Cuộc đua ngày càng quyết liệt, hấp dẫn

Khởi tranh từ ngày 21-2 đến 16-6, lượt đi Giải bóng đá vô địch quốc gia Wake-up 247 V.League 1 - 2019 khép lại với một số chuyển biến về chất lượng chuyên môn và những hạn chế cần khắc phục.

Pha tranh bóng giữa cầu thủ hai đội TP Hồ Chí Minh (áo đỏ) và Hà Nội FC. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Pha tranh bóng giữa cầu thủ hai đội TP Hồ Chí Minh (áo đỏ) và Hà Nội FC. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Khởi tranh từ ngày 21-2 đến 16-6, lượt đi Giải bóng đá vô địch quốc gia Wake-up 247 V.League 1 - 2019 khép lại với một số chuyển biến về chất lượng chuyên môn và những hạn chế cần khắc phục.

Sau 13 vòng đấu, có 263 bàn thắng được ghi trong 91 trận, bình quân 2,89 bàn/trận, tỷ lệ tương đối cao, cho thấy cuộc so tài giữa 14 đội bóng dự giải khá sôi động, hấp dẫn. Với hơn 315 thẻ vàng, 20 thẻ đỏ trọng tài rút ra phạt lỗi chơi xấu của các cầu thủ, phần nào nói lên tính quyết liệt trong tranh đua. Tuy nhiên, nạn bạo lực trên sân cỏ vẫn còn xảy ra. Có hơn 700 nghìn khán giả đến các sân cổ vũ, bình quân khoảng 7.700 người/trận.

Câu lạc bộ (CLB) tạo được ấn tượng nhất về chuyên môn là TP Hồ Chí Minh. Mặc dù không được đánh giá cao trước ngày giải khởi tranh, nhưng với tám trận thắng, ba trận hòa, thua hai trận, có 27 điểm sau 13 vòng đấu, họ đã vượt qua nhà đương kim vô địch Hà Nội FC để giành ngôi đầu bảng xếp hạng ở lượt đi. Dưới sự dẫn dắt của HLV người Hàn Quốc Chung Hê Sung, đội TP Hồ Chí Minh đã “lột xác” ở giải năm nay. Các cầu thủ của đội thi đấu hết mình vì mầu cờ sắc áo, đoàn kết, tạo nên bản sắc, sức mạnh riêng. Việc CLB và huấn luyện viên của đội bóng nhận giải thưởng tập thể, HLV xuất sắc nhất tháng 5 vừa qua là hoàn toàn xứng đáng.

Đội Hà Nội FC xếp thứ hai, kém đội đầu bảng hai điểm. Kết quả trên cho thấy mặc dù lực lượng đồng đều, có chiều sâu, nhiều danh thủ góp mặt trong đội tuyển quốc gia, song đoàn quân của HLV Chu Đình Nghiêm cũng gặp khó khăn khi một số vận động viên có dấu hiệu quá tải về thể lực do phải thi đấu quá “dày”. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, với bản lĩnh vốn có, nhiều cá nhân xuất sắc, giàu kinh nghiệm, đại diện của bóng đá Thủ đô vẫn chiếm ưu thế lớn trong việc giành ngôi số 1 khi cuộc đua “ma-ra-tông” kết thúc.

Thất vọng nhất ở lượt đi là đội Sanna Khánh Hòa (xếp thứ ba mùa giải trước). Đội bóng này chơi nhạt nhòa, không giữ được phong độ của đội bóng từng được coi là “ngựa ô” ở mấy mùa giải qua, để thua 8 trong số 13 trận.

Bên cạnh những điểm nhấn, V.League 1 - 2019 cũng bộc lộ một vài bất cập. Các CLB vẫn phải phụ thuộc vào “bầu sữa” của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững. CLB Dược Nam Hà Nam Định là một thí dụ. Đến sát ngày giải khai mạc mới có nhà tài trợ, nguồn kinh phí lại không dồi dào, cho nên việc đầu tư cho đội bóng có hạn, ảnh hưởng đến chuyên môn.

Bóng đá và khán giả như “cá với nước”. Nếu không có người xem, bóng đá sẽ lụi tàn. Thực tế cho thấy, số lượng các đội bóng V.League 1 “sống” được nhờ vào cổ động viên gần như không có. Như CLB Hoàng Anh Gia Lai từng công bố thu lãi nhờ bán vé và áo đấu, quảng cáo, nhưng cũng không thể dùng số tiền ấy để “nuôi” CLB được cả mùa.

Có ý kiến cho rằng, việc mỗi CLB được đăng ký ba ngoại binh là để góp phần nâng “chất” giải đấu, song vì thành tích và duy trì sự tồn tại, nhiều đội bóng đã phải sử dụng 70 đến 80% số tiền đạo là cầu thủ nước ngoài. Điều này khiến các tài năng trẻ trong nước ít có cơ hội thể hiện. Nếu cứ tiếp tục, thời gian tới bóng đá Việt Nam khó có những chân sút giỏi.

Các sai sót nổi cộm của trọng tài, vẫn xuất hiện ở một số cuộc so tài. Việc đốt pháo sáng, hành vi, văn hóa ứng xử xấu xí trên sân cỏ tiếp tục tiếp diễn... là những điểm đen ở nửa đầu mùa giải năm nay.

Hy vọng sau giai đoạn nghỉ, với sự nỗ lực trong công tác điều hành, quản lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), đơn vị tổ chức giải là Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) cùng lực lượng trọng tài và cố gắng của các CLB, chất lượng của V.League 1 - 2019 sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn ở giai đoạn lượt về, tái đấu sau khoảng ba tuần nữa.

KHÁNH VI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thethao/bong-da-viet-nam/item/40571402-cuoc-dua-ngay-cang-quyet-liet-hap-dan.html