Cuộc đua của các tỷ phú: Jeff Bezos dẫn trước, bay vào vũ trụ trong tháng tới

Nhà sáng lập kiêm CEO vừa mãn nhiệm của Amazon, Jeff Bezos thông báo ông sẽ bay vào vũ trụ cùng em trai mình vào tháng tới, dẫn trước các đối thủ trong cuộc đua vũ trụ với tỷ phú Elon Musk và Richard Branson.

Người sáng lập Blue Origin, Jeff Bezos, kiểm tra cơ sở phóng New Shepard ở Tây Texas. Một vị trí trên chuyến bay sắp tới của ông đang được đấu giá. Ảnh: EPA

Người sáng lập Blue Origin, Jeff Bezos, kiểm tra cơ sở phóng New Shepard ở Tây Texas. Một vị trí trên chuyến bay sắp tới của ông đang được đấu giá. Ảnh: EPA

Đây sẽ là chuyến bay có người lái đầu tiên được thực hiện bởi công ty vũ trụ của Bezos, Blue Origin. Chuyến bay dự kiến diễn ra vào ngày 20/7, nhân kỷ niệm 52 năm ngày tàu Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng.

Bezos và người em trai Mark, cựu giám đốc ngành quảng cáo, một lính cứu hỏa tình nguyện, sẽ tham gia chuyến bay cùng với người chiến thắng trong cuộc đấu giá suất bay trên tàu, với cái giá thấp nhất là 2,8 triệu USD.

Trong một bài đăng trên Instagram, tỷ phú Bezos cho biết ông đã mơ ước được du hành vào vũ trụ từ khi mới 5 tuổi. “Tôi sẽ thực hiện cuộc hành trình đó với em trai mình. Cuộc phiêu lưu tuyệt vời nhất, với người bạn thân nhất của tôi”, nhà sáng lập Amazon tuyên bố.

Với tài sản cá nhân ước tính là 186,2 tỷ USD, Jeff Bezos là một trong số các doanh nhân tỷ phú thúc đẩy một “cuộc đua không gian mới”, mỗi lần bơm hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp tư nhân của họ nhằm mục đích phát triển những chuyến du hành vũ trụ giá rẻ, được thương mại hóa.

Nhưng trong khi người sáng lập Virgin Galactic, tỷ phú người Anh Richard Branson dự kiến sẽ thực hiện một chuyến bay dưới quỹ đạo vào cuối năm nay và Elon Musk của SpaceX đã thề sẽ “chết trên sao Hỏa”, thì Bezos mới là người chiến thắng trong cuộc đua để trở thành người đầu tiên trong bộ ba tỷ phú đình đám này đến được rìa không gian.

Xem Blue Origin phóng và hạ cánh thành công tên lửa vũ trụ New Shepard tái sử dụng (Nguồn: CNBC)

Ông Musk hiện vẫn chưa bình luận về tuyên bố mới nhất của Bezos, trong khi Branson đã chúc mừng đối thủ của mình, nói rằng hai công ty của họ đang “mở cửa tiếp cận không gian”.

“Gửi lời chúc mừng đến Jeff Bezos và em trai Mark của ông ấy về việc thông báo kế hoạch bay vào vũ trụ. Jeff bắt đầu xây dựng Blue Origin vào năm 2000, chúng tôi bắt đầu xây dựng Virgin Galactic vào năm 2004 và bây giờ cả hai đều đang mở ra khả năng tiếp cận không gian - thật phi thường!”, tỷ phú Branson đăng trên Twitter cá nhân.

Musk và Bezos được cho là đã đối đầu nhau ở một số dự án trong hơn một thập kỷ qua. Elon Musk coi đối thủ công nghệ khổng lồ của mình là “kẻ bắt chước” trong một số dự án kinh doanh của Amazon, trong khi Bezos chế nhạo kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của CEO SpaceX.

Công ty Blue Origin của Bezos được thành lập vào năm 2000, tự quảng cáo là phương tiện cung cấp khả năng tiếp cận không gian rẻ hơn thông qua việc sử dụng tên lửa có thể tái sử dụng - cụ thể là New Shepard đã bay 15 lần.

Dự án du lịch vũ trụ của Jeff Bezos với Blue Origin đang cạnh tranh với một chương trình tương tự đang được phát triển bởi Space X, công ty tên lửa do Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk sáng lập và điều hành, và công ty Virgin Galactic do Richard Branson hậu thuẫn.

Vào tháng 4/2017, Bezos tiết lộ rằng ông đầu tư cho Blue Origin khoảng 1 tỷ USD bằng cổ phiếu Amazon mỗi năm. Hệ thống tàu không gian của Blue Origin bao gồm một khoang phi hành đoàn được điều áp gắn trên đỉnh tên lửa đẩy tái sử dụng New Shepard.

Trong chuyến bay có người lái đầu tiên vào vũ trụ, phi hành đoàn trên tàu New Shepard sẽ có ít nhất 10 phút lơ lửng không trọng lực bên trong khoang tàu.

Trong chuyến bay có người lái đầu tiên vào vũ trụ, phi hành đoàn trên tàu New Shepard sẽ có ít nhất 10 phút lơ lửng không trọng lực bên trong khoang tàu.

Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000. Chuyến bay vào không gian sắp tới là đỉnh cao trong hơn hai thập kỷ bước chân vào lĩnh vực không gian của Jeff Bezos, người đã công bố kế hoạch từ chức Giám đốc điều hành của Amazon chỉ 15 ngày trước ngày bay. Thay vào đó, ông sẽ trở thành Chủ tịch điều hành của công ty mà ông thành lập trong gara ô tô vào năm 1994 – cho phép ông có “thời gian và năng lượng” để tập trung vào các dự án kinh doanh khác.

Blue Origin đặt tên chương trình tên lửa vũ trụ là New Shepard theo tên phi hành gia Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ cách đây đúng 60 năm. Chuyến bay sắp tới sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sứ mệnh đưa những khách hàng trả tiền vượt ra ngoài không gian.

Tuy nhiên, hiện tại SpaceX của Elon Musk dường như đang dẫn đầu trong cuộc đua tỷ phú vũ trụ với nhiều vụ phóng mang thiết bị của NASA lên ISS và nắm quan hệ đối tác để đưa khách du lịch lên vũ trụ vào năm 2021.

Hôm 6/2/2018, SpaceX đã phóng tên lửa nhằm hướng quỹ đạo sao Hỏa, cách Trái đất trên 220 triệu km, và NASA đã chọn hai phi hành gia sẽ tham gia sứ mạng Dragon có người lái đầu tiên do SpaceX thực hiện.

Xem video tên lửa Starship của SpaceX được phóng và lần đầu tiên hạ cánh thành công hôm 5/5/2021 (Nguồn: SpaceX):

SpaceX cũng đã bắt đầu gửi một loạt 60 vệ tinh vào không gian để giúp hình thành mạng Starlink của mình. Ông Musk hy vọng chương trình này sẽ xây dựng một mạng lưới vệ tinh được kết nối với nhau trên khắp Trái đất, qua đó cung cấp Internet miễn phí cho mọi người trên khắp thế giới.

Trong khi đó, tỷ phú Richard Branson và Virgin Galactic đang có một cách tiếp cận khác để chinh phục không gian. Virgin Galactic đã nhiều lần thực hiện các chuyến bay thử nghiệm của tàu vũ trụ Unity thành công. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2018 và lần gần nhất diễn ra vào ngày 22/2 năm nay.

Hơn 600 khách hàng giàu có cho đến nay, bao gồm cả những người nổi tiếng như Brad Pitt và Katy Perry, đã đặt chỗ 250.000 USD cho một trong những chuyến du hành vũ trụ của Virgin.

Richard Branson giới thiệu SpaceShipTwo, tàu vũ trụ đủ chỗ cho 6 hành khách và 2 phi công. Ảnh: Reuters

Richard Branson giới thiệu SpaceShipTwo, tàu vũ trụ đủ chỗ cho 6 hành khách và 2 phi công. Ảnh: Reuters

Tàu SpaceShipTwo của Virgin Galactic có thể chở sáu hành khách và hai phi công. Mỗi hành khách có một vị trí ngồi với hai cửa sổ lớn - một bên hông và một bên trên. Hành khách sẽ trở thành “phi hành gia” khi họ đến vạch Karman, ranh giới của bầu khí quyển Trái đất. Sau đó, tàu vũ trụ sẽ thực hiện một hành trình theo quỹ đạo phụ với khoảng sáu phút không trọng lượng. Toàn bộ chuyến bay kéo dài khoảng 1,5 giờ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo D.M, Space)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-dua-cua-cac-ty-phu-jeff-bezos-dan-truoc-bay-vao-vu-tru-trong-thang-toi-20210608101357588.htm