Cuộc hành hương 2.200 dặm của Rahul Gandhi
Rahul Gandhi - cựu lãnh đạo đảng Quốc đại, con trai của cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi và cháu nội của bà cựu Thủ tướng Indira Gandhi, là thế hệ thứ tư trong dòng họ Nehru-Gandhi lãnh đạo đảng này - vừa thực hiện một cuộc đi bộ hành hương dài 2.200 dặm (3.500 km) xuyên Ấn Độ với mong muốn làm mới lại hình ảnh, chấn hưng đảng Quốc đại đang bị lu mờ trước sự sáng chói của đương kim Thủ tướng Narendra Modi và đảng BJP của ông.
Vào ngày thứ 123 của cuộc hành hương, một buổi sáng cực lạnh ở bang Punjab, khi lớp sương buốt giá bao phủ mặt đất, mọi người tụ tập lại; một số cuộn mình trong chăn, số khác tự sưởi ấm bằng những chiếc cốc nước nóng. Nhưng, Rahul Gandhi thì không. Ông chỉ mặc một chiếc áo phông trắng và quần ống rộng, Gandhi bắt đầu lao nhanh về phía trước, bỏ lại những người cùng hành hương đi phía sau. “Tôi nghe nói anh ấy không cảm thấy lạnh”, Raju - một người dân địa phương ngưỡng mộ ông nói khi chạy theo chụp ảnh.
“Yatra”, hay “Bharat Jodo yatra” - tiếng Phạn có nghĩa là “hành hương”, là một cuộc đi bộ xuyên Ấn Độ có từ xa xưa. Ông Rahul Gandhi bắt đầu chuyến hành hương kỳ vĩ của mình từ Kanyakumari ở bang Tamil Nadu, cực Nam Ấn Độ, và đi 2.200 dặm (3.500 km) lên đến dãy Himalaya. Ngày 30/1, ông đã về đích ở thủ phủ Srinagar của bang Kashmir sau 150 ngày đi bộ, bắt đầu từ đầu tháng 9/2022.
Trong số những người tháp tùng ông Rahul Gandhi có ông Karuna Prasad Mishra, một nông dân 91 tuổi, người đã từng thực hiện chuyến hành hương xa xưa cùng với nhà đấu tranh tự do nổi tiếng nhất Ấn Độ Mahatma Gandhi. Với chiếc gậy trong tay, Mishra tự hào khoe về tốc độ 7 dặm/giờ mà ông đã duy trì trong hơn 4 tháng đi bộ với cự ly 15 dặm/ngày. “Tôi đã chứng kiến đất nước mình trải qua nhiều thời kỳ, nhưng không có thời kỳ nào như thế này. Tôi đi bộ với Rahul Gandhi để củng cố tinh thần huynh đệ, hòa hợp và chủ nghĩa thế tục ở Ấn Độ” - ông Mishra nói.
Quốc đại là đảng đã giúp Ấn Độ giành độc lập và thống trị chính trường từ năm 1947. Nhưng, kể từ năm 2014, dưới sự lãnh đạo của ông Rahul Gandhi, đảng này đã trải qua 2 thất bại nặng nề trong bầu cử, khiến cho đảng trở nên lu mờ hẳn trước sự thăng tiến ngày càng mạnh của ông Narendra Modi và nền chính trị dân tộc theo đạo Hindu của đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông.
Rahul Gandhi đã bị BJP và giới truyền thông chế giễu là pappu (một cậu bé) và Rahul Baba, nghĩa là tầng lớp thượng lưu. Ông bị chỉ trích vì là người thuộc tầng lớp ưu tú, thiếu kinh nghiệm và xa cách với những người Ấn Độ bình thường. Ông từ chức Chủ tịch đảng Quốc đại vào năm 2019, nhưng vẫn là gương mặt đại diện và là nhà lãnh đạo trên thực tế của đảng. Tổn thất bầu cử ngày càng gia tăng, tình trạng vô tổ chức cố thủ và sự vỡ mộng trong hàng ngũ đảng đã bày ra trước mắt ông.
Nhưng, khi cuộc đi bộ hành hương bắt đầu, đầu tiên là đến Kerala và sau đó là Karnataka, với tiến độ khoảng 15 dặm một ngày, có điều gì đó đáng chú ý bắt đầu thay đổi. Thông điệp của Rahul Gandhi về yatra - rằng ông đang tuần hành vì sự hòa hợp xã hội, đoàn kết Ấn Độ giáo-Hồi giáo và lên án sự trỗi dậy của chính trị gây chia rẽ và đa số dưới thời ông Modi - bắt đầu thu hút đám đông đi theo.
Ở bang Punjab, nơi đảng Quốc đại đã thất bại nặng nề nhất trong cuộc bầu cử cấp bang cách đây 10 tháng, người dân lũ lượt kéo đến khi đoàn yatra diễu hành qua các ngôi làng và băng qua những cánh đồng lúa mì, mù tạt và mía.
Gandhi càng đi càng mạnh lên, bắt đầu được mọi người nhìn nhận như là một chính khách trưởng thành, đáng tin cậy - đạt được địa vị đạo sư đáng tôn kính đối với một số người. Thông điệp về tình yêu và sự đoàn kết của ông, vào thời điểm mà sự trỗi dậy của chính trị dân tộc chủ nghĩa tôn giáo đã tạo ra những rạn nứt trên khắp đất nước, đã gây được tiếng vang lớn, đặc biệt là trên mạng xã hội. Trong khi đó, bộ râu của ông cũng ngày càng dài hơn, rậm rạp hơn và giống bộ râu của một thánh nhân hơn theo thời gian, đã trở thành chủ đề bàn tán trên toàn quốc, cũng như chiếc áo phông trắng ngắn tay mà ông chọn mặc, ngay cả khi mùa đông lạnh giá bắt đầu.
Trong đảng Quốc đại, yatra không chỉ hồi sinh ban lãnh đạo mà còn toàn bộ cấp bậc của đảng. “Thành thật mà nói, đã có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tổ chức”, Jairam Ramesh, Tổng thư ký đảng Quốc đại, người cùng đi bộ hành hương cho biết. Ông nói thêm: “Trong 30 đến 40 năm qua, chúng tôi đã nhường chiến trường ý tưởng và hệ tư tưởng cho BJP và biến mất khỏi diễn ngôn chính trị. Mọi người không còn biết đảng Quốc đại nói về điều gì. Bây giờ, trong đảng mọi người có ý thức rất lớn về mục đích tập thể. Và, lần đầu tiên sau 10 năm, đảng Quốc đại đang thiết lập câu chuyện ở Ấn Độ”.
Yatra có ý nghĩa lịch sử sâu sắc ở Ấn Độ trong bối cảnh tôn giáo và chính trị, tượng trưng cho sự bền bỉ và hy sinh. Nổi tiếng nhất là yatra của Mahatma Gandhi vào năm 1930, được gọi là cuộc tuần hành muối, khi ông đi bộ hơn 200 dặm để phản đối luật do người Anh áp đặt.
Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của các thành viên đảng Quốc đại rằng yatra sẽ thay đổi vận mệnh của họ - đặc biệt là trước cuộc tổng tuyển cử quan trọng năm 2024 - thì những người khác bên ngoài đảng lại hoài nghi hơn.
Nhà phân tích chính trị Sudha Pai cho biết mặc dù yatra là lần đầu tiên đảng Quốc đại đối đầu trực tiếp với nền chính trị theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của BJP, nhưng sẽ rất khó để khôi phục đảng một cách nhanh chóng. Pai nói, để đối kháng với BJP, đảng Quốc đại cần phải nỗ lực hơn nữa để thành lập liên minh với các đảng đối lập khác mạnh trong khu vực.
Trả lời các câu hỏi của báo chí về những gì ông sẽ làm sau khi hoàn thành yatra, ông Rahul Gandhi nói: “Đi bộ trên khắp đất nước này là một trải nghiệm vô cùng khiêm tốn. Đối với tôi, yatra là một cách suy nghĩ, một cách hành động. Vì vậy, đối với tôi yatra sẽ tiếp tục”.