Cuộc đời bi kịch của nhà khoa học nữ chuyên săn tìm hóa thạch
47 tuổi qua đời vì ung thư, những thế kỷ sau, đóng góp của Mary Anning cho lĩnh vực cổ sinh vật học mới được ghi nhận. Nhưng công việc của bà đã mở đường cho các thế hệ nhà khoa học nữ ngày nay.
Mary Anning được ghi nhận với những đóng góp phi thường cho lĩnh vực cổ sinh vật học trong thế kỷ 19. Bà được công nhận là nhà cổ sinh vật học đầu tiên, chuyên săn tìm các hóa thạch gây chấn động giới khoa học.
Tuổi thơ cơ cực nhưng nuôi dưỡng tài năng
Mary Anning sinh năm 1799 tại thị trấn ven biển Lyme Regis ở hạt Dorset, Anh.
Khoảng 200 triệu năm trước, trong kỷ Jura, bờ biển Lyme Regis rất ấm áp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống sinh sôi thời tiền sử. Sau khi nước biển rút, đá trầm tích lộ hiện và xác động vật dần thành hóa thạch.
Gia cảnh Anning vô cùng khó khăn, cha mẹ làm thuê, nhà có 10 anh chị em nhưng chỉ có Anning và anh trai sống sót đến tuổi trưởng thành. Gia đình phải vật lộn để kiếm sống từng ngày.
Cha bà về sau chuyển sang thu lượm các mẫu hóa thạch nhỏ trên bãi biển để bán cho khách du lịch. Khi lên 6 tuổi, Anning bắt đầu theo cha để phụ giúp gia đình.
Sau khi cha mất do ngã từ vách đá, bà tiếp tục công việc. Mary Anning đã phát hiện ra một vỏ ốc hóa thạch to và bán được nhiều hơn bất kỳ khoản tiền nào trước đó. Đây đã trở thành công việc kiếm sống hàng ngày của bà.
Thách thức Thuyết Sáng thế
Bộ sưu tập hóa thạch của Mary Anning nhanh chóng được cộng đồng khoa học chú ý. Ở tuổi 12, Anning phát hiện ra hóa thạch hoàn chỉnh của thằn lằn cá Ichthyosaurus từ Kỷ Trias và Kỷ Jura.
Sau đó, bà tiếp tục phát hiện ra một con thằn lằn đầu rắn Plesiosaurus, một con thằn lằn có cánh Pterodactylus.
Những phát hiện của bà thường được bán cho các nhà sưu tập và nhà khoa học giàu có để nghiên cứu và trưng bày.
Năm 1823, Anning phát hiện ra bộ xương hóa thạch của Plesiosaurus, một loài bò sát biển có cổ dài và đầu nhỏ.
Khám phá này đặc biệt quan trọng vì nó thách thức niềm tin vào Thuyết Sáng thế, cho rằng tất cả các sinh vật sống không thay đổi kể từ khi được tạo ra.
Công trình của Anning đã cung cấp bằng chứng cho thuyết tiến hóa và giúp thiết lập ngành cổ sinh vật học như một lĩnh vực khoa học hợp pháp.
Trên thực tế, công trình về nguồn gốc muôn loài của nhà bác học Charles Darwin phải tới 48 năm sau đó mới được công bố.
Dọn đường cho các nhà nữ khoa học
Bất chấp những đóng góp cho cộng đồng khoa học, Mary Anning phải đối mặt với vô vàn thách thức và phân biệt đối xử trong suốt cuộc đời.
Là phụ nữ và thuộc tầng lớp thấp, bà thường bị các đồng nghiệp nam coi thường. Anning đã bị từ chối tư cách thành viên của Hiệp hội Địa chất London chỉ vì giới tính nữ.
Anning cũng gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, bà thường phải bán hóa thạch và các phát kiến của mình cho đồng nghiệp nam với giá thấp để hỗ trợ gia đình.
Năm 1847, Anning qua đời vì ung thư vú ở tuổi 47. Hiệp hội Địa chất London, vốn từ chối cho bà gia nhập, đã đăng cáo phó để tôn vinh bà.
Những thế kỷ sau, đóng góp của Mary Anning cho lĩnh vực cổ sinh vật học mới được công nhận và tôn vinh.
Công việc của bà đã mở đường cho các thế hệ nhà khoa học nữ trong tương lai. Anning được coi là người tiên phong trong lĩnh vực cổ sinh vật học. Những khám phá của bà cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hiểu biết hiện thời về cuộc sống thời tiền sử và lịch sử trái đất.
Một điều thú vị là Mary Anning đã truyền cảm hứng sáng tác cho câu nói “líu lưỡi” mà bất kỳ người học Tiếng Anh nào cũng "ám ảnh": “She sells seashells by the seashore” (tạm dịch: "Cô gái bán vỏ sò bên bờ biển"). Anning được cho là nhân vật chính trong câu nói trên.