Cuộc đời như chuyện phim của ông chủ Khu suối nước khoáng nóng Trạm Tấu
Tôi cũng không hiểu cơ duyên nào đã đưa chúng tôi đến với mảnh đất Trạm Tấu (Yên Bái) này, và cũng không hiểu cơ duyên nào đã đưa tôi đến Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu, đưa chúng tôi gặp Vũ Mạnh Cường - ông chủ của Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu - trong một hội họp rất đông người, để rồi chúng tôi có một cuộc phỏng vấn lúc đêm muộn, cho kịp chuyến xe về Hà Nội của tôi vào sáng sớm hôm sau.
"Tôi là một thằng phong trần"
Nói theo nghề nghiệp thì đó là một cuộc phỏng vấn, nhưng đúng ra là chúng tôi đã được Cường cho “xem” một cuốn phim ly kỳ qua những hồi ức của Cường. Số phận hay chính Cường đã là đạo diễn cho bộ phim của cuộc đời mình? Bộ phim có nhân vật chính tưởng như bước ra từ một cuốn tiểu thuyết gai góc với mô-tip một chàng thanh niên thật nhiều thói hư tật xấu, sau một biến cố kỳ diệu nào đó, đã làm lại cuộc đời mình một cách vẻ vang.
Nhưng Cường là một nhân vật có thật, anh đã tự "tô son" những trang đời của mình ở thời hiện tại bằng một cơ ngơi đồ sộ ở Trạm Tấu – Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu; là người sẽ được ghi vào ký ức của người Trạm Tấu khi đã có công gây dựng du lịch trên mảnh đất xa xôi ít người biết đến. Và anh cũng rất thật khi có một quá khứ hãi hùng…
Trong cái se lạnh của đêm vùng cao, Cường kể, bố mẹ anh là người Hưng Yên. Họ yêu nhau và cùng lên mảnh đất Trạm Tấu để trở thành những thầy cô giáo đầu tiên mang con chữ đến cho những em bé người Mông ở Trạm Tấu. Cường yêu thương và tự hào về bố mẹ mình, Cường biết ơn những gì bố mẹ đã đã dành cho anh. Nhưng cũng không hiểu vì lý do gì, dù được sống trong một gia đình tử tế với những khuôn thước mẫu mực, nhưng Cường đã sa vào những thói hư tệ hại.
“9 năm về trước, tôi là một thằng phong trần!” Cường tâm sự. Những cơn say, những trận cá cược, những đêm ngủ lang không về nhà đã làm Cường như một… đồ bỏ đi!
Điều khó hiểu nữa là những cơn say, những trận cá cược đó tồn tại song song với chất lãng tử của một giáo viên văn đẹp trai say mê với nghề; từng giải nhất đơn ca tiếng hát ngành giáo dục Trạm Tấu; từng đại diện cho những người làm giáo dục của Yên Bái đi thi đấu thể thao... Không hiểu vì sao những vẻ đẹp lấp lánh đó trong tâm hồn một thầy giáo dạy Văn không thể chế ngự nổi cơn ngông cuồng của Cường.
Rồi Cường gặp một người công an tên Chiến về nhận địa bàn Trạm Tấu. Nhiều lần người cán bộ này bắt gặp Cường say khướt. Anh được mọi người cản: Đừng động vào thằng Cường "nát" này, nó không chữa được. Nhưng lại là cơ duyên, như anh Chiến sau này kể lại, anh đã nhìn ra cái “chất” của con người Cường và ba lần bốn lượt cứu Cường khỏi những cơn mê. Vào cái thời Cường bết bát, xung quanh cả một đống xã hội đen đe dọa, anh Chiến cũng là người đã gọi hết những chủ nợ của Cường đến, xin cho Cường được miễn số lãi mẹ đẻ lãi con, để Cường nhìn thấy con đường quay trở về của mình còn cơ hội.
Chỉ 4 cây đào trồng ở những vị trí mặt tiền của khu nghỉ dưỡng, Cường cho biết, những cây đào này anh được anh Chiến cho tiền để mua. Nó như một “nhân chứng sống” cho tình cảm của anh Chiến dành cho Cường, như một sự nhắc nhở Cường và các con về lòng biết ơn, sự tử tế.
Thành quả từ mồ hôi, máu và nước mắt
Có một điều dù Cường không coi đó là niềm tự hào, nhưng tôi nhận thấy kể cả khi có bê bết trong nợ nần và những thói xấu thì Cường vẫn là một người lao động rất nghiêm túc. Khi đứng trên bục giảng, anh luôn là một giáo viên tận tâm với nghề, không quản khó khăn nhận nhiệm vụ ở những nơi xa xôi nhất của huyện. Anh cũng đã từng lăn lộn trồng bơ, nuôi lợn, thậm chí ngày đi dạy, tối lại trắng đêm đi buôn đào rừng để có tiền trả nợ…
Cường cũng rất thức thời khi biết hướng tới những sản phẩm phục vụ “Người Hà Nội”: “Tôi đã chứng kiến sự ngột ngạt của người Hà Nội trong ngôi nhà tôi trọ trong thời gian đi học. Tôi đã chứng kiến dòng sông Tô Lịch nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Tôi cũng biết nhiều người thành phố đã áp lực với công việc như thế nào, họ như con hổ trong bài thơ của Thế Lữ.” – Cường kể. Thế nên, Cường hiểu Trạm Tấu của anh rất có giá trị với người Hà Nội - khai thác nguồn nước khoáng, phát triển du lịch nghỉ dưỡng chính là câu trả lời cho những băn khoăn của Cường.
Và anh đã đúng. Hiện không chỉ có Khu suối nước khoáng nóng Trạm Tấu của ông chủ Vũ Mạnh Cường, mà còn rất nhiều homestay, nhà nghỉ mọc lên ở Trạm Tấu, du khách cả nước cũng đang hướng về Trạm Tấu với mong muốn được nghỉ ngơi được khám phá một vùng đất trong lành, còn nguyên vẻ hoang sơ với những sản phẩm văn hóa bản địa đặc trưng.
Có điều, để có được những thành quả của ngày hôm nay, ông thầy giáo dạy Văn không chỉ phải đánh đổi cả sự nghiệp yêu thích của mình thời trai trẻ, mà còn không biết bao nhiêu lần bị gia đình, người thân phản đối, thậm chí là mỉa mai, chê bai.
Cũng Ít ai biết cơ ngơi đồ sộ của khu nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Trạm Tấu khả có quy mô 25 phòng, khả năng phục lên tới 250 người cùng một lúc, với hệ thống 4 bể nước khoáng, những tiểu cảnh được trang trí bắt mắt, một khu nghỉ dưỡng mà cứ giơ máy ảnh lên là có những khung hình đẹp, … đều do Cường tự thiết kế, thậm chí tự đặt từng viên đá, hòn sỏi, tự nắn chỉnh cả những thứ nhỏ nhất. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của người thầy giáo dạy Văn đã phải đổ xuống để xây dựng lên Khu suối nước khoáng nóng Trạm Tấu.
Có lẽ bởi vậy, khách đến với nơi này như cảm thấy được về một chốn thân thương, mọi chi tiết đều như có linh hồn, quấn quít, hòa quyện, tương hỗ nhau tạo nên một không gian an yên nhẹ nhõm. Có lẽ cũng bởi vậy, nên khách đến với Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu ngày càng đông, rất nhiều khách quay trở lại trong năm để nghỉ dưỡng, khách mới đa phần là do được khách cũ giới thiệu.
Cũng ít ai ngờ rằng anh trai bản này đã rất thức thời khi từ những ngày sơ khai của việc kinh doanh du lịch đã biết sử dụng mạng Internet để học hỏi kinh nghiệm làm du lịch. Đặc biệt, còn biết sử dụng mạng xã hội để tự quảng bá cho cơ sở của mình. Hữu xạ tự nhiên hương, ban đầu chỉ có một vài khách đến nay, hầu như cuối tuần nào các phòng nghỉ của Khu du lịch sinh thái Trạm Tấu cũng full phòng, muốn có một chỗ nghỉ ở khu du lịch của ông chủ Vũ Mạnh Cường, khách phải đặt chỗ trước cả tháng.
Câu chuyện xây dựng Khu Suối khoáng nóng Trạm Tấu của Cường nếu chỉ kể bằng lời sẽ không hết được. Bởi ngôn ngữ không thể khắc họa được nỗi niềm đau đáu của một chàng trai muốn làm lại cuộc đời khi người thân không ai tin, không ai ủng hộ. Ngôn ngữ cũng không lột tả hết được tâm trạng của người thầy giáo dạy Văn nửa đêm cô đơn trần mình với từng hòn đá để xây thành bể nước khoáng… Và chắc chắn, ngôn từ trong một bài báo giới hạn khuôn khổ của tôi cũng không thể nói hết được những điều kỳ diệu mà Cường đã làm được, nhất là với một khoảng thời gian quá eo hẹp tôi được nghe Cường tâm sự.
Có một điều chắc chắn, dù khuôn khổ bài báo có hạn hẹp đến đâu, chúng tôi cũng không cho phép mình được bỏ quên những tâm sự đau đáu của Cường về việc phát triển du lịch ở quê hương Trạm Tấu của anh. “Tôi yêu đồng bào Mông, yêu mảnh đất này. Trong tình yêu của tôi có cả sự thán phục. Người Mông không biết phong thủy, nhưng nơi nào người Mông ở, nơi đó là thiên đường của du lịch. Nhưng cái dở là người Mông lại không biết làm du lịch.” – Cường tâm sự.
Trong kế hoạch của mình, Cường mong muốn sẽ hỗ trợ địa phương để xây dựng một bản làng người Mông thành bản làng đẹp nhất Tây Bắc; Cường mong muốn sẽ nhờ du lịch để cải thiện đời sống của người dân quê anh. “Tôi mong muốn người dân hiểu được giá trị của việc phát triển du lịch, khi tiếng nói của chính con tim họ thôi thúc họ phải làm, thì khi đó công việc mới hiệu quả.” Anh trăn trở.
Cuộc trò chuyện kéo dài trong đêm tĩnh mịch. Cường tâm sự với chúng tôi như một nghệ sỹ lên đồng. Chất men làm Cường lên đồng là niềm say mê bất tận với du lịch, với những nỗi niềm đau đáu đưa du lịch đến với mảnh đất Trạm Tấu, làm thay đổi đời sống của bà con vùng cao...
Cường cũng hẹn chúng tôi đến Trạm Tấu vào mùa hoa đỗ quyên nở rộ của năm sau, khi đó, Khu suối nước khoáng nóng Trạm Tấu của Cường sẽ có một sản phẩm du lịch mới đảm bảo có một không hai trên thế giới, để khách phải cảm nhận được điều tuyệt vời của những thửa ruộng bậc thang, điều tuyệt với của những mạch khoáng ngầm đang dồi dào tuôn chảy trong lòng đất Trạm Tấu quê anh.