Cuộc đua bầu thủ tướng Nhật: Ai là ứng viên sáng giá?

Cử tri Nhật Bản dành ủng hộ mạnh mẽ cho ông Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính Nhật Bản, người đang phụ trách chương trình tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của chính phủ,trở thành thủ tướng tiếp theo. Đó là kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất, khi các ứng viên tiềm năng của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chuẩn bị bước vào cuộc đua cuối tháng này.

ÔngKono được lòng cử tri trẻ tuổi Nhật BảnẢnh: JapanTimes

Việc Thủ tướng Suga Yoshihide cuối tuần trước thông báo sẽ từ chức dẫn đến cuộc bầu cử tìm Chủ tịch LDP cầm quyền vào ngày 29/9. Ứng viên nào được bầu làm chủ tịch cũng sẽ trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản.

Theo kết quả khảo sát do nhật báo Yomiuri Shimbun công bố ngày 6/9, 23% cử tri cho rằng Bộ trưởng Kono là ứng viên phù hợp nhất để làm thủ tướng. Theo sát ông Kono là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba với 21%. Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida được 12%.

Từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởngQuốc phòng dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông Taro Kono tốt nghiệp ĐH Georgetown (Mỹ) và thành thạo tiếng Anh. Ông trở thành gương mặt yêu thích trong lực lượng cử tri trẻ tuổi vì tham gia tích cực trên mạng xã hội bằng 2 thứ tiếng, và có đến 2,3 triệu người theo dõi trên tài khoản tiếng Nhật.

Dù ông Kono được nhiều cử tri ủng hộ và bản thân ông cũng thể hiện mong muốn trở thành thủ tướng, nhưng những người lớn tuổi trong LDP e ngại sự thẳng thắn và khác biệt của ông. Một số người cho rằng ông còn quá trẻ để làm thủ tướng.

Cuối tuần qua, một đài truyền hình Nhật nói rằng ông Kono đã được Thủ tướng SugaYoshihide ủng hộ.

Cứng rắn với Trung Quốc

Cứng rắn với Trung Quốc sẽ là ưu tiên cao nhất của chính phủ tiếp theo, ứng viên Fumio Kishida, cho biết. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, ông Kishida (64 tuổi) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những hành động của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Về các vấn đề trong nước, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết ông muốn chi hàng chục nghìn tỷ yen để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế và mong người dân hợp tác thực hiện những biện pháp hạn chế đi lại để làm giảm mức độ lây nhiễm của dịch COVID-19.

Từng được đánh giá sẽ trở thành người kế nhiệm sau khi ông Abe từ chức vì lý do sức khỏe, nhưng phong cách nói năng mềm dẻo và ít xuất hiện khiến ông Kishida không giành được tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò. Ông Kishida thua ông Suga trong cuộc đua giành vị trí Chủ tịch LDP năm ngoái.

Ông Kishida được gắn với một thỏa thuận định mệnh với Hàn Quốc năm 2015: chấm dứt tranh cãi liên quan đến những phụ nữ mua vui của binh sỹ Nhật Bản trong giai đoạn Thế chiến 2. Nhưng thỏa thuận đó sụp đổ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên cầm quyền, với quan điểm rằng hai chính phủ không tham vấn đầy đủ các nạn nhân.

Những gương mặt cũ

Ông Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, từng được các thành viên cấp cao trong LDP hậu thuẫn. Ông đã đánh bại ông Shinzo Abe trong vòng đầu tiên cuộc đua giành vị trí lãnh đạo LDP năm 2012, nhưng thua ở vòng sau, khi chỉ còn các nghị sĩ được bỏ phiếu.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đề cao chính sách kinh tế được đánh giá là dân túy hơn so với ông Suga và chủ trương thúc đẩy thị trường trong nước để giảm phụ thuộc vào ngoại thương.

Về các vấn đề quốc tế, ông thể hiện thái độ ôn hòa với Trung Quốc hơn và thận trọng với việc thay đổi hiến pháp để làm rõ vai trò pháp lý của quân đội.

Cựu Thủ tướng ShinzoAbe, người đã từ chức cách đây 1 năm vì lý do sức khỏe, được đồn có thể quay lại chính trường. Nhưng những người trong LDP và dư luận không hào hứng với ý tưởng này.

Dư luận quốc tế đang chờ xem cựu Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ ai. Vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản vẫn có ảnh hưởng đối với hai phe lớn nhất trong đảng và nhóm các nghị sĩ bảo thủ. Báo chí trong nước nói rằng ông Abe sẽ ủng hộ cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của tờ Yomiuri Shimbun cho thấy bà Takaichi chỉ được 3% ủng hộ, còn ông Abe được 5%.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi cho biết bà cũng muốn tranh cử để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật. Nhưng bà Takaichi không nhận được nhiều ủng hộ trong LDP với đa số thành viên là nam giới, theo Kyodo.

Một cựu Bộ trưởng Nội vụ khác là Seiko Noda cũng có kế hoạch tranh cử, nhưng bà Noda sẽ gặp trở ngại tương tự bà Takaichi.

Hakubun Shimomura, quan chức phụ trách chính sách của LDP, người đã rút lui sau khi ông Suga trở thành ứng viên được yêu thích trong cuộc chạy đua năm ngoái, cũng có thể ra tranh cử một lần nữa.

Khác với cuộc bầu cử lãnh đạo LDP năm ngoái, các thành viên LDP bình thường ở cấp tỉnh năm nay cũng được bỏ phiếu, khiến kết quả càng khó dự đoán.

Cuối tuần qua, các ứng viên bận rộn gặp gỡ nhiều nghị sĩ để vận động ủng hộ, báo chí Nhật Bản cho biết. Mỗi người cần 20 người ủng hộ vào ngày 17/9 để trở thành ứng viên chính thức, trước khi tiến vào vòng bỏ phiếu lần một ngày 29/9.

Vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ chỉ cho phép các nghị sĩ tham gia. Người chiến thắng sẽ được lựa chọn thời điểm kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử, thường rơi vào thời gian từ ngày 17/10-28/11.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-dua-bau-thu-tuong-nhat-ai-la-ung-vien-sang-gia-post1373502.tpo