Cuộc đua vắc xin COVID -19 của các 'ông lớn'
Cuộc đua sản xuất COVID-19 hiện đang bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá. Các 'ông lớn' trong lĩnh vực dược phẩm trên thế giới đang dốc sức trên chặng nước rút này. Nhiều hãng dược đã ghi nhận những thành công bước đầu, bên cạnh một số thử nghiệm vẫn còn đang được tiếp tục.
Cuộc đua “song mã”
Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả nặng nề trên toàn thế giới, hai “ông lớn” trong ngành dược quốc tế là hãng dược Pfizer và Moderna đã sản xuất thành công vắc xin phòng COVID-19. Hãng dược Pfizer cùng với hãng BioNTech đã công bố vắc xin ngừa COVID-19 do họ phát triển đạt hiệu quả 90%. Tiếp đó, hãng dược Moderna cũng thông báo vaccine mRNA-1273 ngừa COVID-19 của họ cho hiệu quả cao hơn: đạt 94,5%. Các vắc xin này đang trong các đánh giá ban đầu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Vắc xin là những chế phẩm sinh học (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh, thậm chí là một đoạn DNA hay RNA) được dùng đưa vào cơ thể nhằm tạo ra những kháng thể đặc hiệu, để khi nhiễm mầm bệnh thật, cơ thể có kháng thể tiêu diệt mầm bệnh.
Vắc xin phòng chống COVID-19 của Pfizer và Moderna là vắc xin RNA. Vắc xin này không dùng virus SARS-CoV-2 còn sống làm cho bất hoạt hoặc làm suy yếu, mà dùng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA. Cụ thể, mRNA truyền thông tin di truyền từ DNA đến ribôxôm để tổng hợp protein của virus; khi tiếp xúc, sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng. Với SARS-CoV-2, người ta chỉ cần tạo bản sao mRNA rồi đưa vào cơ thể người. Mẫu mRNA sẽ “ra lệnh” cho tế bào cơ thể sản sinh protein hình gai thuộc vỏ của SARS-CoV-2, đồng thời sản sinh kháng thể tiêu diệt các protein này, nhờ đó tạo được sự miễn dịch với SARS-CoV-2.
Những tín hiệu lạc quan
Tiếp theo hai hãng dược phẩm kể trên, hãng dược phẩm thứ ba là AstraZeneca đã có những công bố liên quan đến sản phẩm vắc xin ngừa COVID-19, do hãng cùng Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Theo đó, AstraZeneca đã công bố dữ liệu tạm thời về giai đoạn thử nghiệm thứ 3 cho vắc xin ngừa COVID-19 của hãng, tiết lộ rằng loại thuốc này có hiệu quả trung bình là 70%. Đó là công bố đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó một thời gian ngắn, hãng dược AstraZeneca công bố lần thứ hai, cho biết vắc xin của họ có thể đạt tới 90% hiệu quả.
3 TRIỆU LIỀU VẮC XIN COVID-19 CỦA PFIZER VÀ BIONTECH ĐÃ ĐƯỢC PHÂN PHỐI Ở MỸ
Đối tượng được tiêm đầu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi ở viện dưỡng lão. Mỗi người sẽ được tiêm 2 liều. Ngoài vắc xin của Pfizer và BioNTech, ngày 17/12, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ xem xét cấp phép, đưa vắc xin của hãng dược Moderna vào sử dụng.
Dự kiến vào cuối tháng 3/2021, Mỹ sẽ hoàn tất mục tiêu tiêm vắc xin cho hơn 100 triệu người, tương đương 1/3 dân số trên thế giới.
(Nguồn: FDA)
Theo thông tin từ các nghiên cứu, vắc xin của AstraZeneca có cơ chế khác với công nghệ mRNA của Pfizer - BioNTech và Moderna. AstraZeneca dùng mẫu protein là các gai của SARS-CoV-2 đưa vào vi sinh vật vô hại là virus cảm lạnh thông thường ở loài tinh tinh, làm virus sinh sôi nảy nở. Đó là quá trình “tái tổ hợp” giúp có lượng lớn kháng nguyên, tạo thành kháng thể đủ để tiêm chủng cho nhiều người.
Các nhà khoa học của AstraZeneca, Đại học Oxford đã giải thích vì sao công bố lần đầu về hiệu quả của vắc xin là 70% và lần sau là 90%.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của AstraZeneca-Oxford gồm 2 nhóm thử nghiệm thử trước và sau.
Nhóm thử trước gồm 8.895 người được tiêm đủ liều cả 2 mũi vaccine, tức tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng. Kết quả cho thấy, hiệu quả của vaccine đạt 70% khi tiêm đủ 2 liều.
Thử nghiệm lâm sàng 2.741 người được tiêm 1/2 liều vaccine trong mũi đầu tiên, sau đó là mũi thứ 2 đủ liều, cách sau 1 tháng. Thật kỳ lạ, kết quả cho thấy vaccine đã đạt hiệu quả 90%.
Như vậy, vắc xin của hãng AstraZeneca đạt hiệu quả 90%, bao gồm dùng trước nửa liều và sau đó dùng một liều đầy đủ, cách nhau ít nhất 1 tháng. Hiệu quả giảm xuống còn 70% khi tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng.
Các nhà nghiên cho biết, tác dụng phụ gây ra do vắc xin nhẹ hơn dự kiến, bao gồm mệt mỏi, đau đầu hoặc đau nhức cánh tay. Họ đã kiểm tra và nhận thấy nhờ liều lượng vắc xin đã giảm xuống một nửa. Và không thể giải thích sự khác biệt nổi bật giữa hai phác đồ tiêm vắc xin, nhưng có kế hoạch sẽ nghiên cứu liệu phản ứng miễn dịch trong nhóm gần 3.000 người nói trên có thỏa đáng hay không. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là hai phác đồ khác nhau đã kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau ở những người tình nguyện.
“Có thể là bằng cách tiêm một lượng nhỏ vắc xin để bắt đầu và sau đó là một lượng lớn, đó chính là cách tốt hơn để khởi động hệ miễn dịch và cho kết quả phản ứng miễn dịch hiệu quả nhất”,giáo sư Đại học Oxford Sarah Gilbert ghi nhận.
Giáo sư Andrew Pollard, giám đốc nhóm nghiên cứu vắc xin của Astrazeneca, Đại học Oxford, nói: “Điều chúng tôi không biết vào lúc này liệu sự khác biệt có phải là vấn đề về chất lượng hay số lượng phản ứng miễn dịch. Đó là vấn đề mà chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới”.
Nhóm thử nghiệm gần 3.000 người nói trên chỉ là một phần nhỏ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Hãng dược AstraZeneca sẽ phải đưa ra kết quả của hàng chục ngàn tình nguyện viên thử nghiệm nữa, để có thể được chấp thuận lưu hành vắc xin ở Mỹ và những quốc gia có nhu cầu.
Ba đơn vị IVAC, VABIOTECH, NANOGEN là các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam đang đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng. Các đơn vị này đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm. Hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một.
- Học viện Quân y, đơn vị tiến hành thử nghiệm vắc xin COVID-19, thông tin: Vắc xin Nano covax là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ. Kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn. Khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia trên thế giới đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuoc-dua-vac-xin-covid-19-cua-cac-ong-lon-n185215.html