Đấu tranh không khoan nhượng với thực phẩm giả, thuốc giả
Thực phẩm giả, thuốc giả không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân mà còn phá vỡ nền tảng phát triển bền vững của đất nước. Cuộc đấu tranh chống loại tội phạm này cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, không khoan nhượng - vì tương lai mỗi gia đình và vận mệnh quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: ST
Sức khỏe không thể bị đánh đổi bằng hàng giả
Trong vài năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng bồi bổ sức khỏe bùng nổ như “nấm mọc sau mưa”. Thế nhưng, đằng sau sự sôi động đó là lỗ hổng quản lý, dẫn tới tình trạng giả chất lượng và công dụng. Việc thổi phồng tính năng, quảng cáo quá mức, thậm chí so sánh với thuốc chữa bệnh đã khiến không ít người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, để rồi phải chịu hậu quả.

Lực lượng chức năng kiểm tra bắt giữ hàng hóa nhập lậu. Ảnh: ST
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng giả. Năm 2023, có hơn 52.000 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị xử lý. Năm 2024, con số này là hơn 47.000. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, đã bắt giữ và xử lý hơn 30.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 4.892 tỷ đồng, khởi tố hình sự 1.450 vụ với hơn 2.100 đối tượng.
Rõ ràng, hàng gian – hàng giả luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do chứa hóa chất độc hại. Đáng lo ngại nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thực phẩm chức năng, sữa và các sản phẩm không rõ nguồn gốc đang trà trộn trên thị trường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tâm lý người dân; đồng thời ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây thất thu ngân sách và tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống xã hội.
Cần tăng cường vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong việc bảo vệ trật tự xã hội, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 16/6, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Thực phẩm và thuốc chữa bệnh tuyệt đối không được làm giả. Đặc biệt, trong hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Thực phẩm giả và thuốc giả là không thể chấp nhận được, đặc biệt khi ảnh hưởng tới sức khỏe của người già và trẻ em. Các cháu bé là tương lai của đất nước, cần được dinh dưỡng để phát triển thì lại mua phải sữa giả. Các cụ già ốm yếu, trông chờ vào hộp sữa để có sức khỏe, thì lại mua phải hàng giả... Phải tuyên chiến với loại tội phạm này! Không chỉ hàng giả mà cả hàng kém chất lượng cũng không thể chấp nhận được.”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: Phải kiên định mục tiêu, kiên quyết tuyên chiến - phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới quét sạch nạn buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần khẩn trương, kịp thời triệt phá và không khoan nhượng trước nạn thuốc giả, thực phẩm giả - vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Không khoan nhượng với hàng giả, hàng kém chất lượng
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hàng giả - hàng gian gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài những hệ lụy thường thấy như thất thu ngân sách và xâm hại quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề chế tài còn nhiều bất cập. Dù Việt Nam đã ban hành nhiều quy định tương thích với pháp luật quốc tế, song chế tài xử lý vẫn chưa đủ mạnh, công cụ chưa phát huy hiệu quả do năng lực thực thi còn hạn chế, thủ tục hành chính thì phức tạp, kéo dài.
Theo các chuyên gia phòng, chống hàng giả, để ngăn chặn tình trạng trên, cần quy trách nhiệm rõ ràng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong địa bàn hoặc lĩnh vực mình phụ trách. Chỉ khi có cơ chế truy trách nhiệm cụ thể, mới hạn chế được tình trạng thiếu kiểm tra, thiếu giám sát, thậm chí "bảo kê".
Đặc biệt, để ngăn chặn tận gốc loại tội phạm này, cần tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm - nhất là với sữa và các sản phẩm dành cho trẻ em. Đồng thời, quy định rõ ràng việc đăng ký, công bố nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm ngay trên bao bì với các chỉ số cụ thể; đảm bảo minh bạch để tránh “lập lờ”, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc kiểm chứng. Mặt khác, cơ quan chức năng cần công khai thông tin chất lượng sản phẩm, hướng dẫn sử dụng trên website; áp dụng mã QR để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu, kiểm tra và phản ánh nếu phát hiện hàng giả.
Tại buổi thông báo kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 07/7), Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết: Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa 4 vụ án và 2 vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo - trong đó có các vụ liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, thuốc chữa bệnh giả; đáng chú ý là các sai phạm liên quan tới Công ty Zholding và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Ông Đông dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo: Phải hết sức cương quyết với các hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng người dân. "Quan điểm của Tổng Bí thư là không dung thứ, phải tuyên chiến với loại tội phạm này."
Ban Chỉ đạo xác định ba nhiệm vụ trọng tâm: Một là, các cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc liên quan. Hai là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, xử lý những hành vi tiếp tay, bao che, vi phạm - đặc biệt với các tổ chức, cá nhân tham gia cấp phép, kiểm định, sản xuất - kinh doanh hàng giả gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Theo ông Đông, nhiệm vụ này sẽ hoàn tất trong quý III/2025. Ba là, hoàn thiện thể chế và khắc phục các bất cập trong quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Giao Đảng ủy Chính phủ rà soát lại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các quy định liên quan tới Luật An toàn thực phẩm - tiến tới sửa đổi để phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật./.