hướng sang thị trường Nhật Bản. Nhưng thị trường này yêu cầu các kĩ sư công nghệ của FPT phải làm việc bằng tiếng Nhật và FPT tìm cách đáp ứng nên FPT đã thành công khi gia công phần mềm sang Nhật Bản. Sau đó FPT dần khai thác những thị trường quốc tế khác.

Hiện nhân viên của FPT đang làm việc ở 29 quốc gia. Sau 23 năm vươn ra nước ngoài, năm 2022 lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký hợp đồng một tỉ đô la từ thị trường quốc tế.

Phân tích để thấy giá trị của xuất khẩu phần mềm cao so với xuất khẩu các sản phẩm khác, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã thông tin trên trang cá nhân của mình. Theo đó ông Bảo cho rằng so với các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp (ô tô, điện thoại, máy tính, may mặc, giày dép, túi xách, máy móc phụ tùng) có giá trị gia tăng thấp, giá trị gia tăng của dịch vụ phần mềm xuất khẩu rất cao, lên đến 84% – cao gấp gần 4 lần giá trị gia tăng của nhóm hàng sản xuất hàng công nghiệp (một đôi giầy Nike sản xuất ở Việt Nam thì phần Việt Nam chỉ có 22%, phần của Mỹ là 78%).

Qua phân tích đó, ông Bảo cho rằng 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu phần mềm tương đương với gần 4 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp. Bởi làm dịch vụ phần mềm, không cần phải đầu tư dây chuyền sản xuất, không phải nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào. Đầu tư cho phần mềm rất ít chỉ phải trả lương nhân viên và chi phí thuê văn phòng làm việc…

Tại một sự kiện được tổ chức gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA cho rằng, 20 năm trước, ngành phần mềm Việt gần như chưa phát triển nhưng giờ “bức tranh” đã hoàn toàn thay đổi. Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm.

Còn tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2023 được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc ngành phần mềm trong 20 năm tăng trưởng gần 300 lần có thể được xem là một câu chuyện thần kỳ.

Xuất khẩu phần mềm ‘Make in Việt Nam’

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, kinh tế Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào kinh tế số (sẽ chiếm tới 20-25% GDP vào năm 2025). Ngành phần mềm của Việt Nam thời gian tới phải tạo ra sự phát triển của kinh tế số – phải trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Ngành kinh tế này sẽ là động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, sản xuất được sản phẩm và bán ra nước ngoài chứ không chỉ gia công.

Ông Khoa cho biết, trước đây FPT 99% gia công theo đơn đặt hàng, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Tại Châu Âu, FPT đang nghiên cứu các giải pháp để tối ưu quá trình chế tạo ra một chiếc xe hơi và quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió.

Thực tế cho thấy, trước đây các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cơ bản chỉ thực hiện một số công đoạn trong quy trình sản xuất phần mềm theo đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây, vị thế của doanh nghiệp đã được cải thiện, đã nâng tầm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khi dần làm chủ được công nghệ, các công ty đã chuyển mình sang hướng đổi mới, sáng tạo để tư vấn cho khách hàng nhằm tìm các giải pháp tối ưu nhất.

Nhằm thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ Việt đưa sản phẩm ra nước ngoài, từ vài năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam).

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ số và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng chính sách cho ngành CNTT là mảng chính sách được Nhà nước ưu đãi nhất. Ví dụ, với chính sách về hoạt động công nghiệp phần mềm, các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu tiên và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Đây là mức ưu đãi mà trên thế giới hiếm quốc gia nào có được.

Về không gian làm việc cho các doanh nghiệp, tại các khu CNTT tập trung, bên cạnh các ưu đãi chung của ngành, các doanh nghiệp còn được hưởng mức chi phí thuê mặt bằng thấp hơn so với bên ngoài. Trong khuôn khổ khu CNTT, doanh nghiệp còn được hưởng các dịch vụ cộng thêm và tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực này.

Trong thời gian tới, ông Nghĩa cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát để tối ưu hóa các chính sách, thúc đẩy mạng lưới khu công nghiệp CNTT tập trung để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Hiện Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến Đối ngoại (Bộ Công thương) để các doanh nghiệp công nghệ số có mặt trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Chia sẻ tại Diễn đàn Make in Việt Nam được tổ chức gần đây, ông Joseph Saib, tổng giám đốc Công ty Tel.red (Mỹ), cho rằng khát vọng mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang nuôi dưỡng cũng giống như ước mơ của các doanh nghiệp Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước đây. Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Con đường đầy thách thức phía trước

Cũng chia sẻ thông tin tại diễn đàn Make in Việt Nam, ông Hoàng Tuấn Hải, Tổng giám đốc VMO, một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu phần mềm, nêu quan điểm về việc mở văn phòng tại nước ngoài để đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế. Ông đề xuất nhà nước mở các trung tâm (hub) về công nghệ giúp doanh nghiệp kết nối ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mô hình đào tạo liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để từ đó đưa các chương trình đào tạo vào thực tiễn.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những rào cản để phát triển ngành phần mềm trong thời gian tới là thiếu hụt kỹ sư phần mềm và cần phải khắc phục tình trạng này.

Theo khảo sát mới đây của TopCV với hơn 2.200 doanh nghiệp và hơn 3.000 người lao động, kết thúc năm 2022, công nghệ thông tin, phần mềm là 1 trong 3 vị trí được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất. Nhưng đây cũng là 3 vị trí khó tuyển dụng và giữ chân nhân sự nhất.

Còn báo cáo của một nền tảng tuyển dụng khác là TopDev mới đây cũng cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực phần mềm và CNTT tại Việt Nam đang tăng lên. Trong khi đó, lượng kỹ sư CNTT lại đang thiếu hụt.

Theo Báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam – Tech Hiring 2022, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động trong nước. Các công ty công nghệ trong khu vực bắt đầu vào Việt Nam tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm cho mình.

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), 92% doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tuy nhiên, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,64% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,25% doanh thu toàn ngành. Điều đó cho thấy rằng, nhu cầu lớn về nhân sự chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn; kéo theo là những tiêu chuẩn chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng, thái độ làm việc cũng cao hơn; điều mà sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật nước ta còn thiếu. Mặt khác, tiêu chuẩn tốt nghiệp của sinh viên tại trường học đôi khi còn vênh với tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.

Một trong những điểm yếu dẫn tới hạn chế về khả năng xin việc của lao động ngành CNTT là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài gồm các lĩnh vực đang rất cần nhân lực lao động về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an toàn thông tin… nhưng ngoại ngữ lại trở thành rào cản đối với các kỹ sư CNTT Việt Nam. Vì vậy, nâng cao trình độ ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, điều này còn góp phần củng cố sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp trong nước đã và đang tiến ra thị trường quốc tế.

Vừa qua, nhóm chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam đã có cuộc nghiên cứu và phân tích, qua đó lĩnh vực sản xuất trò chơi trực tuyến (game) có tiềm năng trở thành một trong những trụ cột của ngành phần mềm. Tuy nhiên, để lĩnh vực này có thể phát huy được tiềm năng thì cần phải chú trọng khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) và đầu tư cho hoạt động đào tạo nhân lực thiết kế game.

Nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là trung tâm game lớn ở Đông Nam Á với khoảng 430.000 nhà lập trình game đang làm việc cho nhiều công ty trong và ngoài nước. Ngành game tại Việt Nam đang trong giai đoạn nở rộ, năm 2020 tổng doanh thu của ngành này đạt 12.000 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015.

Song, các chuyên gia Việt Nam cho rằng hầu hết các studio game ở Việt Nam đang hoạt động với mô hình gia công phần mềm. Họ chỉ phụ trách những việc liên quan tới gia công đồ họa, lập trình hay nhân bản game. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt các nhà thiết kế game có kỹ năng tạo ra một game hoàn chỉnh, ấn tượng và độc đáo. Nói cách khác, Việt Nam chưa có nhiều nhà thiết kế game, mà mới chỉ có nhiều nhà lập trình game. Cần phải khắc phục điều này mới giúp ngành game Việt Nam có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế số trong tương lai và xây dựng vị thế nổi trội trên thị trường game toàn cầu.

Thêm nữa, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách cởi mở hơn với game. Gần đây, cũng có nhiều đề xuất từ phía các doanh nghiệp phần mềm và VCCI đến Bộ Tài chính về việc bỏ game ra khỏi danh sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chuyen-huong-day-thach-thuc-cua-nganh-phan-mem/