Cuộc đua trang bị máy bay không người lái tối tân giữa Nga – Ukraine
Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, máy bay không người lái (drone) lại được sử dụng nhiều như ở Ukraine.
Theo hãng tin AP, cả Nga và Ukraine đều đang phụ thuộc rất lớn vào các thiết bị bay không người lái trong việc xác định chính xác của đối phương vị trí và dẫn đường cho các cuộc tấn công pháo binh. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sau nhiều tháng chiến đấu, các phi đội máy bay không người lái của cả hai bên đều đã cạn kiệt. Moskva và Kiev đang chạy đua chế tạo và mua các loại máy bay không người lái tiên tiến, có khả năng chống nhiễu, giúp mang lại lợi thế quyết định trên chiến trường.
Động thái này đã được phản ánh qua tiết lộ của Nhà Trắng hôm 11/7 cho rằng Iran đang chuẩn bị gửi hàng trăm chiếc máy bay không người lái cho Moskva. Ông Samuel Bendett, nhà phân tích của tổ chức tư vấn quân sự CNA nói: “Lực lượng máy bay không người lái của Nga có thể vẫn còn khả năng chiến đấu nhưng đã cạn kiệt”. Trong khi đó, Ukraine cũng muốn sử dụng các phương tiện bay này để tấn công các sở chỉ huy và trạm kiểm soát của Nga từ khoảng cách đáng kể.
Không chỉ muốn sở hữu những mẫu máy bay không người lái tối tân nhất, nhu cầu về máy bay cũ của cả hai quốc gia hiện cũng rất lớn. Nga và Ukraine đã nỗ lực sửa chữa những chếc máy bay không người lái nghiệp dư thành phương tiện có khả năng chống nhiễu tốt hơn.
Ông Yuri Shchygol, quan chức cấp cao của Ukraine nói với các phóng viên hôm 13/7: “Con số chúng tôi cần là rất lớn”. Ông tiết lộ Ukraine đã lập một chiến dịch gây quỹ mới mang tên “Phi đội máy bay không người lái”. Ông cho biết ban đầu, Ukraine chỉ tìm mua 200 chiếc máy bay không người lái theo tiêu chuẩn NATO, nhưng nước này đang yêu cầu số lượng nhiều hơn gấp 10 lần.
Các binh sĩ thừa nhận Ukraine không có máy bay không người lái cấp quân sự cần thiết để đối phó với hệ thống gây nhiễu điều khiển bằng sóng vô tuyến của Nga. Các mẫu máy bay dân sự của nước này hầu hết đều bị phát hiện và đánh bại một cách tương đối dễ dàng. So với những tháng đầu xung đột, ông Bendett cho biết hiện ít thấy bằng chứng về việc máy bay không người lái của Nga bị bắn hạ. Ông nhận định: “Phía Ukraine đang đuối sức hơn”.
Trong khi đó, “người hùng” của Ukraine trong những tuần đầu chiến sự là Bayraktar TB-2 (UAV sát thủ ném bom được trang bị vũ khí dẫn đường bằng laser do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất) đã trở nên kém hiệu quả hơn khi đối mặt với hệ thống phòng thủ dày đặc của Nga ở chiến trường miền đông.
Lãnh đạo đơn vị trinh sát trên không giấu tên của Ukraine gần đây bình luận: “Nga đang ở vị thế tốt hơn nhiều vì họ sử dụng máy bay không người lái tầm xa, được chế tạo có khả năng né các hệ thống phòng thủ điện tử”.
Trên mặt đất, các đơn vị tác chiến điện tử phong phú hơn của Nga có thể cắt đứt liên lạc của phi công, làm gián đoạn đường truyền video trực tiếp, bắn hạ phương tiện, hoặc nếu có công nghệ điều khiển buộc đối thủ phải rút lui.
Do đó, Ukraine rất mong muốn sở hữu những mẫu drone tiên tiến có thể sóng sót trước các hệ thống gây nhiễu sóng vô tuyến, gây nhiễu GPS, dựa vào liên lạc vệ tinh và các công nghệ khác để điều hướng. Ông Maksym Muzyka - người sáng lập UA Dynamics, hãng sản xuất máy bay không người lái của Ukraine - cho biết nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine là máy bay không người lái có thể giúp pháo binh tầm xa của phương Tây tấn công các mục tiêu ở xa.
Vào giữa tháng 6, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã liệt kê nhiều loại vũ khí mà Ukraine cần có để đối phó với đà tiến công của Nga. Vị quan chức này tiết lộ Kiev cần 1.000 máy bay không người lái nếu muốn chấm dứt chiến tranh.
Theo giới chuyên gia, nguồn cung máy bay không người lái quân sự tầm xa của Nga vượt trội hơn Ukraine. Tuy nhiên, nguồn cung của Điện Kremlin cũng đang giảm dần. Quân đội Nga đang sử dụng rất nhiều máy bay quadcopter (drone 4 động cơ) - có giá 2.000 USD – trong chiến dịch quân sự này.
Vào tháng trước, Phó thủ tướng phụ trách phát triển quân sự của Nga - Yury Borisov - cho biết quá trình phát triển máy bay không người lái trước xung đột không mạnh mẽ. Ông tiết lộ Nga đang đẩy mạnh sản xuất nhiều loại drone mặc dù không thể thực hiện ngay lập tức.
Mỹ và các đồng minh phương Tây khác đã chuyển giao hàng trăm chiếc máy bay không người lái cho Ukraine. Trong đó, Kiev đã nhận được số lượng không xác định thiết bị bay cảm tử Switchblade 600 mang đầu đạn chống tăng. Chúng có thể bay với tốc độ 112km/giờ và sử dụng trí thông minh nhân tạo để theo dõi mục tiêu. Nhưng phạm vi của loại drone này có giới hạn và chúng chỉ có thể hoạt động trên cao khoảng 40 phút.
Theo giới chuyên gia, Ukraine có khả năng cao tiếp cận các kho đạn dược và các sở chỉ huy của Nga nhờ máy bay không người lái quân sự tiên tiến mang tên Phoenix Ghosts do Mỹ viện trợ hồi tháng 5. Thông số kỹ thuật của loại máy bay này vẫn là điều bí ẩn, nhưng loại drone này có thể bay trong 6 giờ, phá hủy các phương tiện bọc thép và có camera hồng ngoại để tiến hành các nhiệm vụ ban đêm.
Ukraine cũng sở hữu nhiều loại máy bay không người lái khác, có khả năng trinh sát và phát hiện pháo binh, bao gồm Furia do nước này tự chế tạo, mỗi chiếc có giá 25.000 USD.
Ông Artem Vyunnyk - Giám đốc điều hành của Athlon Avia, nhà sản xuất Furia - cho biết 70% trong số khoảng 200 chiếc Furias mà Ukraine đã mua từ năm 2014 đã bị bắn hạ. Ông nói rằng nhà sản xuất đang tiếp tục phát triển loại máy bay này tại một nhà máy mới, nhưng điều đó cũng không thể lấp đầy kho drone của Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine không trả lời câu hỏi nước này đã yêu cầu đồng minh viện trợ những loại máy bay không người lái nào. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jessica Maxwell cũng từ chối bình luận về các yêu cầu sử dụng máy bay không người lái của Ukraine.
Tuy nhiên, hôm 13/7, ông Shchygol, Giám đốc Cơ quan liên lạc đặc biệt của Ukraine, đã nói rõ rằng nước này ưu tiên loại drone cảm tử Switchblade và các mẫu máy bay không người lái có khả năng sống sót trước hệ thống tác chiến điện tử dày đặc của Nga.
Có thể thấy rằng máy bay không người lái đã trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến tranh hiện đại - bao gồm cả trong cuộc nội chiến Syria và cuộc chiến khốc liệt vào năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan về khu vực tranh chấp Nagorno-Karbakh.
Ông Thorsten Chmielus, Giám đốc điều hành của Công ty Aaronia (Đức), công ty hỗ trợ công nghệ cho Ukraine, bình luận: “Các quốc gia đều muốn sở hữu những chiếc máy bay không người lái đặc biệt không thể bị tiêu diệt”. Điều này nhanh chóng tạo ra cơn ác mộng khi mọi quốc gia sẽ sở hữu hàng triệu máy bay không người lái không thể bị đánh bại.