Cuộc đua phân phối vắc-xin Covid-19 (*): Thách thức chưa từng có
Những kế hoạch hoàn chỉnh nhất, những thiết bị hiện đại nhất liên quan đến phân phối vắc-xin Covid-19 cũng có thể trở nên vô nghĩa vì một sai lầm nhỏ của con người trong chuỗi cung ứng lạnh
Chế tạo và thử nghiệm vắc-xin chỉ là bước khởi đầu. Công đoạn tiếp theo là làm thế nào để phân phối vắc-xin cho hàng tỉ người trên thế giới nhằm chấm dứt đại dịch.
Ác mộng hậu cần
Nỗ lực phân phối vắc-xin Covid-19 diễn ra với quy mô và mức độ cấp bách chưa từng có trong lịch sử nhân loại, bao gồm hàng tỉ liều với những yêu cầu khắt khe về nhiệt độ bảo quản đe dọa đặt mạng lưới vận chuyển lạnh vào tình trạng quá tải. Theo chuyên gia Roberto Perez-Franco của Trường ĐH Deakin (Úc), đây là thách thức hậu cần lớn nhất kể từ Thế chiến II. Một số vấn đề chính về hậu cần phân phối vắc-xin cần được xem xét gồm yêu cầu vận chuyển quốc tế, bảo quản, nhu cầu phân phối địa phương và địa điểm sản xuất.
Tất cả vấn đề trên có thể khác nhau tùy thuộc vào vắc-xin. Ví dụ, vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna (Mỹ) cần được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C với thời hạn sử dụng 6 tháng. Tại địa điểm cuối cùng, chẳng hạn như bệnh viện hoặc phòng khám, vắc-xin của Moderna có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường nhưng phải sử dụng trong vòng 30 ngày. Trong khi đó, vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và phải sử dụng trong vòng 5 ngày nếu để trong tủ lạnh thông thường.
Nếu không có cơ sở hạ tầng phù hợp, rất nhiều vắc-xin có thể bị lãng phí. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 50% vắc-xin bị hỏng trên toàn thế giới vì không có cơ sở hạ tầng hậu cần phù hợp. Nếu điều này xảy ra với vắc-xin Covid-19, chúng ta có thể mất hàng tỉ liều - một lỗi lầm tốn kém đến từ khâu thiết lập và triển khai kế hoạch hậu cần. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) và Công ty DHL (Đức), thế giới cần từ 8.000-15.000 lượt máy bay để phân phối một loại vắc-xin Covid-19. Chi tiết cụ thể phụ thuộc vào các yêu cầu chính xác về bảo quản, đóng gói và vận chuyển. Chẳng hạn như việc sử dụng đá khô để duy trì nhiệt độ ổn định ở mức -80 độ C sẽ hạn chế sức chứa của máy bay.
Hệ thống để phân phối những sản phẩm lạnh được gọi là "chuỗi cung ứng lạnh". Một chuỗi cung ứng lạnh phải được duy trì liền mạch từ lúc vắc-xin xuất xưởng cho đến khi được sử dụng. Nếu xảy ra sai sót, vắc-xin có thể bị giảm hiệu quả hay thậm chí nhiễm khuẩn. Đây là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là ở những quốc gia lớn và nóng như Úc. Những kế hoạch hoàn chỉnh nhất, những thiết bị hiện đại nhất cũng có thể trở nên vô nghĩa vì một sai lầm nhỏ của con người trong chuỗi cung ứng lạnh - Chủ tịch Hội đồng Chuỗi cung ứng lạnh thực phẩm Úc (AFCC) Mark Mitchell khẳng định với đài ABC News.
Nguy hiểm tiềm ẩn
Sau cùng, không chỉ bản thân vắc-xin cần được triển khai suôn sẻ mà các nhà cung cấp lọ thủy tinh đựng vắc-xin cũng phải bảo đảm có đủ vật liệu sản xuất. Cũng cần lưu ý rằng lọ thủy tinh đựng vắc-xin không được quá to vì nếu như thế, khi mở ra, vắc-xin bên trong có thể bị hỏng nhanh chóng. Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cũng cần gạc tẩm cồn, ống tiêm, kim tiêm, khẩu trang và bao tay y tế - vốn đang bị thiếu hụt ở nhiều nơi.
Pfizer lên kế hoạch cung cấp 50 triệu liều vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới trong năm nay và thêm 1,3 tỉ liều trong năm sau. Trong khi đó, Moderna dự kiến bàn giao từ 500 triệu đến 1 tỉ liều cho các nước trên toàn thế giới vào năm 2021, trong đó có 100-125 triệu liều vào 3 tháng đầu năm. Đá khô sẽ là một thách thức lo lớn đối với các mục tiêu tham vọng này.
ABC News dẫn một số nguồn tin cho biết các nhà sản xuất đá khô ở Mỹ đã nhận được nhiều lời đề nghị mua toàn bộ sản phẩm đầu ra và một số khu vực hiện không còn khả năng đáp ứng nhu cầu tăng mạnh. "Đang có nhiều sự đầu tư để giải quyết tình trạng thiếu hụt đá khô" - ông Ira Smith, Giám đốc phụ trách khu vực châu Mỹ của Công ty Pelican (Mỹ), cho biết.
Lượng lớn đá khô cần thiết để vận chuyển vắc-xin Covid-19 sẽ đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ các hãng hàng không và các cơ quan quản lý an toàn. Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã xếp đá khô vào danh sách những sản phẩm nguy hiểm bởi nó chuyển hóa thành dạng khí dưới áp suất thông thường. Các nhà vận chuyển phải sử dụng thùng chứa thông gió để khí thoát ra ngoài, ngăn áp suất tích tụ và làm hỏng hàng hóa. Ngoài ra, theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), khí này cũng có thể chiếm chỗ ôxy trong những không gian chật chội không được thông khí tốt, dẫn đến nguy cơ gây ngạt. n
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-12
Nhật Bản đầu tư mạnh cho khâu bảo quản
Bộ Y tế Nhật Bản hôm 10-12 thông báo quốc gia của họ sẽ mua 10.500 tủ đông lạnh sâu để bảo quản vắc-xin Covid-19 và đang cân nhắc mua đá khô số lượng lớn phục vụ kế hoạch tiêm chủng đại trà. Theo Reuters, Nhật Bản đã đặt mua 290 triệu liều vắc-xin của Pfizer-BioNTech, Moderna và Công ty AstraZeneca (Anh), đủ để tiêm phòng cho 145 triệu người.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết hiện vẫn còn quá sớm để biết khi nào Nhật Bản mới có vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, Công ty AstraZeneca thông báo trong số 120 triệu liều phân bổ cho Nhật Bản, 30 triệu liều có thể được phân phối trong quý đầu tiên của năm 2021.