Cuộc 'đại phản công' của Quân đội Ukraine qua một tháng chiến đấu
Cuộc phản công ban đầu của Ukraine đã không có nhiều bước tiến, quân đội Nga chiếm thế thượng phong rõ ràng và giai đoạn phản công thứ hai khốc liệt hơn chính thức bắt đầu.
Tờ Reporter của Nga cho biết, “Cuộc đại phản công” của quân đội Ukraine chính thức bắt đầu từ ngày 6/6, nhưng đã gần một tháng trôi qua, dường như vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Trong những ngày qua, Nga đã công bố một số lượng lớn video và hình ảnh cho thấy nhiều xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley do Mỹ và xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất, được trang bị cho quân đội Ukraine đã phá hủy và bỏ lại.
Truyền thông phương Tây từ rất lâu đã “thêu dệt” những huyền thoại về những vũ khí này. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 15/6 tuyên bố, quân đội Ukraine đang vấp phải sự “kháng cự ngoan cường” của quân đội Nga và đạt được rất ít tiến bộ, nhìn chung chỉ tiến được khoảng 1 km trên mỗi hướng tấn công.
Nhưng quân đội Ukraine không phải là không đạt được lợi thế:
Cuộc tiến công lớn nhất của quân đội Ukraine là ở phía nam thành phố Novosilka, chỉ cách Mariupol trên bờ Biển Đen khoảng 100 km. Theo phía Ukraine, quân đội Ukraine đã chiếm 7 ngôi làng (cũng có thông tin cho là 5 làng) ở phía nam Novosilka.
Tuy nhiên, chiến thắng này có thể không làm quân đội Ukraine “hài lòng”, bởi chiều sâu của 7 ngôi làng này chưa đầy 5 km và đều nằm ven sông. Địa hình gần đó là vùng đồi núi hiếm thấy ở miền nam Ukraine; do vậy xe bọc thép dễ tìm nơi ẩn nấp, để tránh sự tấn công của quân Nga.
Nhìn địa hình chiến trường nơi đoàn thiết giáp Ukraine chịu tổn thất nghiêm trọng, tất cả đều là bãi đất trống, bị ngăn cách bởi một số dải rừng thưa dài; rừng rậm nhỏ và thưa thớt, nên không thể làm nơi trú ẩn an toàn cho đoàn thiết giáp Ukraine. Đó là cảnh tượng phổ biến nhất ở vùng đồng bằng Ukraine.
So sánh kết quả như vậy có thể cho thấy rằng, dưới sự “minh bạch của chiến trường” do máy bay không người lái mang lại, các trận chiến cơ giới hóa quy mô lớn ở vùng đồng bằng đã lạc hậu và sẽ không còn những trận đấu tăng như Trận chiến xe tăng Kursk trong Thế chiến thứ hai trong tương lai.
Quân đội Nga cũng đã mất một vị tướng, Thiếu tướng Sergei Goryachev, 52 tuổi, tham mưu trưởng Quân đoàn 35 đã thiệt mạng, khi sở chỉ huy của ông bị trúng tên lửa HIMARS của Ukraine.
Theo suy đoán của giới truyền thông nước ngoài, có lẽ Sở chỉ huy của Quân đoàn 35 đã bị các máy bay do thám của Mỹ và Anh hoạt động trên Biển Đen định vị và thông báo tọa độ mục tiêu chu Quân đội Ukraine theo thời gian thực.
Trước đó, Mỹ đã điều UAV trinh sát chiến lược tầm cao Global Hawk RQ-4 trinh sát trên Biển Đen gần như hàng ngày. Trong khi Anh thường xuyên đưa máy bay giám sát RC-135 gần không phận Ukraine.
Theo truyền thông phương Tây, số lượng thương vong cao trong số các sĩ quan cao cấp của quân đội Nga, là do hệ thống chỉ huy cứng nhắc của quân đội Nga. Bởi vì các sĩ quan cấp cơ sở của quân đội Nga không có quyền đưa ra các quyết định chiến thuật và nhiều quyết định về chiến trường cần phải xin ý kiến cấp trên.
Do vậy nhiều tướng lĩnh cấp cao của quân đội Nga buộc phải ra chiến trường để chỉ huy, nên rất dễ bị đối phương tấn công. Nhưng quân đội Nga không thể thay đổi phương pháp chỉ huy này trong thời gian ngắn.
Nhưng cuộc chiến mà Quân đội Ukraine phải đối mặt vẫn rất khốc liệt. Trong điều kiện kỹ thuật hiện tại, các khu vực đồng bằng không còn thích hợp cho các cuộc tấn công thiết giáp quy mô lớn; nhưng các khu vực quân đội Nga chiếm đóng hiện nay, chủ yếu là địa hình đồng bằng.
Quân đội Ukraine chỉ có thể chọc thủng trận địa phòng ngự của quân đội Nga thông qua một nhóm quân nhỏ, và gần như chắc chắn sẽ phải chịu thương vong lớn.
Mặt khác, hệ thống phòng thủ nhiều lớp mà quân đội Nga đã dành nhiều tháng để xây dựng là rất vững chắc và quân đội Ukraine vẫn chưa thể “chọc thủng” được tuyến phòng thủ đầu tiên. Có thể hình dung cuộc "đại phản công" này cũng là một trận chiến “trường kỳ” của Ukraine.
Nhưng mặt khác, mặc dù quân đội Ukraine có thể đã mất hàng trăm xe tăng và xe bọc thép trong cuộc phản công lớn này, bao gồm một số xe tăng Leopard 2 và hàng chục xe chiến đấu bộ binh M2A2, nhưng lực lượng chủ lực của quân đội Ukraine vẫn chưa bị đánh bại; thậm chí không phải là những “thiệt hại nghiêm trọng”.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Quân đội Ukraine có tổng cộng hơn 800 xe tăng chiến đấu chủ lực do Liên Xô sản xuất, sau khi bùng nổ xung đột, Kiev đã nhận được hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, T-55 của các nước Đông Âu.
NATO cũng viện trợ hơn 80 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 (chủ yếu là loại A4, hơn 20 chiếc là loại A6); Mỹ cũng viện trợ 108 xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A2 (tin mới nhất là đã viện trợ thêm 15 xe Bradley M2A2 và 10 xe bọc thép Strike), cộng với xe tăng Challenger của Anh, xe tăng CV90 của Thụy Điển, v.v., như vậy quân đội Ukraine vẫn có khả năng tấn công tương đối mạnh.
Lấy riêng thông số xe tăng, thiết giáp của phương Tây mà quân đội Ukraine trang bị, so với trang bị tương tự của quân đội Nga, thì có vẻ như quân đội Ukraine vượt trội hơn hẳn.
Nhưng xung đột hiện đại là cuộc chiến tổng lực của các hệ thống, chứ không phải là cuộc chiến “một chọi một” với các vũ khí tương tự. Quân đội Nga không sử dụng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh để tiêu diệt xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Bradley M2; mà dựa vào pháo binh, UAV tự sát, trực thăng vũ trang và tên lửa chống tăng.
Chiến trường Ukraine hiện đang ở thế giằng co. Nếu cuộc phản công lớn thất bại, các nước phương Tây có thể cảm thấy “mệt mỏi” khi tiếp tục viện trợ cho Ukraine; đó là hậu quả mà Ukraine không thể gánh chịu.
Hiện tại, Quân đội Ukraine đang tiến hành giai đoạn thứ ba của chiến dịch tấn công theo hướng Zaporozhye; nhưng khác với hai giai đoạn trước ở các bước di chuyển chiến thuật. Điều này đã được công bố vào ngày 4/7 bởi chuyên gia người Nga Yuri Podolyaka.
Chuyên gia Podolyaka lưu ý rằng, hai giai đoạn đầu tiên bắt đầu với sự chuẩn bị pháo binh ồ ạt của Quân đội Ukraine, sau đó một số lượng lớn xe bọc thép và bộ binh đã tham chiến.
Trong vài ngày, các nỗ lực đã được thực hiện để vượt qua tuyến phòng ngự của Nga ở một số vị trí nhất định, sau đó quân Ukraine tấn công quay trở lại và mọi thứ lắng xuống trong một thời gian. Nhưng Quân đội Ukraine bắt đầu tích cực hoạt động trên một phần rộng hơn của đường giới tuyến.
Theo chuyên gia Podolyaka, Quân đội Ukraine đã có thể phát hiện những “mắt xích” yếu trên tuyến phòng ngự dài hàng nghìn km của Quân đội Nga. Thậm chí, phía Ukraine còn xuyên thủng một số điểm phòng ngự của quân đội Nga.
Ví dụ vào ngày 3 tháng 7 tại khu vực Orekhovo và Priyutnoye, sau khi quân Ukraine vượt qua tuyến phòng ngự tại khu vực Orekhov, nhưng đã bị quân đội Nga đẩy lùi. Nhưng tại khu vực Priyutnoye, Quân đội Ukraine đã giành được chỗ đứng trong tuyến phòng ngự của Quân đội Nga.
Chuyên gia Podolyaka nhấn mạnh rằng, mặc dù điều này chưa gây ra bất kỳ mối đe dọa lớn nào cho quân Nga, nhưng chắc chắn rằng trong những ngày tới, Quân đội Ukraine sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực để vượt qua các trận địa phòng ngự của Quân đội Nga, rồi tung đòn chính.