Cuộc đời sóng gió của diễn viên Hồng Sơn
Diễn viên Hồng Sơn ra đi khi màn ảnh vẫn còn trông đợi nhiều ở một người nghệ sĩ tài năng như ông. Nhớ về Hồng Sơn người ta nghĩ ngay về một bi kịch của người nghệ sĩ tài hoa với nhiều thăng trầm, cay đắng.
Diễn viên Hồng Sơn sinh năm 1957 ở Hà Nội. Đam mê nghệ thuật từ nhỏ, Hồng Sơn trốn nhà đi thi vào khoa kịch nói của Đại học Sân khấu Điện ảnh. Sau này, Hồng Sơn ghi dấu ấn trong một vài bộ phim như Hoa cỏ dại, Thung lũng tình yêu…
Cuộc sống khốn khó, nam diễn viên quyết định chuyển nghề. Bỏ ánh đèn sân khấu, Hồng Sơn bước vào con đường kinh doanh. Thời điểm đó, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và cho rằng, Hồng Sơn đã đúng khi lựa chọn con này. Ông làm chủ một quán bar lớn cùng bốn cửa hàng ngay trong thành phố.
Tuy nhiên, lại không thể phủ nhận, sự giàu có và con đường kinh doanh đã dẫn Hồng Sơn tới những bi kịch trong cuộc đời đầy sóng gió của mình.
Ông bắt đầu triền miên trong những cơn say bạc và chìm trong làn khói trắng chết người. Ít ai biết rằng, khi quay “Người Hà Nội”, Hồng Sơn đã mắc nghiện. Đằng sau mỗi cảnh quay là những cơn thèm thuốc, là những lần trốn đoàn làm phim đi chích ma túy… Giữa giai đoạn lạc lối ấy, Hồng Sơn đã có một vai Nam lạc lõng với thời cuộc- thành công hơn cả mong đợi.
Sau phim “Người Hà Nội” (sản xuất năm 1995), cái tên Hồng Sơn mất dần trên màn ảnh. Ma túy đã lôi kéo anh đến tận cùng của bi kịch. Mất nghề, phá sản, ly hôn… như anh nói, ma túy đã lấy đi của tôi tất cả. Bế tắc, đau khổ, với hai bàn tay trắng còn lại, Hồng Sơn đã tự vẫn.
Tự vẫn không thành, từ cõi chết trở về, Hồng Sơn quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời dưới sự giúp đỡ và động viên của cô con gái duy nhất. Hồng Sơn đã trở lại thật.
Chẳng thế mà, khán giả vẫn nhắc nhiều đến vai Dỏ trong phim “Ma làng” của Hồng Sơn là có lí do. Bởi vai Dỏ không phải là vai diễn xuất sắc nhất của Hồng Sơn nhưng nó lại đánh dấu sự trở lại đầy tài tình của nghệ sĩ này sau hơn 2 năm ông ở trại cai nghiện trở về.
Còn nhớ diễn viên Hồng Sơn đã chủ động xin được đóng vai này. Khán giả vẫn thường thấy một Hồng Sơn gắn với những vai chính diện trên phim như Chính ủy, Giám đốc. Còn lần này, Hồng Sơn nói: "Cho em thử vai khác kiểu này đi. Em sẽ chơi đến cùng".
Quả thật, Hồng Sơn đã chơi tới cùng. Vai ông Dỏ, như khán giả vẫn ví, một lão Chí Phèo thời đại mới. Bần cùng bất đắc chí, Dỏ chìm trong rượu chè. Như một ma làng, cuộc đời Dỏ những tưởng sẽ vô nghĩa, sẽ vật vờ như thế. Chỉ đến khi những nhân vật mới với tư tưởng mới về làng với những mô hình kinh tế “vườn, ao, chuồng” , ông lão Dỏ dần tỉnh ngộ, tính chuyện làm lại cuộc đời với bè nuôi cá…
Khán giả xem phim thấy hình tượng ông Dỏ có nét gì hao hao với Hồng Sơn. Có thể nói, qua nhân vật này Hồng Sơn cho khán giả thấy anh đã đứng dậy, đã tìm lại mình. Đặc biệt, Hồng Sơn còn chứng tỏ sự diễn xuất của anh vẫn xuất sắc như ngày nào bởi vai diễn sống động này đã góp phần giúp bộ phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trở nên nổi tiếng.
Nhưng “cuộc đời chẳng tày gang”, diễn viên Hồng Sơn qua đời vào ngày 13/8/2011. Trước khi qua đời, nam diễn viên nhập viện cấp cứu tối 10/8 vì vỡ mạch máu não và rơi vào tình trạng hôn mê sâu từ chiều 11/8.
Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, diễn viên Hồng Sơn góp mặt trong gần 30 bộ phim đình đám và hàng loạt giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ. Nhưng nhiều người chỉ còn nhớ đến Hồng Sơn trong một số bộ phim nổi tiếng như: Dòng sông phẳng lặng, Một thời đã sống, Cỏ lông chông, Ma làng... Cảm tưởng những nhân vật ấy được xây dựng nên để dành riêng cho ông.