Cuộc điện đàm Biden-Putin về Ukraine diễn ra vào thứ Ba tới
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức một cuộc gọi điện video vào thứ Ba (7/12), để thảo luận về tình hình căng thẳng ở Ukraine, cũng như quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế khác cùng quan tâm.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh mối quan ngại của Mỹ với các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Tổng thống Biden (trái) và người đồng cấp Putin tại cuộc họp thưởng đỉnh ở Geneve, Thụy Sĩ, vào tháng 6/2021 - Ảnh: Reuters
Bà Psaki nói rằng, cuộc điện đàm cũng sẽ trao đổi về các chủ đề khác bao gồm "sự ổn định chiến lược, các vấn đề mạng và khu vực".
Hai bên cũng sẽ nói chuyện về quan hệ song phương và việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Geneva vào tháng 6, Điện Kremlin cho biết hôm thứ Bảy (4/12).
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Cuộc trò chuyện sẽ thực sự diễn ra vào thứ Ba”. Ông nói: “Quan hệ song phương, tất nhiên là Ukraine và việc hiện thực hóa các thỏa thuận đạt được ở Geneva là những nội dung chính trong chương trình nghị sự”.
Hiện thời gian chính xác của cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo không được tiết lộ.
Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang là tâm điểm của dư luận quốc tế gần đây. Một số nguồn tin phương tây cho biết, hơn 94.000 quân Nga được cho là đang tập trung gần biên giới Ukraine, trong khi một số khác nói rằng con số đã nâng lên hơn 170 nghìn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm thứ Sáu (3/12) nói rằng, Moscow có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào cuối tháng Giêng, trích dẫn các báo cáo tình báo. Ông nói rằng các quan chức Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận tương tự.
Trong một tuyên bố, ông Biden đã từ chối các yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh trong khu vực.
"Kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận dài với Putin", ông Biden nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (3/12), khi khởi hành chuyến đi cuối tuần tới Trại David. "Tôi không chấp nhận bất kỳ ‘lằn ranh đỏ’ của bất kỳ ai", ông nói.
Tổng thống Mỹ cho biết ông và các cố vấn đang chuẩn bị một loạt sáng kiến toàn diện nhằm ngăn chặn Nga tấn công Ukraine. Ông Biden không cho biết thêm chi tiết, nhưng chính quyền đã thảo luận về việc hợp tác với các đồng minh châu Âu để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói riêng rằng Washington cam kết đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Ông Austin cũng nói thêm rằng có rất nhiều không gian để ngoại giao và lãnh đạo làm việc về Ukraine.
Moscow cáo buộc Kyiv đang tăng cường sức mạnh quân sự. Nga đã bác bỏ những gợi ý khó hiểu rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào nước láng giềng và bảo vệ quyền triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp.
Các quan chức Mỹ nói rằng họ chưa biết ý định của Tổng thống Putin là gì, bao gồm cả việc liệu nhà lãnh đạo Nga có đưa ra quyết định tấn công Ukraine hay không.
Quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi trong nhiều năm, đặc biệt là với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 từ Ukraine, sự can thiệp của nước này vào Syria năm 2015 và các cáo buộc tình báo của Mỹ can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 mà ông Donald Trump đã giành chiến thắng. Mối quan hệ đang tiếp tục xấu hơn trong những tháng gần đây.
Chính quyền Biden đã yêu cầu Moscow truy quét các cuộc tấn công bằng ransomware và tội phạm mạng xuất phát từ đất Nga, và vào tháng 11 đã buộc tội một công dân Ukraine và một người Nga tại một trong những vụ tấn công bằng ransomware tồi tệ nhất nhằm vào các mục tiêu của Mỹ.
Nga đã nhiều lần phủ nhận việc thực hiện hoặc dung túng các cuộc tấn công mạng.
Hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng, với cuộc đàm phán tại Geneva vào tháng Sáu. Lần cuối họ nói chuyện qua điện thoại là vào ngày 9/7. Tổng thống Biden khẳng định muốn có các cuộc nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới, coi đó là một cách để giảm căng thẳng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã cảnh báo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Stockholm vào đầu tuần này rằng Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt có "tổn thất và hậu quả nghiêm trọng đối với Nga, nếu nước này có hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine".