Cuộc đời người vợ một ngày của Hitler

Người ta biết rất ít về Eva Braun khi còn sống, trừ việc bà từng tháp tùng nhà độc tài Adolf Hitler tại các sự kiện, với tư cách nhiếp ảnh gia.

Tuy nhiên, giữa hai người đã có cuộc tình sâu đậm trong vòng bí mật. Thủ lĩnh Đức Quốc xã muốn công chúng xem ông ta là một người độc thân và khổ hạnh. Mọi người chỉ biết về mối quan hệ giữa hai người khi họ cùng tự sát chỉ một ngày sau lễ cưới.

Người tình của lãnh tụ

Eva Braun là con gái thứ hai của Friedrich, một giáo viên và Franziska, thợ may. Bà sinh ngày 6/2/1912 tại Munich, có một chị gái, Ilse và một em gái, Margarete. Braun tốt nghiệp trung học tại một trường Công giáo ở Munich, sau đó theo học 1 năm tại trường kinh doanh.

Năm 17 tuổi, bà trở thành trợ lý cho Heinrich Hoffman, nhiếp ảnh gia chính thức của ông trùm Quốc xã. Tại đây, vào tháng 10 năm 1929, Braun gặp Hitler lần đầu tiên, khi ông ta đã 40 tuổi.

Trước khi Braun bước vào cuộc đời của lãnh tụ Quốc xã, có rất nhiều tin đồn xung quanh Hitler và cháu gái, con của người em gái cùng cha khác mẹ với ông ta, Geli Raubal. Cả hai có mối quan hệ sâu đậm vào năm 1925 và điều này đã thành chủ đề của nhiều lời đồn đoán.

Thời điểm người cậu và cô cháu gái bắt đầu sống chung trong cùng một nhà thì Braun đã quen biết Hitler. Năm 1931, người ta phát hiện Raubal nằm chết trong phòng, nghi do tự bắn bằng khẩu súng lục của Hitler. Vụ tự sát này được cho là vì Raubal muốn thoát khỏi sự kiểm soát của tên bạo chúa. Cô gái 23 tuổi đã yêu một người đàn ông đến từ Linz, Áo, nhưng Hitler không chịu buông tha cô.

Sau cái chết của Raubal, Hitler trở nên thân thiết hơn với Braun. Thế nhưng, vào tháng 8/1932, Braun tự bắn vào ngực mình nhưng không chết. Nhiều người cho rằng đây là một hành động nhằm thu hút sự quan tâm của Hitler. Dường như nó có tác dụng vì đến cuối năm 1932, sau khi Braun hoàn toàn bình phục, hai người đã trở thành tình nhân.

Kể từ thời điểm đó, Braun bắt đầu theo sát Hitler với tư cách là nhiếp ảnh gia chính thức của Đảng Quốc xã. Bà chưa bao giờ được giới thiệu là bạn gái hay người yêu của Hitler trong các sự kiện chính thức, mà chỉ là thành viên trong nhóm của Hoffman.

Vào tháng 5/1935, Braun lại muốn kết thúc cuộc đời, lần này bằng thuốc ngủ. Bà được cho là quá đau buồn vì Hitler không dành thời gian cho mình. Để xoa dịu Braun, Hitler đã cấp cho bà và em gái một căn hộ ba phòng ngủ ở Munich. Một năm sau, chị em nhà Braun có nơi ở thậm chí còn tốt hơn – một biệt thự ở Bogenhausen, Wasserburger Strasse.

Ngoài ra, Braun còn có không gian riêng của mình, một căn hộ trong Phủ Thủ tướng mới ở Berlin. Điều này cho thấy sự ưu ái mà Hitler dành cho Braun. Bà cũng thường đi cùng Hitler đến biệt thự nghỉ mát của ông ta, Berghof ở vùng núi Bavaria.

Chính tại đây, Hitler đã gặp nhiều nhân vật quan trọng như Thủ tướng Italy, Thủ tướng Anh, cả nhà độc tài Benito Mussolini. Tuy nhiên, Braun chưa bao giờ gặp bất kỳ ai trong số họ. Bà có thể là người tình của Hitler nhưng chưa hề được công khai trước công chúng.

Một ngày là vợ

Eva Braun (1912 - 1945).

Eva Braun (1912 - 1945).

Lý do Hitler không bao giờ giới thiệu Braun là người yêu của mình có thể sợ ảnh hưởng đến danh tiếng của ông ta. Trong mắt mọi người, ông ta phải tỏ ra là người sống độc thân, khổ hạnh, và tin rằng điều này sẽ hấp dẫn hơn đối với phụ nữ, cũng như dễ được mọi người tuân theo mệnh lệnh.

Braun đã thể hiện khá tốt vai trò của mình như Hitler mong muốn, bà chưa bao giờ là thành viên của Đảng Quốc xã và không quan tâm mấy đến chính trị.

Giống như hầu hết những người đàn ông quyền lực có người tình bí mật, Hitler dành cho Braun một cuộc sống xa hoa. Bà có mọi thứ mà một người phụ nữ mong muốn, ngoại trừ danh phận đối với Hitler. Cũng có đôi khi, Hitler tiếp đãi những người thân cận của mình tại Berghof và Braun được công khai tổ chức các sự kiện với tư cách là người phụ nữ trong nhà.

Có bằng chứng cho thấy Hitler thực sự yêu Braun. Trong di chúc của mình, nhà độc tài đã ghi Braun sẽ nhận được 12.000 reichsmark mỗi năm, trong trường hợp ông ta qua đời.

Braun cũng yêu Hitler. Bà từng được đề nghị trốn khỏi đất nước khi Đức Quốc xã thất bại nhưng phản đối và nói rằng: “Bạn nghĩ tôi sẽ để anh ấy chết một mình chăng? Tôi sẽ ở bên anh ấy cho đến giây phút cuối cùng”. Và bà đã làm như thế.

Đầu năm 1945, quân Đồng minh tiến vào nước Đức. Đảng Quốc xã không còn cơ hội chống lại sức mạnh tổng hợp của Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Pháp.

Vào ngày 29/4/1945, ngay sau nửa đêm, Hitler và Braun kết hôn trong một buổi lễ bên trong hầm trú bom Führerbunker của nhà độc tài. Đầu tiên, Braun viết Eva B trong giấy đăng ký kết hôn nhưng nhanh chóng gạch bỏ chữ B và thay vào đó là Hitler. Bà ấy chỉ mang họ mới trong khoảng 36 giờ.

Đến 3 giờ chiều ngày 30/4/1945, những người giúp việc ở Führerbunker nghe thấy tiếng súng nổ. Họ phát hiện thi thể của Hitler và Braun trong phòng làm việc của nhà độc tài.

Hitler đã tự bắn vào thái dương bên phải, trong khi Braun đã cắn một viên cyanide cực độc để kết liễu mạng sống. Xác của cả hai bị đốt cháy để quân Đồng minh không thể bắt được họ. Lúc này, Braun 33 tuổi, còn Hitler 56 tuổi.

Những thành viên trong gia đình Braun đều sống sót sau chiến tranh. Người cha chết năm 1964, bà mẹ qua đời ở tuổi 91 vào năm 1976. Margarete kết hôn và sinh ra một cô con gái đặt tên là Eva. Ilse, người không tham gia Đảng Quốc xã và cũng không có quan hệ gì với Hitler, qua đời năm 1979.

Theo GD&TĐ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/cuoc-doi-nguoi-vo-mot-ngay-cua-hitler/20240501121434791