Cuộc gặp cấp cao Thể thức Normandy về Ukraine: Mới liệu có khác?

Không phải hội nghị cấp cao thường niên của NATO ở London với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 12 tới mà chính cuộc gặp cấp cao của cái gọi là Thể thức Normandy dự định tổ chức ở Paris (Pháp) mới thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận thế giới lúc này. Báo Thế giới & Việt Nam phân tích.

Sự tham dự của ông Zelensky chỉ là một trong nhiều cái mới ở cấp cao Thể thức Normandy so với lần trước. (Nguồn: Gettyimages)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Paris tiến hành cuộc gặp cấp cao mới của khuôn khổ diễn đàn này sau 3 năm cấp này của diễn đàn ngưng trệ hoạt động. Hiện tại, đây là khuôn khổ diễn dàn duy nhất trên thế giới được cho là có đủ khả năng thực tế để giải quyết được ổn thỏa mọi vấn đề ở Ukraine cũng như liên quan đến Ukraine.

Những cái mới của thể thức Normandy 2019

Một cuộc gặp cấp cao mới trong khuôn khổ diễn đàn này vì thế khơi dậy kỳ vọng và mong đợi về việc có được những tiến triển thực chất mới trong tiến trình tìm kiếm giải pháp dứt điểm và lâu bền cho tất cả những vấn đề nói trên. Nó còn được đặc biệt chú ý đến vì ở đó sẽ là lần đầu tiên ông Putin và ông Zelensky ngồi vào cùng bàn với nhau và biết đâu đấy, rất có thể họ còn gặp riêng nhau.

Sự tham dự của ông Zelensky chỉ là một trong nhiều cái mới ở cuộc gặp cấp cao này so với lần trước. Thể thức Normandy được thành lập năm 2014 theo ý tưởng của Tổng thống Pháp khi ấy là Francois Hollande và bà Merkel. Năm ấy, Pháp và một số nước kỷ niệm 70 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp để mở mặt trận mới trong chiến tranh với quân đội phát xít Đức. Tổng thống Ukraine khi ấy là Petro Poroshenko được mời làm khách trên danh nghĩa nhưng trong thực chất để cùng tiến hành cuộc gặp nhau với ông Hollande, bà Merkel và ông Putin.

Từ sau cuộc gặp cấp cao ở Berlin (Đức) năm 2016, khuôn khổ diễn đàn này bị ngưng trệ hoạt động ở cấp cao nhất vì ông Putin từ chối gặp ông Poroshenko. Quan điểm thái độ này của ông Putin không có gì là khó hiểu khi ông Poroshenko gia tăng mức độ thù địch Nga trong quan điểm và chính sách cầm quyền của mình.

Cho nên cái mới ở sự kiện lần này so với lần cuối cùng trước đó là có một nửa thành viên mới. Ông Poroshenko thất cử ở Ukraine và ông Hollande kết thúc nhiệm kỳ trị vì nước Pháp. Cái mới ở đây còn là bà Merkel đã đi vào buổi xế chiều của quyền lực ở Đức trong khi ông Putin lại tăng cường được vị thế cho nước Nga và ảnh hưởng cho chính mình trên thế giới chứ không chỉ có ở châu Âu.

Cái mới so với lần trước là ông Zelensky khác biệt cơ bản, nếu như không muốn nói là hoàn toàn, so với người tiền nhiệm trong cách tiếp cận về giải pháp cho vấn đề Ukraine và quan hệ của Ukraine với Nga. Người này không dùng chuyện nội chiến và ly khai ở Ukraine để thù địch với Nga mà chủ trương xử lý ổn thỏa mối quan hệ của Ukraine với Nga để chấm dứt tình trạng nội chiến và ly khai ở Ukraine.

Mắt xích quan trọng và quyết định nhất trong chiến lược và sách lược này của ông Zelensky là gây dựng nên mối quan hệ và kênh quan hệ trực tiếp với cá nhân ông Putin. Ông Zelensky nhận thức được rằng chỉ sau khi gặp được ông Putin tại một sự kiện đa phương nào đấy thì rồi mới mở ra được kênh quan hệ tay đôi trực tiếp với ông Putin. Thể thức Normandy được người này nhằm đến vì thích hợp hơn cả.

Thật ra, ông Zelensky muốn lôi kéo cả Mỹ và Anh vào cuộc, nhưng rồi đã nhanh chóng từ bỏ ý định này vì nước Anh đắm chìm trong chuyện ra khỏi EU nên hiện đâu có tâm trạng nào để quan tâm tới Ukraine mà dẫu có thì nói cũng đâu có ai nghe. Ông Trump ở Mỹ lại không quan tâm đến Ukraine trên phương diện ưu tiên chính sách của ông Zelensky mà chỉ ở khía cạnh thúc ép ông Zelensky giúp ông Trump hạ bệ các đối thủ chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.

Có nên quá lạc quan về triển vọng?

Cái mới ở lần này so với lần gặp cấp cao trước đấy là ông Zelensky đã đáp ứng cả 2 điều kiện tiên quyết của ông Putin về dành quyền và quy chế tự trị cho các vùng ly khai ở Ukraine và triệt thoái quân đội ra khỏi vùng giao tranh vũ trang với lực lượng ly khai. Cái mới nữa là ông Putin tỏ ra thiện chí với ông Zelensky hơn hẳn so với ông Poroshenko, đã có điện đàm với ông Zelensky, đã thỏa thuận trao trả tù nhân và phía Nga đã thả 3 chiếc tàu chiến của Ukraine.

Câu hỏi được đặt ra là những cái mới này liệu có đưa lại những kết quả khác so với trước hay không. Thiên hạ không nên bi quan nhưng cũng không nên quá lạc quan. Ông Zelensky vẫn còn quá mới đối với ông Putin và phía Nga chắc chắn sẽ còn thực hiện nhiều phép thử nữa trước khi có được đánh giá cuối cùng về tin cậy hay không tin tưởng ông Zelensky. Ông Zelensky lại còn phải chạy đua với thời gian vì cuối tháng 12 này sẽ hết hạn hiệu lực của bộ luật ở Ukraine về dành cho các vùng ly khai quyền và quy chế tự chủ sâu rộng. Tức là trước khi năm 2019 kết thúc, ông Zelensky phải có được bộ luật mới thay thế luật kia hay phải tiến hành bầu cử ở các vùng ly khai bởi chỉ như thế mới duy trì được việc đáp ứng 1 trong 2 điều kiện của ông Putin.

Cho nên nếu mọi chuyện diễn biến thuận lợi thì cuộc gặp cấp cao bốn bên cũng như có thể cả song phương giữa ông Putin và ông Zelensky tới đây sẽ đạt được kết quả đủ nhiều để khác trước nhưng chưa nhiều đủ mức để có thể khác biệt cơ bản so với trước.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-gap-cap-cao-the-thuc-normandy-ve-ukraine-moi-lieu-co-khac-104735.html