Cuộc đời đầy bi kịch của sơn nữ bị người thân lừa bán

Khi vẫy vùng trong cùng cực, cay đắng, Lang Thị Vy từng nghĩ mình sẽ trả thù. Đến khi có thể trả thù thì cô lại không nỡ. Cô không có tâm cơ độc địa như những người đã đẩy mình vào bể khổ…

Bây giờ, dù tất cả đã là quá khứ nhưng những ngày đau khổ trong quá khứ ấy lại chưa buông Lang Thị Vy. Mọi thứ đều đã thay đổi, trước đây Vy vốn quyết tâm dứt khoát với mọi chuyện vậy mà giờ đây cô vẫn cứ vì đoạn quá khứ đau lòng đó không thể đặt xuống.

“Người đàn ông và người phụ nữ kia đang ra sức đuổi theo cô là chồng và mẹ chồng. Khi gần thoát ra được, cô bị bắt lại, cô đã khóc, đã van xin nhưng chuỗi ngày cay đắng trước đó cứ tiếp diễn”, Lang Thị Vy bật dậy trong đêm, đầm đìa mô hôi, hơi thở đứt quãng, nước mắt còn đọng… thì ra là đang mơ. Có điều, những gì trong mơ lại chính là hiện thực cô đã trải qua trước đó. Nhìn trời còn đen kịt, Lang Thị Vy tự nói với bản thân “tất cả mọi thứ sẽ bắt đầu lại vào ngày mai”. Đúng vậy, ngày mai là ngày TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án “Mua bán người” ra xét xử, những kẻ đã khiến cuộc đời cô khốn khổ tủi nhục sẽ trả giá. Lang Thị Vy cho mình thêm số thời gian còn lại một đêm nay để buồn, để khóc, ngày mai cô sẽ bắt đầu lại tất cả, những gì cần quên cô sẽ quên, những gì cần giữ, cô sẽ gói ghém lại.

Ảnh: Minh họa.

Ảnh: Minh họa.

Lang Thị Vy (SN 1982, trú xã Quảng Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên cô sớm bỏ học rồi xuống TP Vinh làm thuê. Không bằng cấp nên công việc cô kiếm được chật vật vô cùng. Khoảng tháng 3/2014, Vy tình cờ gặp lại người đồng hương là Sầm Văn Biên (SN 1984). Người này liên tục rủ sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao nhưng cô một mực từ chối. Ít nhiều Vy cũng từng nghe đến những cô gái Việt Nam sang Trung Quốc lao động thì chẳng có mấy ai thành công, nên cô chọn cách từ chối.

Mặc dù dặn lòng như vậy nhưng nhiều ngày sau, Lang Thị Vy liên tục nhận được điện thoại gọi điện rủ rê của Biên rằng “chỉ cần sang Trung Quốc làm việc 3 tháng rồi về sẽ được nhận 50 triệu đồng”. Việc làm hiện tại bấp bênh, cuộc sống thiếu trước hụt sau, một bên lại là lời mời hấp dẫn… cuối cùng ý chí ban đầu của Vy đã bị đánh gục. Cô gật đầu đồng ý.

Ngay sau đó, Biên đón và đưa Vy đưa ra Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) rồi vượt biên sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau khi đi sâu vào nội địa, đến một bến xe, Biên điện thoại cho Lang Thị Xuân (SN 1983) ra đón người. Lúc gặp nhau, Xuân mới biết cô gái mà Biên dẫn sang chính là em họ của mình. Tuy vậy, vì tiền người đàn bà này vẫn quyết tâm thực hiện ý đồ bán người đến cùng.

Đón được Lang Thị Vy, Xuân đưa về nhà mình rồi nhờ bố chồng bán cho một người đàn ông bản địa với giá 5 vạn nhân dân tệ (tương đương 150 triệu đồng). Số tiền trên, Lang Thị Xuân nhờ người đưa về cho bố của Vy 40 triệu đồng, Sầm Văn Biên hưởng lợi 40 triệu đồng. Số tiền còn lại sau khi trừ chi phí thì bố chồng của Xuân lấy hết.

Mặc dù đến tòa với quyết tâm “đây sẽ là ngày kết thúc cũng là ngày khởi đầu mới cho cuộc đời của mình” nhưng sự thật lại không hề dễ như suy nghĩ. Khi đối diện với Sầm Văn Biên và Lang Thị Xuân, Lang Thị Vy như sống lại những ngày tháng u tối. Cơn ác mộng đêm qua vốn quên đi nay một lần tái hiện.

Lang Thị Vy nhớ lại, khi mới mua cô về nhà chồng cũng yêu thương, quan tâm nhưng chẳng được mấy ngày. Điều quan tâm thực sự của họ đó là bao giờ thì cô mang thai, sinh con. Người ta cần cô không phải là cần thêm một người con trong gia đình mà là những đứa cháu. Nói trắng ra, họ bỏ tiền mua cô và coi cô là cái “máy đẻ”. Sau một thời gian, thấy cô chưa mang thai nên gia đình chồng đưa đi khám. Khi nghe bác sĩ bảo con dâu của họ bị bệnh, không thể có thai được và buộc phải cắt bỏ buồng trứng, họ cũng bắt đầu chính thức trở mặt.

Phần về Lang Thị Vy, để giữ tính mạng, cô buộc phải chọn cách cắt bỏ buồng trứng, cũng có nghĩa là cắt luôn “thiên chức làm mẹ” của mình. Cuộc sống địa ngục của Lang Thị Vy chính thức từ đó, gia đình chồng bắt cô làm việc liên tục để bù lại khoản tiền đã bỏ ra để mua trước đó. “Đau ốm, kiệt sức cũng không nhận được sự quan tâm nào, sống trong tủi nhục và phải làm việc quần quật, tôi chỉ biết khóc thầm”, Lang Thị Vy ngậm ngùi nhớ lại.

Để tránh trường hợp Lang Thị Vy bỏ trốn, gia đình nhà chồng quản lý cô rất chặt. Hằng ngày họ cắt cử người chở cô đến một xưởng làm kính, đến giờ đón về. Tiền lương hằng tháng “đi thẳng” vào túi gia đình chồng, cô không nhận được khoản tiền nào. Thậm chí, để “cấm cửa” cô, gia đình chồng không cho phép được giao tiếp với người lạ nào… Nếu cố tình vượt qua những điều cấm, họ cũng chẳng thương tiếc mà đánh đập, chửi bới cô thậm tệ.

Tủi nhục, khổ cực, cay đắng - đó là những gì mà Lang Thị Vy phải trải qua sau khi bị chính người thân bán sang Trung Quốc. Muốn sống đúng nghĩa là con người, chỉ còn một cách trốn khỏi đây mà thôi. Lang Thị Vy bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc trốn chạy, một mặt, cô âm thầm nghe lời gia đình chồng, mặt khác tìm hiểu cách thức về Việt Nam. Khoảng một ngày đầu tháng 3/2017, lợi dụng lúc gia đình chồng đi vắng, cô trốn ra khỏi nhà. “Tôi cầu cứu một người lái taxi sống gần đó, ông ấy đã chở ra bến xe để tôi nhảy xe khách đến cửa khẩu. Biết hoàn cảnh của tôi nên đã giúp đỡ, còn hướng dẫn tôi cách xin tiền để về nước. Trên xe khách, tôi đã trình bày hoàn cảnh của mình để xin tiền và được một số người ủng hộ ít tiền”, Lang Thị Vy kể.

Đặt chân trên đất nước Việt Nam sau 3 năm làm “trâu ngựa” xứ người, Làng Thị Vy đã khóc nức nở. Vậy là cô đã làm được điều mà trước đây cô chỉ là hy vọng. Ngày trùng phùng với người thân là ngày cô thấy mình tái sinh, ngày được sinh ra một lần nữa. Vậy là, chính thức kết thúc những ngày tháng “khăn đùm áo vắn” tìm kiếm đứa con gái khắp nơi của người cha già. Vậy là, tồn tại cái gọi là “phép mầu” mà cha mẹ và người thân của Lang Thị Vy ngày đêm khấn nguyện. Vậy là, ánh mặt trời lại chiếu sáng trên những khuôn mặt cười sau những ngày đau khổ.

Sầm Văn Biên và Lang Thị Xuân cúi đầu thừa nhận hành vi mua bán người như cáo trạng truy tố. Cả hai khai, vì tiền nên đã cấu kết với nhau, tìm các cô gái để đưa sang Trung Quốc bán. Xuân cho rằng lúc đầu không biết nạn nhân chính là em họ của mình, vì khi báo tin, Biên chỉ nói “có một cô gái” chứ không nói tên. Vậy nhưng khi biết cô gái bị bán là Vy, Xuân vẫn bán vì “muốn em có ít tiền để về nước”. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát… những người vì lòng tham mà bất chấp vi phạm pháp luật đều phải trả giá thích đáng. HĐXX đã tuyên phạt Biên 6 năm tù, Xuân 5 năm tù về tội “Mua bán người”, buộc liên đới bồi thường cho bị hại số tiền 60 triệu đồng.

Biên và Xuân mất ngần ấy năm để trả giá nhưng với Lang Thị Vy thì không biết phải mất bao lâu thời gian mới bước qua được “bóng ma” tâm lý của cuộc đời mình.

Dù ngắn dài, dù bao lâu đi chăng nữa cũng mong cô sơn nữ Lang Thị Vy gói thật chặt đoạn quá khứ tủi nhục kia, mạnh dạn mở lòng đón nhận những ngày tháng đầy yêu thương phía trước!

(Tên bị hại đã được thay đổi)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/cuoc-doi-day-bi-kich-cua-son-nu-bi-nguoi-than-lua-ban-90043.html