Cuộc đời lang bạt của nhà văn Hàn Quốc

Suốt tám năm viết lách cho đến khi mất lúc ba mươi mốt tuổi, độ tuổi còn rất trẻ, ông được xem là tác giả đầu tiên thổi một luồng gió mới vào văn đàn Hàn Quốc với dòng 'văn học thể nghiệm'.

Choi Seo Hae (1900-1932)

Cuối năm 1924, nhà văn Choi Seo Hae vụt sáng trên văn đàn Hàn Quốc với ngòi bút khắc họa cuộc sống đi ngược lại trật tự vốn có lúc bấy giờ. Ông tự cho mình là “người cô độc tìm hoa mai ở phía Đông trong khi hàng nghìn vạn người khác chạy đi tìm trăng ở phía Tây”.

Suốt tám năm viết lách cho đến khi mất lúc ba mươi mốt tuổi, độ tuổi còn rất trẻ, ông được xem là tác giả đầu tiên thổi một luồng gió mới vào văn đàn Hàn Quốc với dòng “văn học thể nghiệm”. Ông đối đầu với sự đói kém bần cùng trong xã hội do Nhật Bản cai trị những năm 1920. Tất cả những trải nghiệm đều được nhà văn khắc họa một cách chân thực trong các tác phẩm xuất sắc.

Ông làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống, từ làm công cho nhà giàu đến lang thang phiêu bạt khắp nơi, rồi bị nghiện thuốc phiện, sau lại chuyển sang buôn bán đậu phụ, làm phụ hồ. Khi quay về quê hương, cái đói nhiều lần khiến ông tưởng chừng như cận kề cái chết, ông quyết định rời bỏ gia đình.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Wallace Chuck/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Wallace Chuck/Pexels.

Các tiểu thuyết của ông sau này hầu hết đều chứa đựng những trải nghiệm đau đớn từ chính cuộc đời đầy sóng gió của mình. Cố quốc Nhật ký đào tẩu như lời giải thích về hành động tẩu thoát của bản thân nhà văn khi không thể bám rễ và sinh sống ở Gian Đảo, đành về nước và rời bỏ gia đình; Mười ba won là giai thoại mà chính ông gặp phải trong thời gian ở Hweryeong; Ngọn lửa đỏ là câu chuyện mẹ vợ ông bị chết đói ở Mãn Châu;

Các tác phẩm khác như Đêm trừ tịch, hay Sau khi nước lớn rút cùng những tác phẩm kể trên đều là những thể nghiệm và quan sát của nhà văn trong giai đoạn bần cùng. Đúng như suy nghĩ yêu cuộc sống nhưng không muốn sống lâu với đời, ông đã sớm từ giã trần thế. Tác phẩm của ông với chất hiện thực sâu sắc vẫn tồn tại mạnh mẽ cho đến tận ngày nay.

Choi Seo Hae, người thổi làn gió mới cho một giai đoạn văn học Hàn Quốc, sinh năm 1901 trong một gia đình có bố làm nghề đông y ở Seongjin, tỉnh Hamgyeongbuk. Bản thân ông đã có những năm tháng tuổi thơ đầy sóng gió. Khi còn bé, dưới sự dạy dỗ của cha, ông được học Hán văn và theo học Trường Phổ thông Seongjin, nhưng biến cố gia đình ập đến khiến việc học dang dở và không tốt nghiệp được.

Khao khát và nỗ lực sáng tác văn chương của ông rất mãnh liệt. Thời niên thiếu, ông thích đọc tiểu thuyết. Năm mười bốn tuổi ông đã sáng tác bài thơ theo lối văn xuôi mang tên Học Chi Quang. Thế nhưng sự bần cùng cực độ đã không cho phép ông có tâm trí để viết văn. Năm 1917, ông cùng mẹ đến Gian Đảo tìm kiếm một cuộc đời mới. Tuy nhiên hoàn cảnh tha phương bi thảm, không có người đồng hành, khiến ông phải trải qua vạn nghề để nuôi sống gia đình.

Mùa xuân năm 1923, sau bảy năm vật vờ trên đất Gian Đảo, cảm thấy vỡ mộng với cái nghèo tột độ, ông dắt díu mẹ và vợ về nước. Sau đó, ông làm việc lặt vặt trong một ga tàu gần biên giới và viết bài, đăng tác phẩm thơ Tự thân lên Bắc Tiên Nhật Nhật Tân Văn với bút danh Seo Hae. Thế nhưng liên tiếp khó khăn cùng tai họa khiến ông quyết định rời xa gia đình; mẹ ông và con gái về quê hương Seongjin, vợ về Pyeongan và Seo Hae khăn gói lên đường vô định.

Cậu Kim! Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi sẽ cứu sống tôi trước tiên. Lúc này tôi đang như một xác chết bị thôi miên. Tôi là xác chết thì những người còn lại (tức gia đình tôi) có được cứu sống không? Nếu vậy, tôi định sẽ đè bẹp bọn đã thôi miên tôi, xóa sạch những thứ làm nên bầu không khí hiểm ác này.

Một đoạn được viết như trên trong Nhật ký đào tẩu là hiện thân của cuộc đời Seo Hae, khi chính ông là nhân vật có hoàn cảnh khốn cùng trong truyện. Năm 1924, với sự giới thiệu của Chunwon, ông tạm thời lưu lại ở chùa Bongseon vùng Yangju, ngay lập tức ông mở lớp văn học và viết Nhật ký đào tẩu.

Trước tác phẩm này, ông đã sáng tác Cố quốc Mười ba won trên Triều Tiên Văn đàn; tuy nhiên đến tận Nhật ký đào tẩu được viết vào tháng Ba năm 1925, phong cách văn học của ông mới bắt đầu nhận được sự quan tâm. Tiếp theo, ông cho ra đời loạt tác phẩm Cái chết của Bakdol, Đói nghèo và thảm sát, Sau khi nước lớn rút và nhận được rất nhiều sự tán dương từ trường phái văn học khuynh hướng mới đương thời. Bỗng chốc, ông trở thành tác gia nổi tiếng chỉ trong thời gian ngắn.

Năm 1926, Choi Seo Hae xuất bản tập truyện Vết máu, tháng tư cùng năm ông tái hôn với chị của một người bạn của ông là nhà thơ sijo Joun. Về sau, ông tiếp tục sáng tác và làm việc tại các tạp chí khác nhau như Bình luận hiện đại thế nhưng cái nghèo vẫn bám theo dai dẳng. Sống khắc khổ và ăn uống không điều độ khiến ông mắc bệnh dạ dày mãn tính, bệnh nặng tái phát khiến ông đau đớn trên giường bệnh và từ giã cõi đời vào tháng Sáu năm 1932 khi vừa bước qua tuổi ba mươi mốt.

Những tác phẩm được xây dựng từ chất liệu thực tế là cuộc sống bần cùng, khốn khổ của chính tác giả tuy không được đánh giá cao vì không phải là tinh túy của văn học nhưng chúng được xem là hồi chuông cảnh tỉnh đến quan niệm sáng tác của nhóm tác giả thuộc tầng lớp trí thức đương thời vốn đang nhìn xã hội với thái độ bàng quan. Đồng thời, tác phẩm của ông được đánh giá là văn học dân tộc xét trên phương diện miêu tả một cách chân thực đến mức trần trụi về nỗi thống khổ của dân tộc Hàn Quốc trong trải nghiệm Gian Đảo.

Nhiều tác giả/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-doi-lang-bat-cua-nha-van-han-quoc-post1498781.html