Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với D'Argenlieu trên vịnh Hạ Long

Baoquocte.vn. Ngày 24/3/1946 diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp D'Argenlieu trên tuần dương hạm Emile Bertin đậu trên Vịnh Hạ Long. Báo TG&VN trân trọng giới thiệu về cuộc gặp qua Hồi ký của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám (1904-1995).

Cao ủy D’Argenlieu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến hạm Emile Bertin ngày 24/3/1946. Đi phía sau bên phải Bác là ông Hoàng Minh Giám, bên trái là ông Nguyễn Tường Tam.

Cao ủy D’Argenlieu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến hạm Emile Bertin ngày 24/3/1946. Đi phía sau bên phải Bác là ông Hoàng Minh Giám, bên trái là ông Nguyễn Tường Tam.

Sau khi Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 được ký kết, một mong muốn của d’Argenlieu, theo báo cáo của Sainteny, là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác trả lời Sainteny:

- Tôi sẵn sàng tiếp ông Thủy quân đô đốc.

Sainteny nói:

- Thưa Chủ tịch, có một điều trở ngại.

- Trở ngại gì vậy?

- Ông đô đốc nghĩ rằng sự có mặt của tướng Lư Hán là một trở ngại. Ông này đang ở Phủ toàn quyền, và quân đội Trung Quốc chưa rút về nước. Nếu ông d’Argenlieu được gặp Chủ tịch ở một địa điểm nào khác, thì thuận tiện hơn. Thí dụ ở Vịnh Hạ Long. Ông đô đốc và hạm đội Pháp sẽ từ Sài Gòn đến vịnh đón Chủ tịch, và một thủy phi cơ của Pháp sẽ đưa Chủ tịch đến nơi gặp. Xin Chủ tịch cho biết ý kiến.

Bác đồng ý, và hẹn ngày 24/3/ 1946 sẽ gặp d’Argenlieu trên vịnh Hạ Long.

Đầu buổi chiều hôm đó, một thủy phi cơ đã đón Bác đi vịnh Hạ Long, có Sainteny hộ tống. Đi giúp Bác, có tôi, anh Vũ Đình Huỳnh và Nguyễn Tường Tam.

...Trên chiếc chiến hạm Emile Bertin, trang trí cờ quạt lộng lẫy, đô đốc D’Argenlieu mặc quân phục đại lễ, với đông đảo quan chức văn võ và một đơn vị lính thủy, đã xếp hàng chỉnh tề để đón Bác.

Kèn chào nổi lên hoan nghênh vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

D’Argenlieu giới thiệu các quan khách có mặt. Tôi nhận thấy trong các quan khách đó có một số nhân vật đã gặp trong thời gian thương lượng Hiệp định Sơ bộ mồng 6/3: Pignon, Goron, Torel, Compain… Đa số các nhân vật đó là những công chức thuộc địa Pháp cao cấp (công sứ, thanh tra mật thám…) tập hợp xung quanh D’Argenlieu. Một người trong đám đó, béo phệ, nói tiếng Việt rất thạo, với một giọng hoàn toàn Việt Nam, nhích lại gần tôi, và nói:

- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Cousseau, nguyên công sứ tỉnh Sơn La.

Nghe anh ta nói, tôi có một cảm giác rất khó chịu, ghê tởm, khó tả. Hồi Pháp thuộc, tôi đã nghe nói nhiều về tên Cousseau này, công sứ tỉnh Sơn La, nổi tiếng là một tên đao phủ, đã hành hạ, giết hại bao nhiêu người cách mạng Việt Nam không may rơi vào tay nó, trong nhà tù Sơn La…

Tôi không trả lời nó, làm như không nghe rõ nó nói gì. Vừa lúc đó D’Argenlieu mời Bác tiến tới vài chục bước, để từ trên boong tàu Emile Bertin xem cuộc “diễu binh” trên biển của hạm đội Pháp (gồm năm, sáu chiến hạm) chào mừng Bác. Nhiều loạt đại bác nổ vang trong nhiều phút, rồi các chiến hạm diễu qua, quân lính trên các chiến hạm hô vang: “Hu-ra, Hu-ra, Hu-ra, Hu-ra…” theo nhịp điệu của quân nhạc…

Xong cuộc duyệt binh, D’Argenlieu mời Bác dự một tiệc trà nhẹ, ngắn, với toàn thể quan khách, rồi sau đó mời Bác đến “phòng khách danh dự” để đàm thoại về vấn đề thi hành các điều khoản của Hiệp định sơ bộ 6/3. Dự cuộc họp này, ngoài Bác và D’Argenlieu, chỉ có tôi.

Phát biểu trước, Bác nhắc D’Argenlieu chú ý việc thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản nói về trách nhiệm của hai bên phải đình chỉ ngay chiến sự ở miền Nam Việt Nam, quân đội mỗi bên đóng ở đâu phải ở nguyên đó. Nếu chiến sự tiếp tục như hiện nay, thì tất nhiên không thể tạo nên không khí thuận lợi cho “cuộc đàm phán hữu nghị và chân thành” được nêu lên trong Hiệp định sơ bộ.

D’Argenlieu không đáp lời Bác, không tranh luận, mà đứng dậy, một cách long trọng, xoa tay và nói:

- Thưa ngài Chủ tịch, tôi xin lưu ý Ngài một điều: xin Ngài đừng gọi tôi là “Ông đô đốc”, mà gọi tôi là “Ông Cao ủy”.

Ông ta ngồi xuống, và chờ Bác nói. Tôi sực nhớ rằng từ lúc đặt chân lên chiến hạm Emile Bertin, Bác chưa hề gọi D’Argenlieu là “Ông cao ủy’.

Sau khi D’Argenlieu ngồi xuống, Bác liền nói, một giọng nói và một nét mặt rất bình thản:

- Thưa ông cao ủy, chúng ta tiếp tục nói về việc thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3. Trong Hiệp định đó, đã khẳng định sự cần thiết mở lập tức cuộc đàm phán hữu nghị và chân thật (ouverture immediate des negociations amicales et franches).

D’Argenlieu nói:

- Thưa Ngài Chủ tịch, nước Pháp sẽ nghiêm túc thi hành các điều khoản của Hiệp định sơ bộ. Nhưng hiện nay, Hội nghị nói trên chưa họp được, vì phải chờ cuộc tổng tuyển cử sắp tổ chức ở Pháp để thành lập một chính phủ mới. Vả lại, để giải quyết một số vấn đề rất mới, như vấn đề Liên hiệp Pháp (L’Union Francaise), cần có thời gian nghiên cứu, thảo luận trong Quốc hội Pháp.

...Bác nói:

- Không thể chờ lâu được. Kéo dài thời gian chờ đợi thì rất nguy hiểm. Hiện nay, chiến tranh chưa được chấm dứt ở miền Nam Việt Nam, và không phải không có nguy cơ chiến tranh nổ ra ở miền Bắc. Quân đội Nhật, quân đội Trung Quốc cũng chưa rút … Tình hình có thể trở nên phức tạp, rối ren.

Trong thời gian đàm phán giữa Bác và Sainteny đi đến Hiệp định Sơ bộ 6/3, Bác vẫn cho phép, không những cho phép mà còn khuyến khích tôi phát biểu ý kiến. Bác nói: “Chú cứ mạnh dạn phát biểu, nếu có gì quá mạnh, mình sẽ “uốn nắn”, có người đấm, có người xoa, tất nhiên đừng đấm quá mạnh, quá mức cần thiết”.

Lúc đó, tôi xin phép Bác phát biểu, và tôi nói mấy câu vắn tắt, nhấn mạnh ý: Không nên để cho dư luận trong công chúng Việt Nam mất tin tưởng vào thiện chí của phía Pháp và vào khả năng đi đến một giải pháp hòa bình và hữu nghị.

Cuộc tranh luận kéo dài,

Bác nói:

- Nhân dân chúng tôi rất có kỷ luật, nhưng hiện nay tình hình trong dư luận ngày càng căng thẳng. Cần có những hành động thiết thực cụ thể, để tránh một sự bùng nổ.

D’Argenlieu suy nghĩ, rồi nói:

- Trong khi chờ đợi nước Pháp có một quốc hội và một chính phủ mới, chúng tôi đề nghị tổ chức một hội nghị trù bị cho hội nghị chính thức.

Để tránh một sự bế tắc, Bác đồng ý với D’Argenlieu. Và sau khi trao đổi ý kiến, hai bên đi đến quyết định: một hội nghị trù bị Việt-Pháp sẽ họp ở Đà Lạt. D’Argenlieu cũng tán thành ý kiến của Bác sẽ cử một đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam đi thăm hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp để tạo không khí thuận lợi cho Hội nghị Việt-Pháp chính thức sẽ họp sau Hội nghị trù bị Đà Lạt.

Cuộc hội đàm kết thúc lúc 17 giờ 30 phút. Lễ tiễn đưa không có bắn súng, không có duyệt hạm đội trên biển như trong lễ đón, nhưng vẫn có đội quân danh dự và đông đủ quan chức văn võ của D’Argenlieu.

D’Argenlieu nói:

- Tôi rất tiếc rằng thủ tục lễ nghi không cho phép chúng tôi mời Chủ tịch ở lại đây đêm nay để ngắm “phong cảnh thần tiên” trên vịnh Hạ Long.

Bác trả lời:

- Tôi cảm ơn Ngài nhiều lắm, nhưng rất tiếc, vì phải trở về Hà Nội ngay.

Pignon lúc đó nói:

- Xin Chủ tịch cho phép tôi trình bày một đề nghị: Chúng tôi rất hân hạnh nếu ông Giám vui lòng ở lại đây với chúng tôi, để sáng mai sẽ cùng nhau trở về Hà Nội.

Bác trả lời, rất vui vẻ:

- Điều này hoàn toàn do ông Giám quyết định. Đề nghị ông Giám trả lời ông Pignon.

Tôi nói:

- Tôi xin cảm ơn Hồ Chủ tịch. Tôi chân thành cảm ơn ông bạn Pignon; nhưng rất tiếc tối nay tôi phải có mặt ở Hà Nội. Rất tiếc.

Chiếc thủy phi cơ chở Bác, Sainteny và chúng tôi về Hà Nội.

Trên đường bay từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long và từ vịnh Hạ Long về Hà Nội, tôi thấy Bác rất chăm chú nhìn xuống những vùng mà chiếc thủy phi cơ bay qua. Trong chuyến bay về, có một lúc Bác quay lại nói rất khẽ với tôi:

- Địa hình này không thuận lợi cho du kích chiến, nhưng có quyết tâm và biết cách đánh thì dù khó khăn thế nào, cũng vượt qua được.

Sau khi D’Argenlieu từ Pháp trở lại Sài Gòn, Hiệp định Sơ bộ Việt Nam - Pháp 6/3/1946 đã được JeanSainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam theo sự chỉ đạo của tướng Lercler, Tổng chỉ huy quân dội viễn chính Pháp ở Đông Dương, ký với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 ngay sau đó cũng được chính phủ Pháp phê duyêt. Mặc dù không thích thú gì, D’Argenlieu buộc phải chấp nhận việc đã rồi và phải đề nghị có cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn thảo việc thực thi Hiệp định và cũng để chứng tỏ ông ta mới là người đại diện cao nhất của nước Pháp ở Đông Dương. Tại cuộc gặp ngày 24/3/1946 trên vịnh Hạ Long này, chi tiết về việc Hồ Chủ tịch chỉ gọi D’Argenlieu là Cao ủy sau khi viên đô đốc đề nghị rất có ý nghĩa về mặt ngoại giao. Không phải nước Pháp muốn cử ai sang làm đại diện ở Việt Nam là Chính phủ ta cũng phải chấp nhận ngay. Bác chỉ đồng ý gọi Đô đốc D’Argenlieu là ông Cao ủy sau khi ông này trịnh trọng đề nghị. (Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-gap-go-dau-tien-giua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-dargenlieu-tren-vinh-ha-long-140155.html