Cuộc 'dạo chơi sang trọng' của người viết bút kí trên tạp chí Cửa Việt

Nhân dịp kỉ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị và chào mừng tạp chí Cửa Việt tròn 300 số ấn hành, ban biên tập tạp chí đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn và bút kí kéo dài trong 2 năm (2018 - 2019). Theo Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt Thùy Liên, cuộc thi nhằm thu hút những tác phẩm tốt để nâng cao chất lượng tạp chí; củng cố, khẳng định uy tín và giá trị của một ấn phẩm văn hóa - văn học nghệ thuật có mặt gần 30 năm trong đời sống đương đại; phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, bổ sung thêm những tác giả mới cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Quảng Trị. Chủ đề của cuộc thi là 'Văn hóa, con người Việt Nam trong thời kì phát triển và hội nhập'. Theo đánh giá của bạn đọc, đây là một đề tài mở, biên độ khai thác rộng và có giá trị tư tưởng cao, bao phủ nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì thế ngay từ khi phát động, ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người viết khắp mọi miền đất nước.

 Trao giải C thể loại bút kí tại cuộc thi truyện ngắn và bút kí trên tạp chí Cửa Việt. Ảnh: T.L

Trao giải C thể loại bút kí tại cuộc thi truyện ngắn và bút kí trên tạp chí Cửa Việt. Ảnh: T.L

Có thể thấy, đây là một cuộc thi nghiêm cẩn và có sức hấp dẫp lớn đối với bạn viết, bạn đọc tạp chí Cửa Việt trong cả nước. Nghiêm cẩn vì ngay trong trong truyện ngắn và bút kí, theo Thư kí Tòa soạn Hoàng Công Danh, đã là hai thể loại văn xuôi gần gũi và giao thoa nhau bởi nó đòi hỏi cả ba yếu tố: Chất liệu hiện thực, sự hư cấu, tính tự sự. Với tinh thần của cuộc thi là phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố nghệ thuật mới, ban biên tập tạp chí trân trọng đón nhận sự tham gia của những cây bút mới vào nghề nhưng đã có những góc nhìn đời sống sâu sắc.

Ở lĩnh vực truyện ngắn, chúng tôi không có dịp đọc và chia sẻ nhiều. Riêng đối với người viết bút kí như chúng tôi, đây lại là một cuộc “dạo chơi sang trọng” trên tạp chí Cửa Việt. Cuộc “dạo chơi” đến từ sức hấp dẫn bởi thương hiệu của tạp chí đã được khẳng định bấy lâu nay trong đời sống văn hóa, văn nghệ cả nước. Và quả thực, những người cần mẫn sống và viết trên quê hương Quảng Trị, không có niềm vui nào hơn khi được gặp nhau, chuyện trò, chia sẻ những tác phẩm của mình trên tạp chí mà mình gửi gắm bao tình cảm, sự trân trọng và niềm tâm đắc. Chúng tôi tham dự cuộc thi viết bút kí trên tạp chí với niềm hi vọng là những bạn viết có cơ hội lại được gặp nhau, cuộc gặp của những “người ham chơi” như cách nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đầu tháng 8/2018, phát động cuộc thi, kết thúc nhận bài vào ngày 10/7/2019, ban tổ chức nhận được 156 tác phẩm của 108 tác giả ở cả hai thể loại. Ban biên tập đã chọn 70 tác phẩm đăng tải trên báo in và trang thông tin điện tử tổng hợp của tạp chí Cửa Việt. Ngày trao giải cuộc thi, đúng như niềm mong mỏi của chúng tôi, ở thể loại bút kí, tôi được gặp lại những “người xa lạ gần gũi” lâu ngày hội ngộ. Bức ảnh chụp ưng ý nhất khi chúng tôi nhận giải về bút kí có sự hiện diện của Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hoàn, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt Thùy Liên, anh Tống Phước Trị, hai người trẻ là Trần Thanh Hải, Trần Hoài và tôi. Anh Tống Phước Trị là bậc đàn anh, cả trong tuổi đời và tuổi nghề viết văn, viết báo, người mà tôi rất ngưỡng mộ nhưng ở khá xa, lâu lâu mới gặp; Trần Hoài là người viết trong quân ngũ, địa bàn rộng, xông xáo trên cả hai lĩnh vực báo chí và văn chương; Trần Thanh Hải là cán bộ tận tụy và năng động của huyện Vĩnh Linh. Mỗi người một việc và cứ bị công việc dẫn dắt, cuốn đi, nên hóa ra gần gũi mà xa lạ là vậy.

Một điều thú vị là người đoạt giải cao nhất ở thể loại bút kí cũng là một người “xa lạ gần gũi”- anh Lê Bá Dương. Đánh giá về các tác phẩm bút kí đoạt giải, chị Thùy Liên phân tích rằng, mảnh đất Quảng Trị đã đi qua những cuộc chiến khói lửa kiên cường và những câu chuyện hậu chiến vẫn còn được kể bởi chính những người trong cuộc như cựu chiến binh Lê Bá Dương với bút kí “Gio An - Linh địa diệu kì”. Nghĩa tình của những người lính được kết nối bằng những sợi dây vô hình, trong không gian tâm linh và không gian internet. Nhờ đó, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được thuận lợi. Câu chuyện mang đến sự thấu cảm về mảnh đất chiến trường xưa và trân trọng nghĩa cử của những người được hưởng hòa bình hôm nay. Tác giả viết bút kí tự nhiên, không cầu kì làm văn nhưng đong đầy cảm xúc. Mạch cảm hứng về lịch sử vẫn được những người trẻ kể tiếp, trên nền tư liệu và sử dụng bút pháp xuyên không. Ở bút kí “Dặm trường một đóa hồng phai”, Lê Vũ Trường Giang chiêm cảm về cuộc ra đi đổi lấy đất đai xứ sở Thuận Hóa của Huyền Trân Công Chúa. Bút kí của Lê Vũ Trường Giang thể hiện sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, nối tiếp nghệ thuật viết kí của các nhà văn lớn đi trước và tiếp biến kĩ thuật viết đương đại, ngôn ngữ linh hoạt, đậm chất văn học. Văn phong bút kí rất quan trọng, bởi nó sẽ kéo bạn đọc đi hết câu chuyện một cách tự nhiên. Những cây bút trẻ chứng tỏ có nghề trong cách sử dụng bút pháp thể kí. Trần Thanh Hải với bút kí “Lênh đênh trên dòng Bến Hải” như một du kí về hai chiều không gian - thời gian: xuôi dòng sông và ngược chiều lịch sử. Kể từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền đất nước, cũng chia cắt tỉnh Quảng Trị, từ đó Vĩnh Linh nhận lãnh sứ mệnh là tiền đồn miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Đằng đẵng 21 năm đau thương, quân và dân Vĩnh Linh đã làm nên bao huyền thoại trên tuyến lửa anh hùng. “Lênh đênh trên dòng Bến Hải,” ở quãng sông nào cũng gợi lại kí ức về những cuộc đối đầu quyết liệt hai bờ sông. Để rồi từ đó cầu Hiền Lương- sông Bến Hải trở thành biểu tượng của khát vọng đoàn tụ, thống nhất non sông. Văn chương nghệ thuật luôn bám sát đời sống. Cuộc thi lần này không nằm ngoài mục đích tìm kiếm những tác phẩm phản ánh các vấn đề mới trên lĩnh vực kinh tế- xã hội của địa phương, quảng bá mảnh đất và con người Quảng Trị, giới thiệu những tiềm năng triển vọng, đưa ra những ý tưởng đóng góp xây dựng quê hương. Có thể nhận thấy nỗi trăn trở về phát triển du lịch miền Tây Quảng Trị trong bút kí “Gió vẫn thổi qua đại ngàn” của Yên Mã Sơn; hay nỗ lực đáng ghi nhận của những người trẻ yêu quê nhà, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương trong các bút kí: “Tản mạn về bát cơm đầy, bát cơm ngon” của Đào Tâm Thanh, “Đi lên từ đất” của Tống Phước Trị. Thể loại bút kí dự thi lần này đa số là các tác phẩm chất lượng của những cây bút Quảng Trị, hoặc những người gắn bó duyên nợ với Quảng Trị. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi với bút kí, đất sống chính là đất viết.

Theo quy luật, thời gian sẽ không ngừng lại. Khép lại cuộc thi truyện ngắn, bút kí lần này, những người viết gắn bó với tạp chí Cửa Việt lại trông chờ vào một cuộc “dạo chơi sang trọng” mới trong 350, 400 số ấn hành hay nhiều hơn nữa…Những người viết bút kí nổi danh ở Quảng Trị, bên cạnh các anh: Minh Tứ, Nguyễn Hoàn, Lâm Chí Công, Lê Đức Dục, Tống Phước Trị, Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng… vẫn giữ được phong độ bút lực và sự trải nghiệm dày dặn, bạn đọc càng yên tâm hơn khi “sẽ thấy và nhất định thấy” một lớp người trẻ nữa bước tiếp phần “dạo chơi sang trọng” trên văn đàn. Bằng nền tảng kiến thức học vấn chắc chắn, khả năng thể hiện điêu luyện, mới mẻ trong sáng tạo, những người trẻ như Hoàng Công Danh, Trần Thanh Hải, Yên Mã Sơn, Trần Hoài, Lâm Hưng Thơ, Cẩm Nhung… đã bước vào lĩnh vực văn chương với sự tự tin rất đáng quý. Chúng ta cùng kì vọng và chờ đợi đón đọc những tác phẩm mới của họ.

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142483