Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của 3 chị em cô nhi lạc nhau 48 năm
Giây phút trùng phùng của 3 chị em cùng sống ở Cô nhi viện Long Thành khiến người xem không cầm được nước mắt.
"Như chưa hề có cuộc chia ly" tập vừa lên sóng với chủ đề “Mồ côi tội lắm ai ơi” là câu chuyện thất lạc, tan tác của 3.000 đứa trẻ từ Làng cô nhi Long Thành cách đây 48 năm. Câu chuyện được bắt đầu từ một tập hồ sơ khá dày gồm hơn 50 hồ sơ nhỏ lẻ mà chương trình nhận được trong suốt hơn 13 năm qua.
Vào năm 1969, 1 người mẹ mang 4 người con của mình gửi vào Cô nhi viện Long Thành (Đồng Nai). 4 chị em được gửi vào theo thứ tự từ lớn đến bé là Phượng - Thắng - Hồng - Dũng. Đến tháng 2/1972, sau 1 trận càn, 4 chị em, mỗi người một nơi. Chị Phượng lớn nhất lưu lạc về làng cô nhi Chung Thủy, sau đó chị xin cho 3 em là Thắng - Hồng - Dũng về theo, 4 chị em đoàn tụ.
Bẵng đi một thời gian, vì một số lý do, chị Phượng và anh Thắng bỏ Chung Thủy rời đi, hứa sẽ quay về để đón 2 em là chị Hồng và anh Dũng. Thế nhưng, từ đó chị Phượng biệt tích. Một thời gian sau, chị Hồng được một gia đình nhận nuôi. Anh Dũng là người duy nhất ở lại cô nhi viện cho đến tận bây giờ. Anh đã trưởng thành, có gia đình và đang công tác tại đây.
Chị Phượng, anh Thắng, anh Dũng đều gửi thư về chương trình để.mong tìm kiếm được người thân. Cuộc đoàn tụ của 3 chị em Phượng - Thắng - Dũng (chị Hồng đã mất) là một trường hợp được đoàn tụ trong số rất nhiều hồ sơ thất lạc trong trận càn 1972 được gửi về chương trình.
Là em út trong nhà, “cậu bé” Dũng khi đó là người duy nhất bị để lại Làng cô nhi Chung Thủy, lớn lên với những mảnh ký ức rời rạc, vì khi thất lạc tất cả thân nhân, ông chưa tròn 5 tuổi.
“Tôi đã có lời thề trong người mình đó, là dù mình có đau khổ đến cỡ nào, mình cũng chịu được. Nhưng trước khi lỡ có mất đi, mình phải được biết tại sao người thân của mình biến mất mà không có nguyên do. Tại sao mà mình mất tất cả. Dòng họ, bà con quê quán mình cũng mất luôn. Mình thề dù có phải trả giá thế nào, mình cũng mong được biết người thân của mình ở đâu, rồi mình nhắm mắt cho mãn nguyện”, ông Dũng chia sẻ.
Còn bà Phượng, sau khi để 2 em ở lại làng cô nhi, bà tự nhủ với lòng là sẽ quay về đón các em theo. Nhưng vì kế mưu sinh và cuộc sống khó khăn, bà không thể thực hiện lời hứa. Nhưng lòng bà lúc nào cũng đau đáu, thậm chí, khi có cơ hội để di dân sang Pháp cùng mẹ nuôi, bà Phượng cũng từ bỏ vì sợ đi rồi thì không bao giờ có thể gặp lại các em.
Giây phút trùng phùng của 3 chị em bà Phượng - ông Thắng - ông Dũng trên sân khấu khiến người xem không thể kìm được nước mắt. Trong số hơn 50 hồ sơ trong tập hồ sơ “Làng cô nhi Long Thành”, ngoài 3 chị em bà Phượng - ông Thắng - ông Dũng, chương trình tìm được thân nhân cho thêm 7 anh chị khác.