Cuộc đào thoát táo bạo của những người tù cộng sản (*)

Trước năm 1945, những người tù cộng sản đã thực hiện nhiều cuộc vượt ngục ở nhà đày Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cuộc đào thoát đầy táo bạo ngày 20-2-1944 của 4 anh em người Quảng Nam do ông Trần Văn Quế dẫn đầu là một minh chứng đầy tự hào.

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1930 để giam giữ biệt xứ những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản hoạt động ở các tỉnh miền Trung. Đây thực chất là một nhà tù khắc nghiệt nổi tiếng ở Tây Nguyên, được ví là “địa ngục trần gian”, cùng thời với ngục Kon Tum và sau đó là ngục Đăk Glei (xây dựng năm 1932).

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều cán bộ cách mạng ở miền Trung bị giam giữ ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong số đó, nhiều người sau này là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của nước ta và của tỉnh Gia Lai-Kon Tum như các đồng chí: Võ Toàn (Võ Chí Công), Nguyễn Chí Thanh, Phan Khắc (Phan Thêm), Trần Văn Quế…

Trước năm 1945, nhiều cuộc vượt ngục đã xảy ra ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong đó có các cuộc vượt ngục không thành công và đã bị kẻ thù đàn áp vô cùng dã man. Nhưng điều ấy không làm nản lòng những chiến sĩ cộng sản đang đấu tranh vì độc lập, tự do cho đất nước.

Cuộc đào thoát đầy táo bạo ngày 20-2-1944 của 4 anh em người Quảng Nam do ông Trần Văn Quế dẫn đầu, được tổ chức cộng sản bí mật trong nhà đày Buôn Ma Thuột chuẩn bị từ trước với sự huấn luyện kỹ năng khá thuần thục để trở về với quần chúng, tiếp tục hoạt động cách mạng trên quê hương là một ví dụ.

Lao 3 và lao 4 nơi giam giữ tù chính trị tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu: Internet

Lao 3 và lao 4 nơi giam giữ tù chính trị tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu: Internet

Tin mật báo trong nhà ngục cho biết, nhóm tù nhân 4 người Quảng Nam này được địch chuyển từ Buôn Ma Thuột về Huế cùng với 7 tù nhân khác, do đội lính Pháp trang bị đầy đủ áp giải bằng ô tô nhà binh từ cao nguyên Đắk Lắk về Nha Trang. Khi đến Nha Trang thì trời đã về đêm. Chúng nhốt nhóm tù nhân vào 2 phòng giam.

4 tù nhân người Quảng Nam gồm các ông: Quế, Giám, Khoa, Nhiên bị địch nhốt vào 1 phòng nhỏ, 7 người còn lại thì bị nhốt riêng trong phòng lớn hơn. Các tù nhân được chúng cho tháo còng, nằm dưới sàn để ngủ. Vì đi một đoạn đường dài thấm mệt, ai cũng muốn ngủ một giấc để lấy sức ngày mai đi tiếp, kể cả bọn lính áp giải cũng vậy.

Có sự chuẩn bị từ trước, 4 anh em chợp mắt được một lúc thì thức dậy quan sát, thấy phòng giam có mái ngói, có thể thoát ra từ nhà tiêu. Được huấn luyện kỹ thuật thoát ngục, ông Quế xé bộ quần áo mang theo làm dây leo rồi giở ngói thoát ra ngoài. Ba người còn lại trèo qua 2 bức tường một cách êm xuôi, riêng ông Giám vì tuổi cao, sức khỏe có hạn nên loay hoay mãi mà không qua được bức tường thứ hai. Trời thì gần sáng, thấy không ổn, ông Quế quyết định quay trở vào và đỡ ông Giám trở lại phòng giam, nằm giả đò ngủ để bọn lính canh không nghi ngờ.

Kế hoạch vượt ngục từ phòng giam Nha Trang của nhóm tù nhân xứ Quảng không thành. Ông Quế trấn an anh em và tiếp tục tìm cơ hội khác với quyết tâm cao. Hôm sau, chúng đưa tù nhân ra ga Nha Trang rồi dồn mọi người vào toa chở heo trên chuyến tàu hỏa về Quy Nhơn. Trên chuyến tàu này, chúng trói tù nhân thành cặp và giám sát rất chặt chẽ nên có muốn cũng không thoát được.

Đêm ở Quy Nhơn, chúng nhốt anh em vào nhà giam khá kiên cố và lính canh bố phòng rất nghiêm nên nhóm tù nhân Quảng Nam đành thúc thủ. Ông Quế bàn với 3 anh em là ngày mai trên tàu hỏa từ Quy Nhơn về Huế phải tìm mọi cách để tẩu thoát bằng được.

Hôm ấy, tàu từ Quy Nhơn đến ga Tam Quan thì đỗ lại. Bọn lính chuẩn bị đi mua thức ăn cho tù nhân. Ông Quế móc tiền trong túi đưa cho mấy tên lính nhờ mua thêm thức ăn và ít rượu để đãi tốp lính áp giải. Chúng không nghi ngờ gì. Khi bày thức ăn trên sàn tàu, chúng tháo dây trói và mở còng tay cho tù nhân ăn cơm trong lúc tàu lăn bánh và cửa toa được mở cho thoáng.

Khoảng 8 giờ tối, tàu đến Đức Phổ (Quảng Ngãi), trong lúc lên dốc, đoàn tàu chậm lại, 4 anh em ngồi gần mâm cơm sát cửa toa trong tư thế chuẩn bị ăn tối. Đã có giao ước từ trước, ông Quế ra khẩu lệnh “Lênin”, lập tức 4 thân hình như chiếc bị rơi bịch xuống đường khi tàu đang chạy, trong lúc bọn lính ngơ ngác chưa kịp phản ứng gì.

Phía dưới đường sắt lúc này là ruộng nước nên nhóm tù nhân xứ Quảng không bị thương. Chỉ có ông Quế khi rơi xuống, vết thương cũ ở tay lúc đá bóng ở nhà đày Buôn Ma Thuột bị cấn bong gân, nhưng còn xoay xở được.

4 anh em dùng đá đập vỡ còng tay rồi chia nhau cứ nhắm núi phía Tây mà chạy. Bọn lính áp giải không thể yêu cầu dừng tàu hỏa bất thường được nên đành bắn mấy phát súng thị uy trong đêm tối. Khi đến ga tiếp theo, nghe đâu chúng có cho 3 tên lính quay lại nơi các tù nhân trốn thoát để dò la nhưng bặt vô âm tín.

Để đánh lạc hướng bọn địch truy nã, 4 người vừa thoát chia nhau mỗi người một ngả. Ông Quế chạy lên đến vùng đồi núi của Quảng Ngãi thì kiệt sức vì đói, vết thương đau nhức nên thiếp đi trong bụi rậm cả ngày hôm sau. Khi tỉnh lại, ông cố đi tìm quả rừng và nước suối để giải quyết cơn đói khát rồi cứ ngày nghỉ, đêm nhắm sao Bắc Đẩu mà đi.

Không thể quẩn quanh mãi trên núi chịu đói rét được, ông Quế đã đóng giả người ăn xin lần về đến Mộ Đức, rồi Sông Vệ (Quảng Ngãi), sau đó “lột xác” thành nông dân để vượt qua các đồn bốt của địch. Khi đến gần đồn Dốc Sỏi (cuối Quảng Ngãi, đầu Quảng Nam), ông Quế vui mừng gặp được ông Giám cũng đang tìm cách vượt bốt gác để tìm về quê nhà. Còn 2 ông Khoa và Nhiên chưa có tin tức gì.

Lúc này, bọn địch đang ra sức truy nã nhóm tù nhân vượt ngục này và thông báo hình ảnh của các ông ở các đồn bốt và nơi công cộng. Do vậy, chỉ cần sơ sẩy là các ông bị lộ chân tướng ngay.

Chấp nhận gian khổ, ông Quế và ông Giám đi vòng theo đường núi về đến đất Quảng Nam. Công việc đầu tiên là móc nối lại các cơ sở cũ tin cậy trước đây đã bị vỡ trận khi địch lùng bắt. Nhiều đồng chí đã mừng rỡ khi thấy các ông trở về trong vòng vây của địch nên ra sức bảo bọc, giúp đỡ, gầy dựng lại tổ chức, bí mật hình thành các chi bộ Đảng để lãnh đạo Nhân dân chống kẻ thù xâm lược.

Khi các tổ chức Đảng ở địa phương ổn định, tại Hội An, các ông đã họp, thành lập Tỉnh ủy Quảng Nam lâm thời và bầu ông Trần Văn Quế làm Bí thư. Những tháng đầu năm 1945, các ông đã liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi để đẩy mạnh phong trào kháng Nhật và thành lập Ban Liên tỉnh Nam-Ngãi nhằm hỗ trợ nhau chống kẻ thù chung. Bấy giờ, 2 tỉnh Nam-Ngãi vẫn chưa liên lạc được với Xứ ủy và Trung ương, mặc dù đã cử người đi ra Thanh Hóa để tìm cơ sở.

Sau đó, tổ chức đã bắt liên lạc với đồng chí Tố Hữu vừa mới vượt ngục về và liên tỉnh Nam-Ngãi đã nắm bắt được chủ trương của Xứ ủy và Trung ương, đồng thời gấp rút chuẩn bị các điều kiện để phát động quần chúng đấu tranh thành cao trào kháng Nhật.

Bước vào tháng 8-1945, các điều kiện chuẩn bị đã chín muồi. Rạng sáng 18-8-1945, toàn dân đã nổi dậy giành lấy chính quyền từ tay quân Nhật. Sau đó, các tỉnh ở miền Trung-Tây Nguyên cũng đã vùng lên khởi nghĩa cùng với đồng bào cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.

Sau khi giành được độc lập, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh đã nắm bắt tình hình Bắc Tây Nguyên còn chưa có tổ chức Đảng Cộng sản lãnh đạo nên điều động ông Phan Thêm làm phái viên Xứ ủy lên Gia Lai và Kon Tum để chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đến đầu năm 1948, khi thành lập Ban cán sự Khu 15 (Tây Nguyên), Xứ ủy điều động ông Trần Văn Quế lên Tây Nguyên làm Giám đốc Thông tin và Dân vận khu. Sau đó, ông Quế được bổ sung vào Thường vụ Ban cán sự Gia Lai. Khi 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập, ông được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum cho đến cuối năm 1951. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Quế được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Thường trực, Bí thư Ban cán sự Bộ Lâm nghiệp giai đoạn 1976-1986.

--------------------------

(*) Theo Hồi ký của Trần Văn Quế

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cuoc-dao-thoat-tao-bao-cua-nhung-nguoi-tu-cong-san-post290949.html