Cuộc đời 'kỳ lạ' của nhạc sĩ Phó Đức Phương: 2 bài hát nổi nhất viết khi thất tình, lấy vợ kém 20 tuổi, ở nhà 49m2

Nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đi để lại cả một gia tài âm nhạc khiến khán giả thương tiếc. Bên cạnh gia tài đó thì cuộc đời đầy biến động ông cũng là điều mà nhiều người nhớ đến.

Chuyên Toán nhưng lại đam mê âm nhạc

Âm nhạc Phó Đức Phương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam. Ông là một trong nhóm "Bộ tứ sông Hồng" đã viết nên những nốt nhạc đẹp nhất của âm nhạc Việt thập niên 90 của thế kỷ XX, cùng với nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Trần Tiến.

Là nhạc sĩ luôn đắm mình với đồng quê, với hồ xanh, núi biếc, sông dài, nhạc sĩ Phó Đức Phương là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như: Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Âm vang sông Đà, Một thoáng hồ Tây, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, không thể và có thể, Khúc hát phiêu ly... khắc họa nên một giọng điệu khác lạ, mộc mạc và tài hoa, đậm đặc hương đồng, gió nội, da diết yêu thương, nặng lòng với người đời.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên.

Cuộc đời nhạc sĩ Phó Đức Phương là những ngã rẽ bất ngờ. Ông vốn là sinh viên Toán lý Đại học Sư phạm. Năm thứ 2, ông nhận ra rằng, ông không thuộc về những con số và bài giảng, tâm hồn ông thuộc về âm nhạc và sống chết ông cũng phải đi con đường đó.

Ông nộp đơn xin thôi học và phải đến năm thứ 3 ông mới đạt được nguyện vọng. Từ bỏ con đường làm một giáo viên, Phó Đức Phương xin lên Nông trường Cửu Long một năm làm công nhân (thực ra là đi vòng để không bị sai phạm chuyển trường nọ sang trường kia).

Một năm lao động vất vả, cực nhọc nhưng mang lại cho ông nhiều trải nghiệm quý giá của cuộc sống, được sống hồn nhiên giữa thiên nhiên và những người lao động. Ông vẫn cảm ơn những ngày tháng vất vả đó đã cho ông vốn sống và những góc nhìn cuộc đời gần gũi, ấm áp hơn, hồn nhiên hơn.

Sau một năm quăng quật với cuộc sống, ông thi vào Nhạc viện Hà Nội, theo đuổi giấc mơ âm nhạc mà ông ấp ủ. Có lẽ vì mọi thứ không thuận lợi ngay từ đầu và cuộc đời ông gặp nhiều gập ghềnh nên âm nhạc của Phó Đức Phương cũng dữ dội và đầy lớp lang.

Tuy rẽ ngang sang âm nhạc nhưng đối với ông âm nhạc chính là lẽ sống, bởi thế ông rất kỹ tính đối với các tác phẩm của mình và kỹ tính ngay với cả người thể hiện tác phẩm đó. Có lẽ vì thế mà những buổi làm việc giữa nhạc sĩ và ca sĩ cũng có nhiều nước mắt vì sự kỹ tính của ông. Với ông, dứt khoát "hãy hát đúng nhạc của tôi đã, sau muốn phiêu bao nhiêu thì tùy…". Còn với ca sĩ, nhất là những ca sĩ hàng đầu, những người giàu cá tính sáng tạo thì "làm sao để bài hát đạt nhất, chinh phục cảm xúc người nghe nhất mới là hiệu quả".

Những chính vì sự nghiêm túc đó trong âm nhạc nên những tác phẩm của ông luôn được những ca sĩ hàng đầu Việt Nam như Ngọc Tân, Mỹ Linh, Thanh Lam, Bằng Kiều, Tùng Dương… lựa chọn. Trong âm nhạc của mình Phó Đức Phương kỹ tính từ ca từ, hòa âm phối khí, dựng tiết mục, cái gì cũng làm tới cùng, khó mấy cũng không bỏ cuộc.

Quá kỹ đến mức xung quanh mình nhiều đồng nghiệp làm show, nhiều đơn vị muốn đứng ra tổ chức show riêng cho ông nhưng 50 năm qua, trừ một lần làm chung show "Cánh diều & Lưu lạc" với Ngọc Đại, Phó Đức Phương không nghĩ đến làm show, không nghĩ đến kinh doanh theo cả nghĩa lãng mạn nhất.

Bộ tứ sông Hồng (từ trái qua phải): Nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Bộ tứ sông Hồng (từ trái qua phải): Nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Nhà văn Trần Thị Trường, người nhiều năm gắn bó với nhạc sĩ Phó Đưc Phương ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từng chia sẻ rằng bà thực sự khâm phục nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Cách đây 20 năm, khi khái niệm về bản quyền âm nhạc vẫn còn chưa định hình ở Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã dám đi vay tiền để thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

"Ông ấy tự học luật, tự học tiếng Anh, ăn cơm nhà, đi đòi tiền bản quyền cho các nhạc sĩ. Ông ấy đã hi sinh thời gian sáng tác của mình để lao vào một lĩnh vực đầy khó khăn, bị nghi ngờ đủ điều. Ông ấy làm việc rất nghiêm túc, không hề có chuyện tư túi như lời đồn", nhà văn Trần Thị Trường nói.

Hai bài hát nổi tiếng được viết khi đang... thất tình

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là một người khá kín tiếng trong chuyện riêng tư. Trong cuộc đời của mình ông cực kì hạn chế nhắc đến Lan Anh (vợ cố nhạc sĩ Phó Đức Phương) trên mặt báo. Không phải vì ông không yêu vợ, hoàn toàn ngược lại ấy chứ, đó là người phụ nữ duy nhất ông gắn bó đến hết cuộc đời, mà là vì ông không muốn người ta chú ý quá nhiều đến cuộc sống riêng tư của mình. Ông muốn đặt sự quan tâm đó của khán giả lên các hoạt động âm nhạc và sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và vợ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và vợ.

Bởi thế, trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi ông có tác phẩm nào viết dành cho một người đàn bà đã đi qua trong cuộc đời không, ông cho biết chưa từng viết riêng về một ai cả.

Tất nhiên ông cũng thú nhận có viết tình ca, hai ca khúc rất nổi tiếng là Chảy đi sông ơi hay Trên đỉnh phù vân đều là những bài hát được Phó Đức Phương viết khi thất tình.

"Có thể coi đó những bản tình ca dữ dội nhất mà tôi từng viết, nó không nhất thiết phải là "anh yêu em" hay chia tay, bi lụy. Mà sự thất tình đó gai góc đến kinh khủng, tôi tưởng chừng như chẳng thế vượt qua được. Như trong bài Chảy đi sông ơi, tôi lúc đó thất tình đến mức chỉ muốn ra sông để tự tử. Nhưng trong lúc chạy từ triền đê xuống đến bờ sông, sự bao dung, độ lượng và hiền hòa của dòng sông khiến tôi từ bỏ ý định tự tử trước đó. Còn Trên đỉnh phù vân, nó cũng là cảm xúc khi thất tình, muốn bỏ lên núi để quên đời vậy. Tôi không giống với nhiều người hay viết về một người phụ nữ nào đó, bởi tôi không tin vào những cảm xúc bất chợt. Hôm nay yêu đấy nhưng mai biết thế nào được" - ông từng chia sẻ.

Một dân nghèo thành thị đúng nghĩa

Sau 18 năm làm việc ở VCPMC, nơi người ta nói ông kiếm ra tiền thì Phó Đức Phương vẫn tự nhận mình là một dân nghèo thành thị đúng nghĩa nhất.

Nhà riêng của ông chỉ có 49m2 trong ngõ Văn Chương đông đúc và chật chội, nội thất không có vật gì đáng giá trừ chiếc đàn piano. Mãi đến cuối năm 2017, ông mới dọn về ngôi nhà 80m2 ở Âu Cơ, là ngôi nhà người ta gán nợ cho ông. Nếu sở hữu ngôi nhà đó hoàn toàn, Phó Đức Phương có thể lại là một con nợ…

Tuy vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vị nhạc sĩ tài hoa cũng rất mạnh mẽ. Ngay cả lúc phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo Phó Đức Phương cũng không hề mất tinh thần.

Những giây phút cận kề bên giường bệnh, ông vẫn nói say mê về âm nhạc, về những dự định, về giấc mơ sau này. Bởi với ông, "đời sông không hề biết vơi đầy".

Âm nhạc, với nhạc sĩ Phó Đức Phương là lẽ sống. Bởi thế, một thời gian trước khi vẫn nằm trên giường bệnh ông còn dặn dò, nếu ông mất, ông muốn giai điệu ca khúc Cùng một con đò vang lên trong lễ tang.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời trưa 19/9 sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời trưa 19/9 sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi.

Và hôm nay, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, vị nhạc sĩ tài hoa đã ra đi để lại bao niềm thương tiếc đối với người yêu âm nhạc.

Nhiều nghệ sĩ Việt đã bày tỏ sự bàng hoàng trước sự mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam. "Vậy là tôi đã mất đi một người bạn, người thầy, người nghệ sĩ đáng mến trong cuộc đời. Tinh thần lạc quan và những cống hiến nghệ thuật của ông là điều mà tôi và nhiều nghệ sĩ trẻ phải học tập" - ca sĩ Tùng Dương nghẹn ngào.

"Một người chú, người nhạc sĩ đáng kính, cây đa, cây đề của làng nhạc Việt Nam. Vĩnh biệt chú" ca sĩ Ngọc Anh chia sẻ.

Ca sĩ Minh Thu viết trên trang cá nhân: "Vĩnh biệt người thầy tôi chịu ơn cả đời".

Hương Ly (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/cuoc-doi-ky-la-cua-nhac-si-pho-duc-phuong-2-bai-hat-noi-nhat-viet-khi-that-tinh-lay-vo-kem-20-tuoi-o-nha-49m2-20200919151849357.htm