Cuộc đấu không võ đài giữa Musk và Zuckerberg
Khi triển vọng về trận đấu võ tay đôi giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg vẫn chưa rõ ràng, hai tỷ phú vẫn đang đối đầu gay gắt để giành chiến thắng trên thương trường.
Nếu những gì Elon Musk và Mark Zuckerberg mới đây tuyên bố là điều đáng tin cậy, cả hai sẽ sớm thi đấu tay đôi tại Las Vegas hoặc Rome. Chủ tịch công ty giải trí võ thuật hỗn hợp Ultimate Fighting Championship (UFC) Dana White tuyên bố ông đang cố gắng tổ chức cuộc đấu giữa hai tỷ phú.
Theo ông White, hai người đều “rất nghiêm túc” với sự kiện. “Đây sẽ là trận đấu lớn nhất trong lịch sử thế giới”, ông khẳng định, theo Financial Times.
Tuy vậy, với sự ra mắt mới đây của Threads, Musk và Zuckerberg đã khởi động một cuộc đối đầu có tác động sâu rộng hơn nhiều: Cuộc đấu giữa các nền tảng mạng xã hội.
Quan hệ phức tạp
Kể từ khi mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD tháng 10/2022, Musk đã thực hiện nhiều thay đổi lớn, từ “thay máu” nhân sự, giảm kiểm duyệt nội dung tới thay đổi liên quan đến người dùng và quảng cáo, đặt Twitter bên bờ vực vỡ nợ hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, Zuckerberg hồi tuần qua đã cho ra mắt Threads - ứng dụng mạng xã hội tương đối giống Twitter. Không khó đoán rằng mục tiêu của Threads là “lật đổ” Twitter, thu hút những người dùng bất mãn với nền tảng xã hội cũ.
Zuckerberg cho biết Threads mong muốn xây dựng ứng dụng thân thiện với hơn một tỷ người dùng. “Twitter đã có cơ hội làm vậy nhưng không thể hiện thực hóa”, nhà sáng lập Facebook châm biếm.
Màn ra mắt của Threads tương đối thành công: Tính đến hôm 8/7, nền tảng này đã thu hút 90 triệu người dùng, theo Search Engine Journal.
Ngay sau đó, Twitter dọa kiện Meta với cáo buộc thu hút cựu nhân viên và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Twitter. “Cạnh tranh là điều tội, gian lận thì không”, Musk viết.
Tuy vậy, thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định Zuckerberg là người chiến thắng trong cuộc đấu giữa các nền tảng mạng xã hội. Threads vẫn thiếu các chức năng thiết yếu, cũng như chưa có kế hoạch cụ thể để thu hút giới phóng viên hay học giả - những người có vai trò thúc đẩy thảo luận trên Twitter.
“Nói theo thuật ngữ đấu vật WWE, tôi coi đây là trận đấu cân bằng - cả về cái tôi lẫn năng lực công nghệ”, ông Greg Kidd, một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Twitter, nhận xét.
Zuckerberg và Musk đã là “kỳ phùng địch thủ” từ nhiều năm nay, người quen của hai tỷ phú cho biết.
“Họ luôn ghét nhau”, một nhà đầu tư quen biết cả hai tỷ phú tiết lộ. Người này cho biết Zuckerberg từng “tức giận” khi một tên lửa SpaceX nổ giữa không trung khi mang theo một vệ tinh quan trọng với Facebook.
Điều trớ trêu là Zuckerberg hưởng lợi từ nhiều hành động gần đây của Musk. Từ khi Musk mua lại Twitter, truyền thông chuyển hướng chú ý sang nền tảng này, qua đó giúp Meta “dễ thở” hơn sau quãng thời gian dài bị theo dõi chặt chẽ với các cáo buộc dung túng tin giả hay xâm phạm quyền riêng tư.
Đặc biệt, động thái sa thải hàng loạt nhân viên Twitter của Musk đã mở đường cho Zuckerberg làm điều tương tự mà không vấp phải nhiều chỉ trích.
“Zuckerberg vấp phải vấn đề lớn về chiến lược. Threads là cơ hội tốt nhất để ông ấy giảm thiểu thiệt hại đến mức tối thiểu”, ông Roger McNamee, người từng là nhà đầu tư nhưng đã trở thành người thường xuyên chỉ trích Facebook, nói.
Cuộc chiến vì cái tôi
Tại Thung lũng Silicon, sáng tạo là điều được đánh giá cao nhất. Tuy vậy, khi không đạt được thành công trong các lĩnh vực mới như tiền số hay vũ trụ ảo, Zuckerberg sẵn sàng bắt chước các tính năng của đối thủ.
Đây là điều không mới. Năm 2004, Zuckerberg từng bị kiện với cáo buộc đánh cắp ý tưởng kinh doanh và mã nguồn để hình thành Facebook. Story trên Instagram được cho có cảm hứng từ Snap, trong khi Reels của Facebook tương tự với TikTok.
Với việc gắn ứng dụng mới Threads với Instagram, người dùng sẽ có thể thiết lập một mạng lưới nội dung có liên quan. Đây là một trong những nhân tố khiến Threads hấp dẫn ngay từ ngày đầu.
“Meta có lợi thế lớn trong việc thu hút tất cả nhà quảng cáo đã rời bỏ Twitter”, quản lý một doanh nghiệp quảng cáo nhận định. “Twitter sẽ cần hành động mạnh mẽ và nhanh chóng”.
Cuộc đấu giữa Musk và Zuckerberg còn nổ ra ở nhiều mặt trận khác. Cả hai đều muốn thu hút các nhà sáng tạo nội dung tài năng. Cả hai muốn tích hợp hoạt động thanh toán và mua bán vào nền tảng của mình.
Cả hai cũng có tham vọng trở thành người đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI): Trong khi Twitter hợp tác với OpenAI, Meta đang đầu tư để tự phát triển hệ thống AI của riêng mình.
Tuy vậy, cũng có ý kiến nhận định thị trường còn nhiều đối thủ khác có tiềm năng hơn - TikTok là ví dụ điển hình.
“Đây là cuộc đấu giành danh hiệu vô địch thế giới về sự vô nghĩa nhằm xem ai sẽ ‘chết’ sớm hơn, Twitter hay Facebook. Cả hai sẽ không trở thành một phần quan trọng của thế giới tương lai. Dù sao, theo dõi cuộc đấu giữa các cái tôi vẫn là điều rất giải trí”, một nhà đầu tư từng bỏ tiền vào Twitter từ những ngày đầu châm biếm.