Cuộc giải cứu đội bóng Thái: Phép màu, khoa học, hay là gì?
Bất luận mang tên gọi nào, cuộc giải cứu thần kỳ này chứa những thông điệp lớn hơn nhiều những kinh nghiệm thuần túy chuyên môn về cứu nạn, cứu hộ.
Mọi thứ bắt đầu như một tai ương. Rồi kết thúc bằng một cuộc giải cứu kỳ diệu.
Ngày 10/7, đội ngũ giải cứu quốc tế với các thợ lặn đã hoàn tất việc đưa 12 thành viên của một đội bóng thiếu niên cùng huấn luyện riêng ra khỏi hệ thống hang động Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Một cựu đặc nhiệm Seal thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan, người trở lại để hỗ trợ việc giải cứu, đã thiệt mạng trong chiến dịch. Cái chết của ông, thiệt hại duy nhất về nhân mạng trong toàn bộ sự kiện, là minh chứng cho sự phức tạp và khó khăn của toàn bộ chiến dịch.
Thế giới dõi theo
Không những vậy, cuộc giải cứu đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Vào lúc World Cup đang đến cao trào, sự chú ý của dư luận lại tập trung vào đội bóng thiếu niên với tên gọi có nghĩa là Lợn Rừng (Wild Boars).Những đứa trẻ đã đối mặt và vượt cơn nguy khốn bằng cả sự kiên cường lẫn sức mạnh tinh thần. Mùa mưa về và làm ngập hang động, 12 đứa trẻ và huấn luyện viên bị giam cầm trong hơn 2 tuần (những người được giải cứu cuối cùng đã trải qua tổng cộng 18 ngày trong bóng tối hang động). Phần lớn họ không biết bơi, đừng nói gì việc lặn cùng bình dưỡng khí.
Đội ngũ giải cứu, trong đó có những thợ lặn giỏi bậc nhất thế giới, đã mô tả hệ thống hang động Tham Luang là một trong những thách thức lớn nhất họ từng gặp phải. Thế mà những đứa trẻ đứng trước thách thức phải bơi qua 2 km trong hang động đó, dưới dòng nước đầy bùn và tầm nhìn gần như bằng không.
Truyền thông quốc tế đã chật vật tìm tên gọi cho cuộc giải cứu này. Phép màu, khoa học, hay là gì? Bất luận mang tên gọi nào, cuộc giải cứu thần kỳ này chứa những thông điệp lớn hơn nhiều những kinh nghiệm thuần túy chuyên môn về cứu nạn, cứu hộ.
Không gì là trở ngại khi mạng sống gặp nguy nan
Về phần Thái Lan, đất nước này cuối cùng đã tìm thấy một câu chuyện ấm lòng sau những năm bị bủa vây bởi những bất ổn chính trị, chia rẽ dân tộc và phần nào là bị thế giới cô lập. Trong 12 năm qua, sự chia rẽ đảng phái bên trong đất nước đã kéo theo 2 cuộc đảo chính quân sự, vào năm 2006 và 2014. Những chính phủ dân cử bị lật đổ và chính quyền quân sự đã 5 lần trì hoãn việc trao trả quyền lực cho giới dân sự. Thủ tướng của chính quyền quân sự, tướng Prayuth Chan-o-cha, đã hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 2/2019; nhưng có vẻ cuộc bầu cử sẽ một lần nữa bị lùi lại.Trong khi đó, chính quyền quân sự hầu như bất lực trong việc hàn gắn chia rẽ trong xã hội. Chỉ số Gini, biểu thị độ bất bình đẳng trong xã hội, đã tăng vọt dưới thời chính quyền quân sự khi giới chức tiếp tục đầu tư hạ tầng cho Bangkok và một vài khu vực thành thị mà bỏ quên người dân ở nông thôn. Chính quyền cũng đẩy mạnh sử dụng hệ thống tuyên truyền đàn áp và sử dụng công cụ pháp luật để dẹp đi những tiếng nói đối kháng. Trong vài năm qua, hơn 100 người đã bị bắt vì vi phạm Điều 112 Luật Hình sự, vốn nghiêm cấm việc chỉ trích hoàng gia.
Thành tích điều hành kinh tế của chính quyền quân sự cũng tệ không kém. Dù kinh tế vẫn tăng trưởng khoảng 3%/năm, điều này hầu hết dựa vào khối ngành du lịch, vốn luôn ổn định bất chấp các biến động. Thế nhưng, Thái Lan lại không được chuẩn bị để tiến lên trở thành một nền kinh tế có hàm lượng giá trị cao, điều mà họ buộc phải làm trong bối cảnh dân số tăng thấp (hiện nước này có tỷ lệ sinh đẻ thấp thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore).
Chính quyền quân sự ưu tiên cổ súy các “giá trị Thái” như tôn ti và trật tự phong kiến thay vì kỹ năng phân tích, tư duy sáng tạo, khoa học và công nghệ. Nạn tham nhũng, vốn được dùng để biện minh cho các cuộc đảo chính quân sự, tiếp tục hoành hành dưới thời chính quyền quân sự.
Cuộc giải cứu cũng xảy ra vào thời điểm mà chính quyền quân sự Thái Lan hầu như đã bị cô lập về ngoại giao. Thủ tướng Prayuth cố gắng công du nước ngoài để củng cố tính chính danh của ông khi đang chuẩn bị tranh cử. Sự xa lánh của cộng đồng quốc tế đối với một chính quyền không phải do dân cử và thiếu tính chính danh đã khiến các nhà lãnh đạo Thái Lan càng thêm bài ngoại và “xù lông” trước áp lực quốc tế.
Thế nhưng, bất chấp những rạn nứt nội tại và bất đồng với thế giới bên ngoài, việc Thái Lan cho phép đội ngũ các chuyên gia quốc tế dẫn đầu chiến dịch giải cứu là một thay đổi quan trọng.
Có 90 thợ lặn tham gia giải cứu, gồm 50 người đến từ 18 quốc gia khác. Trước đó, người phát hiện vị trí các cậu bé mắc kẹt là nhóm các thợ lặn Anh. Sau đó, đến lượt một bác sĩ người Australia vào hang chăm sóc các cậu bé và huấn luyện viên. Thợ lặn Mỹ cũng góp công trong cuộc giải cứu. Điều này hoàn toàn hợp lý vì một cuộc giải cứu như vậy luôn đòi hỏi đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp, đủ kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ và nắm vững công nghệ. Đây là một đòi hỏi cần phải huy động sức mạnh bên ngoài ở mức tối đa.
Nhiệm vụ cứu người cũng được đặt lên hàng đầu. Thủ tướng Prayuth đã hủy bỏ kế hoạch đến hiện trường vào ngày thứ 2 vì quan ngại chuyến đi đó, vốn chỉ mang tính biểu tượng, sẽ làm phân tán, mất tập trung đội ngũ cứu hộ. Trong khi công tác cứu hộ đang diễn ra khẩn trương và căng thẳng, tuyệt nhiên không có lời qua tiếng lại, đổ lỗi cho nhau giữa giới có thẩm quyền.
Từng người dân Thái luôn sẵn lòng đóng góp những gì có thể: Tình nguyện ở hiện trường giải cứu, hỗ trợ báo giới, cầu nguyện ở khắp nơi. Một Thái Lan chia rẽ được hòa hợp, dù chỉ là tạm thời, vì sự an nguy của những con người trong hang. Người cựu đặc nhiệm của Hải quân Thái Lan đã hy sinh trong cuộc giải cứu thật sự là hình mẫu của sự hy sinh thân mình và phụng sự. Và sự xả thân chính là hình ảnh đối lập lại tầng lớp tinh hoa vị kỷ đã và đang bám chặt lấy quyền lực ở Thái Lan.
Cuối cùng thì niềm kiêu hãnh dân tộc không bao giờ có thể là trở ngại khi mạng sống gặp nguy nan. Gạt bỏ mọi bất đồng để kêu gọi sự giúp đỡ hay đặt hết lòng tin vào những người có chuyên môn không bao giờ là việc dễ dàng.