Cuộc đua trong 'mê cung'

Ngày thứ hai thi đấu nội dung Vùng tai nạn của Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Miếu Môn) diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn, căng thẳng và đầy kịch tính. Khán giả cổ vũ nồng nhiệt cho các đội trong tình hữu nghị hiếm thấy, đặc biệt khi mỗi đội đến phá vật cản trong 'mê cung'. Tại đây, sự cạnh tranh từng giây, từng phút diễn ra rất quyết liệt, nhiều cảm xúc. Đó là một cuộc đua mang ý nghĩa vì hòa bình thực sự.

7 giờ 15 phút ngày 1-8, chúng tôi có mặt tại thao trường cuộc thi Vùng tai nạn. Lúc này mặt trời đã lên cao, nắng bắt đầu ngột ngạt, đội ngũ trọng tài gần 30 người với áo phản quang màu xanh sáng khoác ngoài cùng băng đỏ trên cánh tay phải rất đặc trưng cũng đã có mặt ở các vị trí làm nhiệm vụ. Tại bãi vật cản, thành viên Đội tuyển Việt Nam 1 và Lào đang làm công tác chuẩn bị cho cuộc đua đầu tiên. Dù giành chiến thắng trước đội tuyển Nga và bỏ qua đội Lào khá xa trong chặng vượt chướng ngại vật đặc biệt nhưng họ vẫn không hề chủ quan. Họ kiểm tra tỉ mỉ đường chạy, sự chắc chắn của các loại vật cản, gập lại nhà bạt... Vận động viên (VĐV) Lê Quốc Hưng của Đội Việt Nam 1 sẽ xuất phát đầu tiên. Anh bỏ ít phút giới thiệu phần thi tiếp sức với tôi cho dù trong lòng có đôi chút cấn cá vì thời gian thi đấu đang đến gần.

 Thành viên đội tuyển Việt Nam 1 phá vật cản cuối cùng trong "mê cung".

Thành viên đội tuyển Việt Nam 1 phá vật cản cuối cùng trong "mê cung".

Hưng kể, sau khi có hiệu lệnh, VĐV đeo mặt nạ phòng độc và chạy vượt qua dải tấn công: Hào nước, tường lưới, hàng rào gỗ, hàng rào dây, hàng rào gốc cây, vượt cửa sổ tòa nhà đổ, giao thông hào... Khi hết dải vật cản này, một vận động viên khác tiếp sức để vượt qua dải gồm nhiều loại, trong đó đáng chú ý nhất là phải leo lên tầng 4 tòa nhà để giật pháo hiệu rồi “bàn giao” nhiệm vụ cho 2 vận động viên khác. Họ sẽ mặc đồ phòng độc kín mít, đeo mặt nạ và cắt cửa sắt bằng máy rồi bàn giao cho 3 VĐV khác. Các VĐV này cũng mặc đồ phòng hóa và phải dò đủ 3 mảnh kim loại trong bãi do đội khác chôn từ trước rồi chuyển sang dựng nhà bạt tiểu đội bằng bơm hơi. Sau khi xong thì bàn giao cho 2 VĐV để vượt cụm vật cản có tên gọi “mê cung”.

Thực chất đó là một cái hộp sắt có kích thước 80x80cm, dài 30-40m và tích hợp rất nhiều các vật cản, như khóa, tấm sắt bịt vòng, bịt dọc, giải cứu người bị nạn, cắt gỗ, panh vật nặng mở lối. Sau khi kết thúc phần thi trong “mê cung”, 2 VĐV phải cơ động đi bắn súng, tiêu diệt 8 mục tiêu (4 bia số 6 và 4 đĩa) ở cự ly 25m, sau đó lái xe tải vượt qua các chướng ngại vật như hào nước, đèo cao, đường mấp mô xóc đến...lộn ruột rồi mới về đích.

 Vận động viên đội tuyển Nga kiểm tra các vật cản trong "mê cung" trước khi thi đấu.

Vận động viên đội tuyển Nga kiểm tra các vật cản trong "mê cung" trước khi thi đấu.

7 giờ 53 phút, sau tiếng súng lệnh, VĐV của Lào và Việt Nam 1 đeo mặt nạ phòng độc và lao đi như tên bắn. Hai VĐV bám đuổi nhau chỉ cách một bước chân. Khi VĐV tiếp sức lần hai của đội Việt Nam 1 giật pháo hiệu trên nhà 4 tầng và tụt xuống thì VĐV của đội Lào cũng bắt đầu leo lên. Đội Lào chỉ bị kém đội Việt Nam 1 ở phần dựng nhà bạt tiểu đội. 2 VĐV của Việt Nam 1 mất khoảng 6 phút mới phá được các vật cản ở “mê cung” trong khi đội Lào mất tới gần 8 phút. Khi VĐV Việt Nam chuyển sang thi bắn thì 2 VĐV của đội Lào cũng bắt đầu tiếp cận “mê cung” trong tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Kết thúc bài thi, Đội tuyển Việt Nam 1 về đích trước Đội tuyển Lào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành tích của các đội sẽ bị cộng thời gian vì có một số lỗi. Tuyển thủ của Đội Việt Nam 1 bắn trượt mất 2 viên.

Cuộc đua quyết liệt tại “mê cung” giữa hai đội Nga và Belarus khiến khán giả hồi hộp nhất. Hai đội bám đuổi nhau từng giây và cuối cùng đội Belarus đã về trước đội Nga. Tại đây, tuy có thân hình to lớn hơn nhưng các VĐV của hai đội Nga và Belarus lại rất thuần thục, khéo léo, nhanh nhẹn khi sử dụng panh bằng thép và phối hợp bơm hơi để phá vật cản. Họ dùng kích hơi để nâng vật cản sau đó tiếp tục dùng panh để đẩy vật cản lên cao 60-70cm rồi chui qua.

Sau khi đội Mali và Đội Việt Nam 2 thi đấu xong với phần thắng nghiêng về đội Việt Nam 2, trong đầu tôi lóe lên một suy nghĩ. Tôi quyết định thử sức mình với “mê cung”. Tôi đẩy chiếc panh nặng hơn 20kg vào trong và chui vào tác nghiệp, thử xem nó khó khăn thế nào. Tôi nghiêng vai, cúi thấp đầu và dùng hết lực ở tay để đẩy chiếc panh nhưng nó cũng chỉ đi được chưa đầy 5cm. Phải mất tới gần 3 phút đầm đìa mồ hôi và mặt đỏ gay gắt như đứng trong lò lửa thì tôi mới đến được vật cản thứ nhất trong “mê cung”, cách nơi khởi đầu không quá 5m. Vào đã khó, chui ra còn khó hơn nhiều lần vì phải lê lùi. Sau một thời gian loay hoay tôi mới thoát khỏi “mê cung” khi trên thao trường đã ngập nắng gay gắt và phía xa, một vài chiến sĩ phục vụ đang làm nhiệm vụ thu dọn thao trường. Giờ đây, tôi mới thấm thía là mình đã dại dột khi trót thử sức lao vào “mê cung”. Sau giấc ngủ trưa, người tôi đau ê ẩm như có ai dùng gậy đánh vào thân thể mình mà phải gồng lên quá sức để chống đỡ.

Cũng từ đây tôi vui và càng cảm phục sự thuần thục, nhanh nhẹn, chuyên nghiệp của những người lính, các tuyển thủ khi tác nghiệp trong “mê cung” cả lúc tập và lúc họ thi đấu. Bởi trong cái “mê cung” toàn sắt thép chật hẹp ấy, dường như các vận động viên của đội tuyển: Nga, Belarus, Lào, Mali, Việt Nam 1 và Việt Nam 2 có những điểm chung tương đồng. Đó là họ đã lấy hết sức bình sinh và trổ hết kỹ năng để khắc phục vật cản, cứu người, mở đường về đích nhanh nhất. Có lẽ, hành động của các VĐV được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả đã chứng minh cho tình bạn, tình hữu nghị và khát khao chiến thắng, khát khao hòa bình của các dân tộc.

Đến đây, tôi thấm thía với câu nói của Văn nạ Xay, VĐV đội tuyển Lào sau khi cùng đồng đội hoàn thành phần thi: “Thanh niên mà, phải khỏe chứ, khỏe để cống hiến cho dân tộc, đất nước, cho bạn bè”. Phải chăng, thời thanh niên sôi nổi của mỗi người ý nghĩa khi cống hiến hết mình. Và phải chăng, sự cống hiến ấy mới chính là sợi dây liên kết bền chặt của tình hữu nghị. “Mê cung” - sản phẩm của Army Games dù khó khăn, phức tạp đến mấy nhưng cũng chỉ là một bài toán nhỏ để vun đắp tình hữu nghị và hòa bình mà thôi.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/army-games-2021-viet-nam/cuoc-dua-trong-me-cung-670149