Cuộc đời những phụ nữ nổi tiếng là nguồn cảm hứng của văn học

Cuộc đời gian truân của những phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử là chất liệu hấp dẫn cho văn chương. Nhiều tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ câu chuyện của họ.

Từ xưa đến nay, người ta luôn cho rằng phụ nữ là phái yếu. Thế nhưng, trong dòng chảy của nhân loại, không ít bóng hồng đã làm thay đổi thế giới. Những điều họ đã làm, đôi khi còn khiến cánh mày râu phải khiếp sợ.

Cuộc đời đầy sóng gió của những người phụ nữ ấy, đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà văn viết tiểu thuyết ly kỳ và thú vị.

Chúng ta hãy cùng điểm qua một số tiểu thuyết nổi tiếng lấy cảm hứng từ cuộc đời những phận nữ nhi đã ghi tên mình vào lịch sử.

 Hoàng hậu Margot được xem là tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của Alexandre Dumas cha. Ảnh: Quỳnh Anh.

Hoàng hậu Margot được xem là tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của Alexandre Dumas cha. Ảnh: Quỳnh Anh.

Hoàng hậu Margot

Alexandre Dumas cha đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Hoàng hậu Margot lần đầu năm 1845 với tựa La Reine Margot. Tác phẩm tái hiện cuộc đời bi tráng của một trong những vị hoàng hậu nổi tiếng nước Pháp, cùng đó là mối tình không kém phần lãng mạn với bá tước de La Mole.

Công chúa Marguerite phải trói mình vào cuộc hôn nhân vì mục đích chính trị với Henri vua xứ Navarre. Dù không có tình yêu, nàng vẫn sát cánh bên chồng để giúp đức lang quân trở thành vua Henri IV của nước Pháp.

Cuốn tiểu thuyết còn là câu chuyện về những vòng xoay ly kỳ của bánh xe số mệnh, đưa nhà Bourbon lên nắm quyền cai trị nước Pháp.

Hoàng hậu Margot được xem là tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của Alexandre Dumas cha. Ngay từ khi mới xuất bản, nó đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung.

Không chỉ được tái hiện trên sân khấu kịch và opera, Hoàng hậu Margot đã được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 1994. Bộ phim còn được ban giám khảo Liên hoan phim Cannes đánh giá cao và trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Isabelle Adjani.

Cô gái Đan Mạch

Đây là tác phẩm được nhà văn người Mỹ David Ebershoff lấy cảm hứng từ cuộc đời của nữ họa sĩ người Đan Mạch Lili Elbe. Bà được coi là phụ nữ chuyển giới đầu tiên trên thế giới.

Ra đời với cơ thể nam giới cùng cái tên Einar Mogens Wegener, nhân vật này được biết đến là danh họa tài hoa, với các bức tranh phong cảnh rất có hồn, nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Đan Mạch, cũng như Pháp.

Einar Mogens Wegener từng kết hôn với nữ họa sĩ Gerda Gottlieb năm 1904. Đến năm 1912, cả hai nhận ra khuynh hướng giới tính thật của mình, và quyết định chuyển tới Paris sinh sống. Lúc này, Wegener chắc chắn mình không phải đàn ông, còn Gottlieb thừa nhận đồng tính nữ.

Để trở thành phụ nữ thực sự, Lili Elbe tới Đức làm phẫu thuật chuyển giới nhiều lần. Trong vòng hai năm, bà đã 5 lần lên bàn mổ.

Vì muốn sinh con như bao phụ nữ bình thường khác, năm 1931, Lili Elbe thực hiện ca phẫu thuật cuối cùng để cấy ghép tử cung. Tuy nhiên, nàng Lili xinh đẹp đã thiệt mạng vì phản ứng đào thải của cơ thể.

 Cô gái Đan Mạch cũng là tiểu thuyết đầu tay của David Ebershoff. Ảnh: Quỳnh Anh.

Cô gái Đan Mạch cũng là tiểu thuyết đầu tay của David Ebershoff. Ảnh: Quỳnh Anh.

Điệp viên

Cuốn tiểu thuyết này được nhà văn người Brazil Paulo Coelho lấy cảm hứng từ cuộc đời của Mata Hari, gián điệp “hai mang” của Pháp và Đức trong Chiến tranh Thế giới I.

Dưới thân phận vũ nữ, đóa tulip xinh đẹp người Hà Lan đã khai thác được nhiều tin tình báo quan trọng.

Mata Hari đã gián tiếp gây ra cái chết của 50.000 binh lính Pháp. Cô bị chính phủ Pháp kết án tử hình năm 1917.

Với Paulo Coelho, Mata Hari xứng đáng được xót thương và ca ngợi. Người đàn bà ấy đã dám vượt lên tất cả định kiến cũ kỹ của xã hội để tự quyết định cuộc đời mình.

Thay vì an phận trong cuộc hôn nhân như địa ngục, Mata Hari tự tìm cách cứu vớt cuộc đời mình. Việc làm đó có lẽ còn vĩ đại hơn việc trở thành điệp viên.

 Tiểu thuyết Điệp viên là một trong số ít tác phẩm của Paulo Coelho lấy cảm hứng từ nhân vật có thật. Ảnh: Quỳnhh Anh.

Tiểu thuyết Điệp viên là một trong số ít tác phẩm của Paulo Coelho lấy cảm hứng từ nhân vật có thật. Ảnh: Quỳnhh Anh.

Confessions of Marie Antoinett

Cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm nổi tiếng nhất trong bộ 3 sáng tác của nhà văn Juliet Grey về hoàng hậu Marie Antoinett, người phụ nữ nổi tiếng xa hoa trong lịch sử nước Pháp.

Giữa những rối ren về chính trị, sắc đẹp cùng bản tính hoang đàng của bà đã trở thành nguồn cơn cho sự giận dữ của người dân Pháp. Năm 1793, hoàng hậu xinh đẹp kết thúc cuộc đời dưới máy chém.

Lấy bối cảnh mùa hè năm 1789, khi cuộc Cách mạng Pháp bùng nổ, tiểu thuyết Confessions of Marie Antoinett đã tái hiện một cách tỉ mỉ và đầy cảm xúc những ngày tháng cuối cùng của một vị hoàng hậu chỉ biết tới nhung lụa và quyền lực.

Tác phẩm không chỉ là câu chuyện về con người, số phận, mà còn là khúc hùng ca cho trang sử mới của nước Pháp.

 Hoàng hậu Marie Antoinett là nhân vật yêu thích của nhà văn Juliet Grey. Ảnh: Quỳnh Anh.

Hoàng hậu Marie Antoinett là nhân vật yêu thích của nhà văn Juliet Grey. Ảnh: Quỳnh Anh.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-doi-nhung-phu-nu-noi-tieng-la-nguon-cam-hung-cua-van-hoc-post1111389.html