Cuộc đua khốc liệt tại Trung Đông

Ba quốc gia được chú ý nhất tại vùng vịnh là Ả-rập Xê-út, UAE và Qatar có tiềm lực kinh tế cực kỳ vững.

Dàn sao châu Âu tại Saudi Pro League.

Dàn sao châu Âu tại Saudi Pro League.

Ba quốc gia được chú ý nhất tại vùng vịnh là Ả-rập Xê-út, UAE và Qatar có tiềm lực kinh tế cực kỳ vững. Nhưng câu chuyện đầu tư bóng đá của họ đang có những kết quả khá khác nhau…

Những vụ đầu tư đắt đỏ

Năm 2008, những ông chủ UAE đã nổ phát súng đầu tiên khi tỷ phú Sheikh Mansour đứng ra mua lại câu lạc bộ Manchester City từ tay cựu Thủ tướng Thái Lan - Thaksin Shinawatra với mức giá 210 triệu bảng Anh.

Vào thời điểm đó, thương vụ này gây ra sự rúng động không hề nhỏ về mặt truyền thông, khi lần đầu có một ông chủ đến từ Trung Đông đầu tư vào một đội bóng tại Premier League.

Sheikh Mansour kể từ đó đã đầu tư vào nửa xanh thành Manchester số tiền khổng lồ lên đến 3,5 tỷ USD. Với sự hậu thuẫn cực kỳ lớn của ông chủ đến từ UAE, Man City đã có những bước chuyển mình vĩ đại trong vòng 15 năm qua.

Từ vị thế là “gã hàng xóm ồn ào” của Man United, giờ đây Man Xanh là đội bóng mạnh nhất thế giới. Mùa giải 2023, họ đã hoàn thành cú ăn 3 vĩ đại và điền tên mình vào ngôi đền của những huyền thoại của bóng đá thế giới. 21 danh hiệu chỉ trong vòng 15 năm là một thành tựu quá lớn đối với một đội bóng, và những ông chủ UAE rất hài lòng về khoản đầu tư này của mình.

Vào năm 2011, người Qatar cũng bắt đầu đánh dấu sự hiện diện của mình trên bản đồ bóng đá thế giới khi Quỹ đầu tư thể thao Qatar đã mua lại 70% cổ phần Paris Saint - Germain, sau đó thâu tóm nốt 30% còn lại vào tháng 3/2012, biến câu lạc bộ nước Pháp thành tài sản riêng của người Qatar. Đất nước này đã tổ chức một vòng chung kết World Cup cực kỳ hoành tráng vào năm ngoái, và đó cũng là thành tựu lớn nhất từ trước đến nay của Qatar trong bóng đá.

Những ông chủ Ả Rập xuất phát sau hai người hàng xóm của mình, nhưng hiện tại, họ là những người làm bóng đá thành công nhất khi sở hữu một câu lạc bộ nổi tiếng tại Premier League là Newcastle, vừa nâng tầm giải đấu quốc nội của mình là Saudi Pro League lên một tầm cao mới khi chi rất nhiều tiền để mang về những cái tên sừng sỏ tại châu Âu như Karim Benzema, Neymar, Mahrez, Ngolo Kante và đặc biệt nhất, là siêu sao người Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo.

Nhiều khả năng Ả-rập Xê-út sẽ đăng cai World Cup 2034.

Nhiều khả năng Ả-rập Xê-út sẽ đăng cai World Cup 2034.

Ai thành công nhất?

Xét về mặt tổng thể, cả ba quốc gia kể trên đều có những thành công của riêng mình trong con đường làm bóng đá.

Với UAE, họ có thể tự hào với thành quả duy nhất của mình cho đến thời điểm hiện tại là Man City. Tuy là tay ngang trong câu chuyện đầu tư bóng đá, nhưng Sheikh Mansou và đội ngũ của mình đã lựa chọn con đường bền vững, không để cho bản thân rơi vào tình trạng “dục tốc bất đạt” khi đã đầu tư kỹ lưỡng vào từng hạng mục của câu lạc bộ. Để rồi thành quả mà họ nhận được hiện tại là một tập thể đầy mạnh mẽ và cũng có được tính kế thừa trong tương lai.

Ả-rập Xê-út tuy đi sau, song những gì họ đang làm cho thấy kế hoạch giàu tham vọng, dài hơi. Người Ả Rập hoàn tất thương vụ mua lại Newcastle một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, họ không vội vàng đổ tiền vào đội bóng mà đi từng bước căn cơ như những người UAE.

Tìm một huấn luyện viên trẻ với triết lý rõ ràng là Eddie Howe và không quá nóng vội trong mua sắm cầu thủ. Những ông chủ Ả Rập muốn quá trình của họ cũng vững chắc như những gì mà Man City đã làm được, đồng thời tiếp tục nâng cấp giải quốc nội bằng những hợp đồng cầu thủ chất lượng.

Với Qatar, họ đang sở hữu PSG là một thế lực tại giải quốc nội Pháp. Nhưng PSG vẫn chưa thể tạo dựng được chỗ đứng ở sân chơi lớn hơn là Champions League. Thành tích tốt nhất của đội bóng này là ngôi Á quân sau khi thua Bayern Munich trong trận chung kết mùa giải 2019 - 2020.

Nhìn lại vòng chung kết World Cup 2022, hàng trăm tỷ USD đã được Qatar chi ra chỉ để phục vụ cho một giải đấu kéo dài một tháng. Nghe có vẻ hào nhoáng nhưng giải đấu để lại nhiều dư âm không tốt, đặc biệt là những lùm xùm đằng sau câu chuyện chạy đua đăng cai được giới truyền thông liên tục đề cập kể từ khi Qatar trở thành chủ nhà World Cup 2022.

Người Qatar nhận thức được cách làm bóng đá của mình đang có vấn đề. Rõ ràng họ cũng đang muốn sửa chữa những sai lầm trong công tác đầu tư bóng đá của mình.

Man United hiện lên như là cứu cánh dành cho những ông chủ Qatar. Mặc dù vậy, ở lần đề nghị gần nhất, tỷ phú Qatar vẫn giữ mong muốn mua lại toàn bộ quyền sở hữu Man United với giá 6,06 tỷ USD. Tuy nhiên, chủ sở hữu Quỷ đỏ nước Anh vẫn kiên quyết giữ nguyên mức giá 7,3 tỷ USD.

Tỷ phú Sheikh Jassim, thành viên Hoàng gia Qatar, con trai cựu Thủ tướng Qatar và là người đại diện cho Quỹ đầu tư công Qatar (QIA) - tổ chức có tài sản khoảng 450 tỷ USD chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc đua tranh quyền sở hữu Man Utd.

Theo tờ Mail Sport, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sau quyết định tổ chức World Cup 2030 ở 6 quốc gia và 3 châu lục, có vẻ như muốn chọn Ả-rập Xê-út đăng cai World Cup 2034. Ả-rập Xê-út hiện nhận được sự ủng hộ lớn từ các thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (47 phiếu bầu) và châu Phi (54 phiếu bầu). Nếu Ả-rập Xê-út tổ chức World Cup 2034, sẽ là quốc gia ở Trung Đông thứ 2 sau Qatar đã tổ chức World Cup 2022. Đây cũng sẽ là lần thứ 3 trong lịch sử châu Á tổ chức World Cup, sau lần đầu tiên 2 quốc gia đồng đăng cai là Nhật Bản và Hàn Quốc ở kỳ World Cup 2002.

Quốc Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-dua-khoc-liet-tai-trung-dong-post658348.html