Cuộc điều tra đầy kịch tính về đường dây gian lận tiền ảo ở châu Âu

Cuối tháng 6 vừa qua, Cảnh sát Tây Ban Nha với sự hỗ trợ của Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) cùng lực lượng thực thi pháp luật của Estonia, Pháp và Mỹ, đã bắt giữ 5 thành viên của một mạng lưới tội phạm tham gia vào hoạt động gian lận đầu tư tiền mã hóa (tiền điện tử). Kết quả điều tra cho thấy, những kẻ phạm tội đã rửa 460 triệu Euro tiền lợi nhuận bất hợp pháp bị đánh cắp thông qua gian lận đầu tư tiền điện tử từ hơn 5.000 nạn nhân trên khắp thế giới.

Chiến dịch đột kích đồng loạt

Theo thông tin từ Europol, ngày 25/6, hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật đồng loạt tiến hành đột kích tại các địa điểm được theo dõi suốt hơn một năm. Cuộc đột kích này được các đơn vị giữ bí mật đến phút chót. Tại Madrid (Tây Ban Nha) và hai thành phố ở Quần đảo Canary, 5 đối tượng bị bắt giữ, 5 cơ sở bị khám xét, hàng loạt tài sản bị phong tỏa bao gồm: tiền mã hóa trên nhiều ví điện tử; thiết bị công nghệ, máy chủ, ổ cứng chứa dữ liệu giao dịch; tài khoản ngân hàng liên kết với các công ty "ma"; bằng chứng điện tử, email trao đổi, hợp đồng đầu tư giả mạo…

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng và mạng lưới phức tạp của đường dây gian lận tiền ảo, cảnh sát Tây Ban Nha đã đề nghị Europol tham gia hỗ trợ. Ảnh: Europol.

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng và mạng lưới phức tạp của đường dây gian lận tiền ảo, cảnh sát Tây Ban Nha đã đề nghị Europol tham gia hỗ trợ. Ảnh: Europol.

Hãng The Guardian thông tin, cuộc điều tra khởi phát từ những tố cáo của các nạn nhân ở Tây Ban Nha hồi năm 2023. Những nạn nhân này cho biết bị dụ dỗ tham gia vào các dự án đầu tư tiền ảo có vẻ hợp pháp, nhưng sau đó bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã đầu tư. Các giao dịch diễn ra chủ yếu thông qua các sàn tiền mã hóa và ví điện tử có liên kết với các công ty nước ngoài. Cảnh sát Tây Ban Nha đã lần theo manh mối từ những tài khoản bị nghi ngờ, phát hiện ra một mô hình gian lận tinh vi: các nghi phạm tạo ra hàng loạt công ty "ma" ở nước ngoài, sử dụng các cổng thanh toán điện tử để gom tiền từ hàng nghìn nạn nhân trên khắp thế giới. Dòng tiền sau đó được chuyển đổi thành tiền mã hóa để che giấu nguồn gốc, rồi luân chuyển qua hàng trăm ví điện tử khác nhau nhằm rửa tiền.

Đối tượng bị bắt giữ trong các cuộc đột kích.

Đối tượng bị bắt giữ trong các cuộc đột kích.

Mạng lưới xuyên quốc gia và chiến thuật "pig-butchering"

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng và mạng lưới phức tạp của vụ việc, cảnh sát Tây Ban Nha đã đề nghị Europol tham gia hỗ trợ. Ngay sau đó, một nhóm điều tra chung được thành lập với sự góp mặt của đại diện đến từ Europol, cảnh sát Tây Ban Nha, cảnh sát Pháp, cảnh sát Estonia, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Thông qua trao đổi dữ liệu tình báo và phân tích giao dịch blockchain, nhóm điều tra đã xác định danh tính các đối tượng cầm đầu và những mắt xích quan trọng trong hệ thống rửa tiền. Đặc biệt, dữ liệu từ các nền tảng giao dịch tiền mã hóa đã được thu thập với sự hợp tác của các sàn giao dịch lớn có trụ sở tại châu Âu và Mỹ.

Thông tin thêm về kết quả điều tra, đại diện Europol cho hay, tổ chức tội phạm này đã áp dụng chiến thuật lừa đảo được gọi là "pig-butchering" - nghĩa là dụ dỗ nạn nhân như vỗ béo lợn trước khi giết thịt. Các nghi phạm tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, các nền tảng hẹn hò hoặc các app chat, xây dựng lòng tin trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi khuyến khích họ đầu tư vào các nền tảng tiền mã hóa giả mạo. Hình thức lừa đảo này không mới, nhưng nay đã được nâng cấp bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để phân loại nạn nhân, tùy chỉnh thông điệp lừa đảo và mở rộng quy mô toàn cầu.

Ngày 25/6, hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật đồng loạt tiến hành đột kích tại 5 địa điểm được theo dõi suốt hơn một năm. Ảnh: Europol.

Ngày 25/6, hàng trăm nhân viên thực thi pháp luật đồng loạt tiến hành đột kích tại 5 địa điểm được theo dõi suốt hơn một năm. Ảnh: Europol.

Thống kê từ Europol cho hay, tổ chức tội phạm này đã rửa khoảng 460 triệu euro (tương đương hơn 540 triệu USD). Riêng tại Tây Ban Nha, có khoảng 500 nạn nhân bị lừa với tổng thiệt hại gần 40 triệu euro. Tổng số nạn nhân trên toàn cầu có thể lên tới hơn 5.000 người. Đáng chú ý, trong chiến dịch này, Europol không chỉ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần, mà còn đảm nhiệm công tác: phân tích dữ liệu giao dịch blockchain; điều phối thông tin tình báo giữa các quốc gia; hỗ trợ trích xuất dữ liệu từ ví điện tử và sàn giao dịch; tổ chức các cuộc họp tình báo và chia sẻ hồ sơ truy vết tiền… Đồng thời, Europol và cảnh sát các nước cũng sử dụng các công cụ AI để xác định các hình thức giao dịch bất thường, từ đó lần ra các chuỗi rửa tiền phức tạp xuyên quốc gia.

Những bước tiếp theo của công lý châu Âu

Sau chiến dịch quy mô lớn này, người ta quan tâm nhiều đến việc xử lý các nghi phạm và công tác bảo vệ, bồi thường cho hàng ngàn nạn nhân trên khắp thế giới. Hãng BBC cho hay, 5 nghi phạm bị bắt giữ hiện đang bị tạm giam và chờ xét xử tại Tòa án Hình sự quốc gia Tây Ban Nha - cơ quan tư pháp chuyên xử lý các vụ án hình sự liên quốc gia và có mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Công bố ban đầu từ cơ quan công tố Tây Ban Nha khẳng định, các đối tượng sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh gồm: lừa đảo có tổ chức, rửa tiền xuyên quốc gia, giả mạo giấy tờ và lập công ty "ma", gian lận tài chính qua mạng và sử dụng tài khoản ảo. Đặc biệt, vì vụ án có liên quan đến nhiều nước châu Âu và có nạn nhân ở cả Mỹ nên các cơ quan công tố những nước này cũng đang phối hợp chia sẻ chứng cứ. Không loại trừ khả năng sẽ có các yêu cầu dẫn độ bổ sung hoặc mở rộng khởi tố tại các quốc gia khác.

Một quảng cáo về đồng bitcoin. Ảnh: Getty.

Một quảng cáo về đồng bitcoin. Ảnh: Getty.

Nếu chiểu theo Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, các tội danh nêu trên có thể bị xử: từ 8 đến 25 năm tù giam tùy vai trò trong tổ chức tội phạm, phạt hành chính từ 1 đến 10 triệu euro/người, tịch thu toàn bộ tài sản liên quan đến hoạt động rửa tiền và lừa đảo. Trường hợp bị cho là có tình tiết tăng nặng nếu nạn nhân là người cao tuổi, dễ tổn thương, hoặc số tiền lừa đảo vượt quá 50 triệu euro. Bản án ở Tây Ban Nha dự kiến sẽ được tuyên vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, sau giai đoạn điều tra bổ sung và xét hỏi kéo dài.

Hiện cảnh sát Tây Ban Nha và Europol đã công bố một số biện pháp nhằm hỗ trợ người bị hại gồm: đường dây nóng và nền tảng trực tuyến hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân tại Tây Ban Nha, Estonia, Pháp và các nước có liên quan; tổ chức hướng dẫn nạn nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường, nhất là khi cơ quan chức năng đã thu giữ tài sản ảo, tài khoản ngân hàng và thiết bị liên quan; hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để tư vấn tâm lý và hỗ trợ pháp lý cho những nạn nhân bị mất trắng tài sản hoặc rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính; công khai danh sách nền tảng lừa đảo hoặc nghi vấn, để người dân tránh bị lừa tiếp dưới hình thức mới. Dù chưa thể đảm bảo hoàn trả toàn bộ thiệt hại cho hơn 5.000 nạn nhân, nhưng chính phủ Tây Ban Nha cam kết sử dụng phần tài sản thu giữ để ưu tiên chi trả cho những nạn nhân có hồ sơ hợp lệ và thiệt hại rõ ràng.

Tội phạm lừa đảo tiền điện tử ngày càng gia tăng.

Tội phạm lừa đảo tiền điện tử ngày càng gia tăng.

Cảnh báo hệ lụy với thị trường tiền mã hóa

Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư tiền điện tử, nhất là các cá nhân thiếu kinh nghiệm, dễ trở thành mục tiêu của tội phạm. Đồng thời, nó thúc đẩy các cơ quan quản lý tài chính tại châu Âu, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu và Quốc hội Tây Ban Nha thảo luận về việc mở rộng quy định trong khung pháp lý thị trường tài sản tiền ảo, đặc biệt liên quan đến: quy trình định danh người dùng bắt buộc trên các sàn giao dịch; trách nhiệm pháp lý của sàn tiền ảo trong việc phát hiện giao dịch bất thường; tăng cường trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan tài chính, cảnh sát và nền tảng công nghệ.

Ủy ban châu Âu đã lên tiếng ủng hộ tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tài chính và cảnh sát các nước để đối phó với những nguy cơ mới từ không gian mạng. Nhiều quốc gia đang cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn chống rửa tiền mới cho các nền tảng tiền mã hóa, tương tự như hệ thống cảnh báo thực phẩm và thuốc giả trước đây.

Trụ sở chính của Europol đặt tại The Hague, Hà Lan.

Trụ sở chính của Europol đặt tại The Hague, Hà Lan.

Cho đến nay, cuộc điều tra vẫn chưa dừng lại. Dù 5 nghi phạm đã bị bắt giữ, giới chức châu Âu tin rằng còn nhiều mắt xích khác trong mạng lưới rửa tiền và lừa đảo này chưa bị phanh phui. Tuy vậy, những bước đi ban đầu về mặt pháp lý, từ khởi tố, giam giữ đến hỗ trợ người bị hại… đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của châu Âu trong việc làm sạch thị trường tiền điện tử và bảo vệ người dân trước cạm bẫy công nghệ cao ngày càng tinh vi.

Nhận định về chiến dịch truy quét mạng lưới lừa đảo tiền ảo lần này, nhiều nhà phân tích cho rằng, vụ việc đã thể hiện rõ sức mạnh của hợp tác quốc tế và công nghệ điều tra hiện đại không chỉ bảo vệ hàng ngàn nạn nhân mà còn góp phần nâng cao năng lực phòng chống tội phạm mạng ở cấp toàn cầu.

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-dieu-tra-day-kich-tinh-ve-duong-day-gian-lan-tien-ao-o-chau-au-i774997/