Cuộc điều tra em trai Thủ tướng Lý Hiển Long

Các nhà chức trách tiết lộ vợ chồng ông Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Lý Hiển Long, bị điều tra do nghi ngờ cung cấp bằng chứng giả trong vụ việc di chúc của ông Lý Quang Diệu.

 Cảnh sát Singapore đang điều tra Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Singapore đang điều tra Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh: Reuters.

Ông Lý Hiển Dương và vợ được cho là “về cơ bản đã bỏ trốn” khỏi Singapore. Đó là một trong những lý do khiến tên của họ bị tiết lộ cho công chúng trong khi các cuộc điều tra đang diễn ra, Channel NewsAsia dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp K. Shanmugam hôm 20/3 khi trả lời các câu hỏi trước quốc hội.

Ông Lý Hiển Dương là một trong 3 người con của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và là em trai Thủ tướng Lý Hiển Long. Hai anh em bất hòa sau khi cha qua đời.

Cảnh sát Singapore đang điều tra ông Lý Hiển Dương do nghi ngờ ông cung cấp bằng chứng giả liên quan đến việc thực thi di chúc của ông Lý Quang Diệu.

Trong cuộc phỏng vấn được Kyodo công bố ngày 8/3, ông Lý Hiển Dương cho biết ông đã tự xem mình là người đang sống lưu vong ở châu Âu trên thực tế và “không có khả năng quay trở lại Singapore” do lo sợ bị đàn áp chính trị.

"Tôi rời Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Tôi đang ở châu Âu. Tôi không muốn nói rõ hơn mình đang ở đâu", ông Lý Hiển Dương nói.

Tình huống cần công khai

Trước đó, đại biểu Nghị viện Singapore Leong Mun Wai - người được bầu không thông qua bầu cử - đã hỏi tại sao tên của cặp vợ chồng này lại bị tiết lộ trong quá trình điều tra. Cả hai đã bị cảnh sát Singapore điều tra vì cung cấp bằng chứng giả trong quá trình tố tụng tư pháp.

Trong khi đó, đại biểu Leon Perera đặt câu hỏi trong hoàn cảnh nào thì các cơ quan thực thi pháp luật tiết lộ tên của những cá nhân có liên quan đến cuộc điều tra đang diễn ra, hoặc chi tiết của cuộc điều tra trước khi nó hoàn thành.

Ông Shanmugam nói với Hạ viện rằng nguyên tắc chung của các cơ quan thực thi pháp luật là không tiết lộ tên những cá nhân đã hoặc đang bị điều tra, nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ.

Một ví dụ là trường hợp người phạm tội đã bỏ trốn hoặc rời khỏi khu vực pháp lý khi cuộc điều tra đang diễn ra. Thứ hai, khi các tình tiết trong vụ việc hoặc cá nhân có thể đã thực hiện hành vi phạm tội bị cáo buộc được công khai từ trước.

Thứ ba, tên có thể được công khai nếu có một số lợi ích cộng đồng.

“Việc tiết lộ như vậy phải được cân nhắc trước khả năng gây tổn hại cho các cá nhân có liên quan”, ông Shanmugam nói.

 Ông Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Reuters.

Ông Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Reuters.

Đưa ra một số ví dụ về những cái tên được công khai, ông Shanmugam nói rằng cảnh sát đã công bố thông tin chi tiết về Pi Jiapeng và Pansuk Siriwipa trong khi cuộc điều tra đang diễn ra.

Cặp đôi này dính líu đến một loạt cáo buộc gian lận liên quan đến hàng xa xỉ và đã trốn khỏi Singapore vào năm 2022. Họ bị cảnh sát Malaysia bắt giữ tại Johor Bahru vào tháng 8/2022 và giao cho chính quyền Singapore.

Trong trường hợp của vợ chồng ông Lý Hiển Dương, ban đầu, cả hai đã đồng ý tham gia vào cuộc thẩm vấn của cảnh sát. Tuy nhiên, sau đó họ đổi ý và từ chối trình diện.

Bất chấp khuyến cáo của giới chức trách, vợ chồng ông Lý Hiển Dương vẫn quyết định rời Singapore và ra nước ngoài.

Vụ điều tra được nhiều người quan tâm

Ông Lý Hiển Dương từng chia sẻ ông đã cân nhắc việc chạy đua trong cuộc bầu cử Tổng thống Singapore dự kiến diễn ra vào tháng 9. Tuy nhiên, ông ám chỉ rằng ông gần như sẽ từ bỏ ý định này do làn sóng tấn công bằng ngôn từ mới nhất nhằm vào ông.

"Tôi sẽ gặp rủi ro nếu quay lại Singapore vào thời điểm này", ông nói.

Sự bất hòa trong gia đình họ Lý bắt đầu sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015. Các tranh chấp chủ yếu xoay quanh việc thi hành di chúc của vị cố thủ tướng cùng quyết định phá dỡ tòa dinh thự ở số 38 đường Oxley. Đây là căn nhà mà ông Lý Quang Diệu đã sinh sống trong phần lớn cuộc đời.

Thủ tướng Lý Hiển Long muốn chuyển nơi này thành bảo tàng nhưng 2 người em là bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương phản đối quyết liệt vì cho rằng anh trai cố ý làm trái di nguyện của cha là phá dỡ căn nhà.

Họ còn cáo buộc Thủ tướng Lý “lợi dụng di sản của cha vì mục đích chính trị”. Tranh chấp diễn ra căng thẳng đến mức ông Lý Hiển Long phải ra điều trần trước quốc hội, xin lỗi toàn dân và đề nghị chính quyền can thiệp.

 Vợ chồng ông Lý Hiển Dương bị phát hiện nói dối trong các phiên xét xử kỷ luật đối với bà Suet Fern liên quan đến việc thực thi di chúc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: Reuters.

Vợ chồng ông Lý Hiển Dương bị phát hiện nói dối trong các phiên xét xử kỷ luật đối với bà Suet Fern liên quan đến việc thực thi di chúc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: Reuters.

Tới năm 2020, bà Lee Suet Fern, vợ ông Lý Hiển Dương bị treo chứng chỉ hành nghề luật sư trong 15 tháng vì vi phạm quy tắc nghề nghiệp liên quan việc soạn di chúc cho cha chồng.

Theo tờ Straits Times, bản di chúc cuối cùng có nhiều điểm khác biệt lớn so với bản thảo gần nhất mà ông Lý Quang Diệu đã thảo luận với luật sư riêng vài ngày trước đó.

Cả Hội đồng Xử lý Kỷ luật và Tòa án Ba Thẩm phán sau đó phát hiện ra ông Lý Hiển Dương và vợ đã khai man trong quá trình lấy lời khai về vụ xử lý kỷ luật bà Lý, liên quan di chúc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

“Về bản chất, Hội đồng Kỷ luật nói rằng ông Lý Hiển Dương và bà Lee Suet Fern đã kết hợp với nhau để đánh lừa và lừa gạt ông Lý Quang Diệu”, ông Shanmugam nói.

Vào tối 20/3, Lực lượng cảnh sát Singapore cũng làm rõ lý do tại sao họ không ban hành lệnh theo Bộ luật tố tụng hình sự (CPC) để thẩm vấn vợ chồng ông Lý trước khi cả hai ra nước ngoài.

Cảnh sát cho biết trước tiên họ sẽ liên lạc qua điện thoại, email, thư hoặc gặp trực tiếp. Chỉ khi một người được đánh giá là có khả năng bất hợp tác, thì một lệnh bằng văn bản theo CPC mới có thể được ban hành để yêu cầu có mặt.

Sau đó, cảnh sát đã tóm tắt lại dòng thời gian các sự kiện xảy ra với vợ chồng ông Lý, bắt đầu từ ngày 9/6/2022 khi họ gặp cả hai để yêu cầu tham gia cuộc thẩm vấn.

"Cả hai tỏ ra hợp tác và đồng ý thẩm vấn. Họ nói rằng sẽ xác nhận ngày thẩm vấn chính xác sau", cảnh sát cho biết.

Vào ngày 13/6/2022, cặp đôi xác nhận họ sẵn sàng cho cuộc thẩm vấn vào ngày 13/7/2022. Nhưng khi đến ngày đó, họ gửi email cho cảnh sát nói rằng họ không tham gia và "thực tế đã không đến", cơ quan chức năng cho biết.

"Cặp đôi rời đất nước vào ngày 15/6/2022 và hiện nói rõ rằng họ sẽ không đồng ý thẩm vấn", người phát ngôn cảnh nói.

Những cuốn sách nên đọc về ASEAN

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-dieu-tra-em-trai-thu-tuong-ly-hien-long-post1414021.html