Cuộc điện đàm dẫn đến quá trình luận tội Tổng thống Trump

Sức ép đòi luận tội tăng cao sau khi có tin tổng thống Mỹ đã yêu cầu người đồng cấp Ukraine điều tra ông Joe Biden, đối thủ hàng đầu của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020.

Hạ viện Mỹ cuối cùng đã khởi động quá trình luận tội Tổng thống Donald Trump, sau khi có những cáo buộc mới về hành vi "vi hiến" của ông. Trong tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói ông Trump phản bội lời tuyên thệ nhậm chức và an ninh quốc gia vì lợi ích chính trị của riêng mình.

Những cáo buộc mới đối với tổng thống Mỹ xuất phát từ một "whistle-blower" (người tố giác hành vi sai trái), nhưng chính quyền Trump được cho là đã ngăn cản việc chuyển giao đơn tố giác này cho quốc hội.

Điều tra Biden đổi lấy viện trợ?

Theo truyền thông Mỹ, trọng tâm trong đơn tố giác là cáo buộc rằng ông Trump đã gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra về tội tham nhũng đối với cựu phó tổng thống Joe Biden và con trai ông. Ông Biden, từng là cấp phó của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, đang được xem là ứng viên dẫn đầu phe Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Trong một cuộc điện đàm vào ngày 25/7, ông Trump được cho là đã đưa ra yêu cầu nói trên với ông Zelensky, người nhậm chức tổng thống Ukraine hồi tháng 5. Ông Trump muốn Ukraine điều tra việc mà ông cho là ông Biden đã lạm quyền để giúp Burisma, công ty năng lượng Ukraine nơi con trai ông - Hunter Biden - là thành viên ban điều hành, không bị truy tố vào năm 2016.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại New York hôm 24/9. Ảnh: AFP/Getty.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại New York hôm 24/9. Ảnh: AFP/Getty.

Không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào, ông Trump nói ông Biden khi đó đã đe dọa Tổng thống Ukraine Petro Peroshenko rằng Mỹ sẽ rút lại cam kết cho vay 1 tỷ USD, trừ khi Victor Shokin - tổng chưởng lý Ukraine, người giám sát cuộc điều tra Burisma - bị cách chức. Ông Shokin chính thức bị quốc hội Ukraine bãi nhiệm vào tháng 3/2016.

Ông Trump ban đầu phủ nhận nhưng cuối tuần qua đã thừa nhận rằng ông đã đề cập đến cựu phó tổng thống Biden trong cuộc trao đổi với ông Zelensky.

"Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Cuộc trò chuyện đó chủ yếu là để chúc mừng, chủ yếu là nói về tham nhũng - mọi sự tham nhũng đang diễn ra, chủ yếu là nói về thực tế rằng chúng tôi không muốn những người Mỹ như Phó tổng thống Joe Biden và con trai ông ta (mang đến thêm tham nhũng)", ông Trump nói với các phóng viên.

Sở dĩ ông Trump bị cho là gây sức ép lên tổng thống Ukraine là vì cùng lúc cuộc điện đàm diễn ra, chính quyền Trump đang hoãn lại khoản viện trợ gần 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 250 triệu USD viện trợ quân sự và 141 triệu USD từ Bộ Ngoại giao Mỹ, theo CNN.

Vẫn chưa rõ liệu ông Trump có thực sự lợi dụng chính sách đối ngoại của Mỹ để buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông và từ đó giúp ông giành lợi thế trong mùa bầu cử 2020. Có vẻ như ông Trump không nói thẳng với ông Zelensky rằng nếu không điều tra ông Biden, Ukraine sẽ không nhận được khoản viện trợ.

"Tôi đã không nói rằng 'anh phải làm việc này nếu không tôi sẽ không cho anh viện trợ'. Tôi sẽ không làm như thế. Tôi sẽ không làm như thế", ông Trump nói với các phóng viên hôm 23/9.

Tuy nhiên, theo New York Times, việc trì hoãn khoản viện trợ nói trên được công bố lần đầu khoảng một tháng sau cuộc điện đàm ngày 25/7, và nhiều thành viên đảng Dân chủ tin rằng hai sự việc có liên quan đến nhau.

Tổng thống Trump bắt tay ông Joe Biden, đứng cạnh cựu tổng thống Obama, trong lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1/2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump bắt tay ông Joe Biden, đứng cạnh cựu tổng thống Obama, trong lễ nhậm chức của ông Trump ngày 20/1/2017. Ảnh: Reuters.

"Cuộc săn phù thủy mới"

Thượng nghị sĩ Chris Murphy tuần trước nói trên Twitter rằng sau cuộc gặp giữa ông với với ông Zelensky gần đây, không nghi ngờ rằng Ukraine đã lo lắng về việc viện trợ bị cắt, lẫn việc luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, hối thúc điều tra ông Biden. Ông Trump được cho là đã yêu cầu ông Zelensky "làm việc với ông Giuliani về vụ Biden".

"Zelensky không nói thẳng là hai sự việc có liên quan với nhau, nhưng ông ấy rất lo lắng về việc viện trợ bị cắt và cũng biết rõ các cuộc trao đổi giữa Rudy Giuliani với đội ngũ của mình. Tôi nói với ông ấy rằng tốt nhất là phớt lờ đề nghị từ những người trong đội ngũ tranh cử của Trump. Ông ấy đã đồng ý", thượng nghị sĩ Murphy cho hay.

Ông Giuliani, cựu thị trưởng New York, đã liên hệ với các quan chức Ukraine trong suốt nhiều tháng về việc hai cha con ông Biden, cũng như về khoản tiền mà một đảng thân Nga ở Ukraine đã đưa cho ông Paul Manafort, chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, người đang chịu án tù vì các tội liên quan đến hoạt động chính trị ở Ukraine. Luật sư của ông Trump đã gặp các trợ lý hàng đầu của ông Zelensky tại Madrid, Tây Ban Nha, trong hè này để hối thúc việc điều tra.

Đáp lại những phản ứng xoay quanh đơn tố giác, ông Trump nói ông đã bị buộc tội một cách bất công, cho rằng người tố giác "chia bè kết phái" và rằng đảng Dân chủ cũng như truyền thông đang khởi động một "cuộc săn phù thủy" mới chống lại ông. Ông cũng nói ông hiểu rõ các cuộc trao đổi giữa ông với lãnh đạo nước ngoài đều được giám sát bởi nhiều quan chức chính phủ, nên ông không dễ dàng để mình phạm tội như vậy.

Whistle-blower là một người trong cộng đồng tình báo, đệ đơn tố giác vào trung tuần tháng 8 nhưng đến gần đây việc này mới được công khai. Ông Adam B. Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết sự về sự tồn tại của lá đơn hôm 10/9 và tiết lộ rằng quyền giám đốc tình báo quốc gia, Joseph Maguire, đã ngăn cản tổng thanh tra (IG) thông báo về việc này cho quốc hội.

Quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Joseph Maguire. Ảnh: Getty.

Quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Joseph Maguire. Ảnh: Getty.

Phe Dân chủ đã cho ông Maguire thời hạn đến ngày 26/9 để chuyển giao đơn tố giác cho Ủy ban Tình báo Hạ viện. Họ cũng đe dọa sẽ yêu cầu trát tòa đòi chính quyền Trump nộp bản sao ghi chép cuộc gọi giữa tổng thống và ông Zelensky cũng như mọi tài liệu liên quan nếu họ không chủ động chia sẻ.

Ông Trump hôm 24/9 nói ông sẽ ra lệnh giao nộp bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm này, nhưng phe Dân chủ muốn biết toàn văn đơn tố giác, sau nhiều tháng tranh cãi về chuyện nên luận tội tổng thống hay không, đặt sức ép lên bà Pelosi.

"Hành động của Tổng thống Trump đã hé lộ những sự thật đáng kinh tởm rằng tổng thống đã phản bội lời tuyên thệ nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia của chúng ta và phản bội tính liêm chính của các cuộc bầu cử", bà Pelosi nói hôm 24/9 khi tuyên bố chính thức khởi động quy trình luận tội tổng thống.

"Những hành động của tổng thống đến nay đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp", bà Pelosi tuyên bố, nói rằng ông Trump "phải chịu trách nhiệm - không ai được đứng trên luật pháp".

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-dien-dam-dan-den-qua-trinh-luan-toi-tong-thong-trump-post993885.html