Cuộc đua giành ảnh hưởng tại Sừng châu Phi

Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại châu Phi thông qua một loạt chuyến thăm của các nhà ngoại giao hàng đầu nước này.

Hội nghị hòa bình Sừng châu Phi đầu tiên diễn ra ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) từ ngày 20-22/6. (Nguồn: AP)

Hội nghị hòa bình Sừng châu Phi đầu tiên diễn ra ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) từ ngày 20-22/6. (Nguồn: AP)

Trong đó, khu vực Sừng châu Phi, gồm các quốc gia vốn đang chìm trong xung đột và bất ổn Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Somalia, dường như là trọng tâm chiến lược của Bắc Kinh.

Đầu năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên bổ nhiệm đặc phái viên nhằm thúc đẩy hòa bình ở khu vực này. Trung Quốc trước đây thường tập trung vào phát triển kinh tế và thương mại ở châu Phi hơn là chính trị và ngoại giao. Djibouti là nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bỏ ra hàng tỷ USD, chủ yếu trong khuôn khổ Sáng kiến vành đai và con đường, như tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti.

Hồi tháng Sáu, Đặc phái viên của Trung Quốc tại vùng Sừng châu Phi Tiết Băng đã chủ trì hội nghị hòa bình khu vực đầu tiên ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia). Đặc phái viên Trung Quốc nêu rõ sẽ “sẵn sàng thực hiện các nỗ lực làm trung gian cho tiến trình giải quyết hòa bình những tranh chấp theo nguyện vọng của các quốc gia trong khu vực này”.

Trong bối cảnh đó, các nước phương Tây không thể đứng ngoài và liên tục có những động thái tăng cường hiện diện tại Sừng châu Phi. Chỉ trong một tháng qua, lần lượt Mỹ, Anh và Phần Lan đều đã bổ nhiệm các nhà ngoại giao phụ trách làm trung gian hòa giải tại khu vực. GS. Liselotte Odgaard từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy nhận định, đây là một nỗ lực nhằm đưa ra một giải pháp nhằm cân bằng với ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc.

Sừng châu Phi là khu vực khá phức tạp và bất ổn, với nhiều vấn đề trải dài từ xung đột nội bộ, Hồi giáo cực đoan đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo như nạn đói và hạn hán...

Theo ông Gised Ahmed, học giả tại Viện Trung Đông (Mỹ), khu vực này có tầm quan trọng chiến lược, là điểm ra vào chính của cả Biển Đỏ và Vịnh Aden, nơi có các cảng và tuyến đường biển lớn, cũng như là nơi đặt căn cứ quân sự của một số quốc gia. Do đó, các cường quốc lớn trên toàn cầu muốn đảm bảo “sự ổn định chính trị” trong khu vực.

Nếu như phương Tây có cách tiếp cận trực tiếp, sẵn sàng quy trách nhiệm cho những kẻ gây ra các tội ác như diệt chủng, thì Trung Quốc có phần gián tiếp, với việc đan xen các lợi ích kinh tế và an ninh.

Bắc Kinh cũng chủ trương không can thiệp trực tiếp các vấn đề. Nước này từng từ chối đưa ra lập trường về các cuộc xung đột khu vực như cuộc nội chiến ở Tigray, nói rằng các giải pháp nên đến từ chính các quốc gia châu Phi.

Nhiều khả năng, để cân bằng ảnh hưởng, các đặc phái viên phương Tây sẽ hướng đến thúc đẩy hòa bình thông qua các vấn đề nhân đạo, biến đổi khí hậu và phát triển hòa bình bền vững. Thậm chí, các nước phương Tây có thể hợp tác với Trung Quốc trong một số điểm đồng như biến đổi khí hậu, nhằm đem lại hòa bình và ổn định bền vững cho khu vực Sừng châu Phi.

(theo SCMP)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dua-gianh-anh-huong-tai-sung-chau-phi-191663.html