Cuộc điện thoại lúc 18h và cuộc bầu cử xuyên qua tâm dịch ở Bắc Giang

18h ngày 22/5, còn hơn chục giờ đồng hồ, các điểm bỏ phiếu tại phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) sẽ bắt đầu hoạt động. Gương mặt nữ chủ tịch phường thoáng bần thần sau khi nhận một cuộc điện thoại…

CLIP: ĐIỂM BỎ PHIẾU XUYÊN QUA TÂM DỊCH Ở BẮC GIANG:

Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang là một trong những điểm bỏ phiếu “đặc biệt”, bởi có 2 điểm cách ly tập trung với gần 250 trường hợp F1; 536 F2 cách ly tại nhà. Ngoài ra, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh nằm trên địa bàn phường hiện đang điều trị nhiều bệnh nhân dương tính.

18 giờ, bà Nguyễn Hải Yến, Chủ tịch phường Trần Nguyên Hãn vẫn chưa về nhà. Vẫn là một ngày bận rộn với núi công việc cần giải quyết, kể từ khi Bắc Giang bùng phát bệnh dịch.

Bà Nguyễn Hải Yến, Chủ tịch phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại điểm bỏ phiếu số 06 của phường

Bà Nguyễn Hải Yến, Chủ tịch phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại điểm bỏ phiếu số 06 của phường

“Phường có 6 tổ bầu cử, với 8.682 cử tri đi bỏ phiếu. Công tác tổ chức bỏ phiếu đã hoàn thiện, sẵn sàng cho ngày hội lớn, nhưng nói thật tôi vẫn lo lắng lắm” - bà Yến tâm sự.

Sinh năm 1981, có thâm niên công tác gần 20 năm tại phường, từ vị trí văn phòng UBND, sau đó là phó chủ tịch phường, rồi chủ tịch phường gần 3 năm nay, bà Yến nói chưa bao giờ có một cuộc bầu cử đặc biệt như lần này.

“Tôi nhiều năm làm công tác văn phòng, trực tiếp lo công tác chuẩn bị cho các kỳ bầu cử, nhưng chưa có kỳ bầu cử nào có nhiều kỷ niệm như kỳ bầu cử này. Cùng lúc lo 2 nhiệm vụ chống dịch và chuẩn bị cho ngày hội lớn, việc nào cũng quan trọng, cũng cần kíp như nhau, cũng với ngần ấy con người. Mỗi người phải gồng mình làm gấp 200 – 300% sức lực” – bà Yến cho hay.

Lối vào của khu bầu cử số 6

Lối vào của khu bầu cử số 6

Lối ra cho các cử tri đã bỏ phiếu xong

Lối ra cho các cử tri đã bỏ phiếu xong

Phường Trần Nguyên Hãn có hai “nữ tướng”, bà Yến là chủ tịch; bà Phùng Thị Thu Hiền là bí thư. Hai người phụ nữ có thâm niên bám trụ địa bàn, thuộc từng ngõ phố, từng gương mặt người dân trong các khu phố… Nhưng, cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Bắc Giang, lần đầu tiên, họ đối mặt với diễn biến dịch bệnh phức tạp trên quê hương mình.

“Mỗi lần có thông báo xuất hiện ca F1, đầy đủ các ban ngành đoàn thể của phường lại có mặt thực hiện theo quy trình, không thể làm tắt, bỏ sót một khâu đoạn nào. Đưa F1 đi cách ly tập trung, phun thuốc khử khuẩn, phong tỏa, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần của ca có nguy cơ chuyển sang dương tính, nhanh chóng mang thiết bị, vật dụng đến rào khu vực F1 đang sinh sống để cảnh báo người dân xung quanh.

Hòm bỏ phiếu bên trong nhà văn hóa tổ dân phố số 9

Hòm bỏ phiếu bên trong nhà văn hóa tổ dân phố số 9

Thông tin của các ứng cử viên được treo tại các vị trí dễ nhìn nhất để các cử tri tìm hiểu

Thông tin của các ứng cử viên được treo tại các vị trí dễ nhìn nhất để các cử tri tìm hiểu

Ngày hôm sau, lại giao nhiệm vụ cho tổ tuyên truyền để họ thực hiện nhiệm vụ, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng dịch.

“Chưa bao giờ chúng tôi được phép lơ là” – nữ chủ tịch chia sẻ rồi lại vội xử lý một chồng công văn, tờ trình… từ các tổ bầu cử gửi lên.

Khu điều trị bệnh nhân dương tính với Covid tại Bệnh viện Y học cổ truyền đóng trên địa bàn phường Trần Nguyên Hãn, theo bà Yến, mỗi lần có tiếng còi xe cứu thương dẹp đường, đồng nghĩa với việc một bệnh nhân được chuyển đến điều trị, trái tim bà lại loạn nhịp.

“Người dân lại ra phường hỏi, “tình hình dịch bệnh như thế nào, có căng thẳng không”. Nếu không tuyên truyền, bà con sẽ sợ hãi không dám tới các tổ bỏ phiếu, ảnh hưởng tới tiến độ của công việc chung”.

Cuộc điện thoại lúc 18h thông tin về 2 cán bộ công an phường trở thành F1 khiến bà Yến lo lắng

Cuộc điện thoại lúc 18h thông tin về 2 cán bộ công an phường trở thành F1 khiến bà Yến lo lắng

Một cuộc điện thoại ngắt ngang cuộc trò chuyện giữa nữ chủ tịch phường với PV VietNamNet. Gương mặt nữ chủ tịch 40 tuổi thoáng chút trầm ngâm, bần thần. Rồi, bà không giấu được sự lo lắng: “Anh em vừa báo, hai cán bộ công an phường vừa trở thành F1, sẽ phải đến khu cách ly tập trung”.

Đó là lúc khoảng 18h chiều ngày 22/5, trước giờ bầu cử vào 7h sáng ngày mai hơn 10h đồng hồ.

“Hai cán bộ làm căn cước công dân cho một trường hợp F1 được phát hiện qua kiểm tra y tế cộng đồng. Trường hợp F1 này vừa chuyển thành F0, dương tính, vậy là 2 cán bộ công an trở thành F1”.

Dấu chân ngộ nghĩnh bên trong điểm bầu cử phường Trần Nguyên Hãn

Dấu chân ngộ nghĩnh bên trong điểm bầu cử phường Trần Nguyên Hãn

Câu chuyện cách ly, điều trị sẽ không quá lo lắng đối với bà Yến, bởi sau gần 1 tháng đối mặt với cuộc chiến chống dịch bệnh, Bắc Giang đã quá quen, đã có nhiều kinh nghiệm xử lý. Tuy nhiên, 2 cán bộ công an phường vừa thành F1, đương nhiên sẽ phải cách ly tập trung. Nhưng, họ là thành viên của 2 tổ bầu cử, có nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại điểm bỏ phiếu.

“Vậy là sẽ phải xin ý kiến lên công an Thành phố để các anh ấy tăng cường hai cán bộ khác về” – bà Yên nói rồi lại nhanh chóng cầm chiếc điện thoại bấm số.

Những bàn chân ở điểm bỏ phiếu

Khu vực bỏ phiếu số 6 của phường Trần Nguyên Hãn được đặt tại nhà văn hóa tổ dân phố 6. Cờ hoa, băng rôn, áp-phích; thông tin về các ứng cử viên người dân “chọn mặt gửi vàng” qua lá phiếu đã được in dán trên bảng thông tin của nhà văn hóa; dán trên bàn ghi phiếu, dán cả ở trên tường – nơi cử tri có thể đọc thẳng, và dán cả trên mặt bàn, để những người mắt kém, không thể nhìn xa có thể đọc dễ dàng.

Hình ảnh bàn chân được cắt máy tính dán trên mặt sàn của nhà văn hóa phường Trần Nguyên Hãn

Hình ảnh bàn chân được cắt máy tính dán trên mặt sàn của nhà văn hóa phường Trần Nguyên Hãn

Cũng như nhiều điểm bỏ phiếu được Bắc Giang vận dụng theo “sơ đồ một chiều”: lối cử tri đi vào và lối cửa đi ra sau khi đã đóng dấu xác nhận đã bỏ phiếu; một dãy bàn gồm 6 ô có vách ngăn; chiếc bàn đựng dụng cụ y tế, khẩu trang, bình khử khuẩn… Hòm phiếu được đặt trang trọng ở bục bỏ phiếu.

Ông Đào Hữu Tài (SN 1953, người dân tổ dân phố số 9)

Ông Đào Hữu Tài (SN 1953, người dân tổ dân phố số 9)

Bàn ghi phiếu có vách ngăn giãn cách

Bàn ghi phiếu có vách ngăn giãn cách

Ấn tượng nhất là hình những bàn chân được cắt bằng máy tính, dán trên mặt sàn gạch hoa. Những dấu bàn chân bằng giấy đỏ, chia theo khoảng cách, vừa hướng dẫn chiều di chuyển, vừa nhắc nhở cử tri tuân thủ khoảng cách theo tiêu chí “5K” trong phòng dịch.

Bỗng dưng, chúng tôi cảm nhận, những dấu hình bàn chân bằng giấy đỏ ấy, như những bông hoa xua đi những lo lắng về dịch bệnh đang ở ngoài kia, hoành hành và diễn biến phức tạp, để cử tri cầm lá phiếu đi bầu những người đại diện cho mình, họ có sự thư thái, bình tâm để đưa ra những lựa chọn, quyết định sáng suốt.

Ông Đào Hữu Tài (SN 1953, người dân tổ dân phố số 9) mang chiếc mặt nạ chống giọt bắn, tỉ mẩn lau chùi những chiếc bàn đã được kê ngay ngắn đợi ngày bầu cử.

Ông bảo: “Lần đầu tiên tôi được tham dự một kỳ bầu cử đáng nhớ như vậy, kỳ bầu cử xuyên qua tâm dịch”.

Kiên Trung

Clip: Truyền hình VietNamNet

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/cuoc-dien-thoai-luc-18h-va-cuoc-bau-cu-xuyen-qua-tam-dich-739189.html