Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán đón 'sóng' nâng hạng
Hàng loạt kế hoạch tăng vốn được các công ty chứng khoán dự kiến thực hiện trong năm 2025 trước kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng. Động thái này nhằm củng cố năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh và sẵn sàng đón nhận cơ hội từ sự phát triển của thị trường.

Hàng loạt công ty chứng khoán đưa ra kế hoạch tăng vốn “khủng”. Ảnh: Dũng Minh
Loạt kế hoạch tăng vốn "khủng"
Để đón sóng nâng hạng đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, hàng loạt công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn khủng, từ đó dự kiến lợi nhuận tăng cao trong năm 2025.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã Ck: SHS) vừa thông báo dự kiến phát hành hơn 894 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo công bố, SHS dự kiến phát hành hơn 894 triệu cổ phiếu qua 3 phương án: Phát hành hơn 40,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5%; phát hành hơn 40,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5%; chào bán hơn 813 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/4/2025. Sau khi hoàn thành các đợt phát hành trên, SHS sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 8.132 tỷ đồng lên hơn 17.076 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công, SHS sẽ lọt Top 3 về quy mô vốn điều lệ trong ngành chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị phần và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ.
Trong tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lên kế hoạch phát hành 77 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thông qua 2 đợt. Đợt 1 sẽ phát hành 24,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, 4,7 triệu cổ phiếu ESOP. Đợt 2 chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của VDSC dự kiến sẽ tăng từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng. Nguồn vốn thu về sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động giao dịch ký quỹ/ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.
Kế hoạch phát hành tăng vốn cũng sẽ được đề cập trong cuộc họp đại hội đồng cổ đồng của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS). Theo đó, FPTS sẽ trình lên phương án phát hành gần 30,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý II - III/2025 và phương án phát hành gần 10 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 2,9%. Tổng lượng cổ phiếu dự kiến phát hành khoảng 40,6 triệu cổ phiếu. Số tiền sau khi phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP được dùng để cho vay giao dịch ký quỹ.
Ngoài những kế hoạch tăng vốn, nhiều công ty chứng khoán cũng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2025. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 tại Đại hội đồng cổ đông. Theo đó, VPS đặt mục tiêu năm 2025 ghi nhận 8.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với thực hiện năm 2024, đồng thời lãi trước và sau thuế lần lượt 3.500 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng, tăng 11%. Nếu hiện thực hóa được các con số này, VPS sẽ có doanh thu cao nhất 4 năm qua và lập kỷ lục mới về lợi nhuận.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap cũng lập kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu dự kiến đạt 4.325 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2024. Lãi trước thuế đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 30%.
Mở rộng năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá việc tăng vốn của các công ty chứng khoán thể hiện xu thế đón đầu cơ hội. Theo ông Phương đã là công ty chứng khoán sẽ có những phân tích chuyên sâu liên quan đến công ty, nhóm ngành được hưởng lợi từ việc nâng hạng, nhu cầu của khách hàng là gì?
Các công ty chứng khoán, không những quan tâm tới nhu cầu khách hàng trong nước còn quan tâm tới nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Đặc biệt, theo quy định tại Thông tư 68/2024/TT-BTC khi xử lý vấn đề không cần ký quỹ trước với nhà đầu tư nước ngoài thì các công ty chứng khoán cũng phải có vốn để ứng cho nhu cầu này, ngoài ra nhà đầu tư trong nước cũng có nhu cầu vay ký quỹ nhiều hơn.
“Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cũng cần vốn cho việc tự doanh, một vài công ty cũng có bộ phận cho mảng tài chính doanh nghiệp là nơi thu xếp vốn cổ phần tư nhân cũng như tư vấn đấu giá, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nếu công ty chứng khoán thấy doanh nghiệp đó tốt. Do vậy họ tăng vốn để đón đầu cho các nghiệp vụ phát triển trong thời gian tới” - ông Phương phân tích.
Còn theo TS. Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, chắc chắn khi quy mô thanh khoản và giá trị giao dịch của thị trường gia tăng nhu cầu vay ký quỹ cũng sẽ tăng cao hơn. Không chỉ các công ty chứng khoán top đầu mà các công ty chứng khoán khác cũng quan tâm tới điều này, đây là xu thế chung, do đó rất nhiều công ty chứng khoán sẽ tiếp cận tăng vốn cũng như mở rộng năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu.
Về triển vọng cổ phiếu nhóm chứng khoán, trong nhận định mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng đây là nhóm hưởng lợi trực tiếp nếu thị trường nâng hạng thành công. Cùng với việc thu hút dòng vốn ngoại, thanh khoản thị trường dự kiến tăng cao. Tâm lý đầu tư cải thiện kéo theo dư nợ cho vay ký quỹ tăng, mở rộng biên lợi nhuận tạo kỳ vọng tăng trưởng cho nhóm ngành chứng khoán.
Thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán
Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây khá tích cực. Việc các công ty chứng khoán đồng loạt tăng vốn và đặt mục tiêu lợi nhuận cao cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước cơ hội nâng hạng thị trường. Đây là tín hiệu tích cực, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.