Cuộc đua vào lớp 6 trường điểm: Nóng hơn tuyển sinh đại học
Có thể nói, cuộc đua vào lớp 6 tại các trường 'hot' ở Hà Nội đang nóng từng ngày. Nhiều bậc phụ huynh ngoài việc cùng con 'săn' thành tích tại các cuộc thi suốt năm qua, thì nay lại tức tốc tìm lớp, giáo viên, gia sư cho con học thêm để mong 'chắc một suất' vào trường điểm.
Các trường “top” đã công bố kế hoạch tuyển sinh
Theo phương án tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 do UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt, các trường THCS tuyển sinh lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu (trường chất lượng cao, trường công lập tự chủ, trường ngoài công lập), có thể tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển hoặc làm bài kiểm tra đánh giá năng lực.
Các trường THCS báo cáo Phòng GDĐT phương án tuyển sinh trình UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt. Các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra, đánh giá năng lực (nếu có). Đối với các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo đề án thí điểm đào tạo song bằng thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực.
Năm nay, Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 6 khoảng 130.633 em. Trong sự nóng lòng chờ đợi của các bậc phụ huynh, những ngày qua một số trường “hot” trong top THCS - THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THCS Thanh Xuân, THCS Cầu Giấy, THCS Nam Từ Liêm, THCS - THPT Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội)… bắt đầu công bố kế hoạch tuyển sinh.
Trong đó, năm học 2021 - 2022, Trường Lương Thế Vinh sẽ áp dụng phương thức xét tuyển học bạ và kiểm tra, đánh giá năng lực 3 bài thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tuyển sinh lớp 6. Học sinh vẫn sẽ trải qua 2 vòng loại gồm xét tuyển hồ sơ, học bạ và kiểm tra đánh giá năng lực các môn kể trên. Khoảng giữa tháng 6/2021, nhà trường sẽ công bố phương thức tuyển sinh và cho phụ huynh đăng ký hồ sơ trực tuyến.
Phụ huynh căng sức lo cho con
Năm ngoái, tỉ lệ “chọi” của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) khá cao, trường chỉ có 240 chỉ tiêu nhưng có tới gần 4.000 thí sinh dự thi. Vì vậy, thời điểm này những phụ huynh có ý định nộp hồ sơ vào trường cũng khá căng thẳng.
Trong thời gian chờ đợi, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là chạy maraton cùng con. “Tôi gần như giao hết việc buôn bán cho ông xã để đồng hành với con ngay từ khi con bước vào lớp 5. Còn những ngày này, ngoài hai buổi đến lớp, một tuần cháu phải học thêm 4 buổi để luyện Toán, Anh, Tiếng Việt. Đưa đón, bồi bổ sức khỏe cho cháu thế nào tôi đã phải lên kế hoạch cụ thể” - chị Thu Trang, nhà ở phố Hàng Đào chia sẻ.
Để chắc có một suất vào lớp 6 tại các trường hot, nhiều người còn “rải” hồ sơ tới 3,4 trường. Còn trên diễn đàn giáo dục, phụ huynh liên tục “share” cho nhau các đề thi vào trường chuyên, chất lượng cao, tư thục. Nhiều người thông tin cho nhau về các lớp học “chất lượng cao”, “thầy cô dạy trường điểm” hay “chỗ này năm nào cũng luyện thi vào lớp 6, tỉ lệ đỗ cao lắm các mẹ ạ”.
Có thể thấy rất nhiều ông bố, bà mẹ đang chạy maraton để lo cho một suất vào trường điểm. Cuộc chạy đua của họ khiến bọn trẻ mệt nhoài vì ngoài 2 buổi học chính là học thêm, học thêm và học thêm. Không chỉ phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 6, mà nhiều người có con học lớp 2, lớp 3 đã bắt đầu tìm cho con học, ôn thi vào trường chuyên, trường chất lượng cao.
Từ năm 2019 trở về trước, Bộ GDĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6 nhằm ngăn chặn dạy thêm, học thêm. Nhưng việc xét tuyển Bộ đưa ra lại dẫn đến bất cập, phụ huynh chạy đua tìm kiếm giải thưởng phụ hay “làm đẹp học bạ” để con được ưu tiên trong xét tuyển. Nhiều thầy cô cho biết, cầm những quyển học bạ chói lọi các điểm 10 mà choáng.
Trước thực trạng này, Bộ GDĐT đã cho phép các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, nếu cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu, thì được phép tổ chức thi đánh giá năng lực trong kỳ tuyển sinh lớp 6. Việc thi tuyển, đánh giá năng lực giúp sàng lọc học sinh, các trường dễ tuyển sinh, nhưng lại khiến tình trạng dạy thêm học thêm bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, ở góc độ nhà trường, bà Văn Liên Na- Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, cho biết, năm nào cũng chứng kiến học sinh ngược xuôi luyện thi vô cùng áp lực. “Thực tế các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, có kỹ năng làm bài và biết vận dụng, suy luận để giải quyết, chứ đề không đánh đố hay yêu cầu khó đến mức học sinh phải luyện thi”- bà Na nói.
Một số ý kiến thầy cô cũng cho rằng, phụ huynh có con chuẩn bị thi áp lực là điều dễ hiểu. Tuy nhiên áp lực đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bọn trẻ. Trong khi việc nên làm là nắm rõ khả năng học tập, những mong muốn của con em mình để tránh tình trạng đặt mục tiêu quá sức với các em.