Cuộc hành quân tử thần ở Philippines trong Thế chiến II

Trong khuôn viên trường tiểu học Balanga ở một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Bataan (Philippines), hiện nay là Bảo tàng Chiến tranh Thế giới thứ hai Bataan, nơi khởi đầu cho một trong những tội ác chiến tranh tồi tệ nhất thế kỷ 20. Và đó cũng là một trong những câu chuyện sống sót vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự Mỹ.

Bảo tàng khá nhỏ, chiếm chưa đến 2 tầng của một tòa nhà, trưng bày về vũ khí của trận chiến Bataan, một số vật dụng cá nhân, tác phẩm nghệ thuật trên tường với những dòng chữ điểm lại dấu mốc của Thế chiến thứ hai cùng cuộc giao tranh ở Philippines. Những hiện vật ít ỏi này không đủ để gợi lên bức tranh tổng thể về sự kiện quân đội Mỹ đầu hàng Nhật Bản vào ngày 9-4-1942. Vài giờ sau cuộc đầu hàng đó, hàng chục nghìn binh sĩ Philippines và Mỹ bắt đầu “Cuộc hành quân tử thần Bataan” - một hành trình dưới cái nóng thiêu đốt với quãng đường dài 105km trong 5 ngày để tới trại tù ở phía Bắc mà không được cung cấp thức ăn, nước uống.

Hàng chục nghìn tù binh Mỹ - Philippines phải trải qua cuộc hành quân tử thần sau khi đầu hàng quân Nhật

Hàng chục nghìn tù binh Mỹ - Philippines phải trải qua cuộc hành quân tử thần sau khi đầu hàng quân Nhật

Quyết định của người Mỹ

Khi các máy bay của Hải quân đế quốc Nhật Bản ném bom Trân Châu cảng tại Hawaii vào ngày 7-12-1941 thì cũng là lúc họ mở các cuộc tấn công vào những vị trí quân sự khác của Mỹ ở Thái Bình Dương, và Philippines là mục tiêu chính. Nằm trong khối thịnh vượng chung (của Mỹ) khi đó, Philippines là nơi đóng quân của khoảng 20.000 lính Mỹ. Khoảng 100.000 người Philippines cũng được Tổng thống Franklin Roosevelt đồng ý cho gia nhập quân đội Mỹ vào năm 1941 và lực lượng tổng hợp này được gọi là Quân đội Mỹ ở Viễn Đông (USAFFE).

Hai tuần sau cuộc không kích đầu tiên (8-12-1941), lính Nhật đã đổ bộ lên đảo Luzon của Philippines. Chỉ trong hơn 3 tháng, họ đã đẩy quân phòng thủ Mỹ - Philippines từ thủ đô phải chạy qua vịnh Manila tới bán đảo Bataan. Kế hoạch của Tướng Douglas MacArthur - Tư lệnh quân đội Mỹ tại Philippines là cầm cự ở phần phía Nam của bán đảo cho đến khi Hải quân Mỹ đưa quân tiếp viện và vật tư đến. Nhưng người Mỹ và người Philippines nhanh chóng hết đạn dược, thuốc men và lương thực. Tướng Edward King - Chỉ huy trưởng quân Mỹ trên bán đảo Bataan đã đi ngược lại mệnh lệnh của cấp trên, yêu cầu quân của mình hạ vũ khí, nhận trách nhiệm cá nhân. Khi đó, Tướng Edward King đã đề nghị sĩ quan Nhật Bản chấp nhận đầu hàng. Đại tá Matoo Nakayama lúc đó đảm bảo rằng, quân Mỹ - Philippines sẽ được đối xử nhân đạo. “Chúng tôi không phải là những kẻ man rợ” - đó là câu trả lời của người Nhật. Tuy nhiên sau đó, Tướng Masaharu Homma - Chỉ huy trưởng quân Nhật Bản trong trận chiến Bataan đã ra lệnh tiến hành cuộc hành quân tử thần. Về sau ông ta đã bị kết án phạm tội ác chiến tranh và bị xử tử năm 1946.

Tướng Edward P. King (thứ hai từ trái sang) thảo luận về các điều khoản đầu hàng ở Bataan với các sĩ quan Nhật Bản vào tháng 4-1942

Tướng Edward P. King (thứ hai từ trái sang) thảo luận về các điều khoản đầu hàng ở Bataan với các sĩ quan Nhật Bản vào tháng 4-1942

Cuộc hành quân chết chóc

Con đường của cuộc hành quân năm xưa giờ đây hai bên là các nhà hàng McDonald’s và Jollibee, các trung tâm thương mại, đại lý ô tô hay cánh đồng, nông trại, các khu nhà ở đang xây dựng. Trên lộ trình này thỉnh thoảng được đánh dấu bằng những cột mốc bê tông trắng bên đường. Ví dụ ở Km24 ghi: “J.B. McBrid và Tillman R. Rutledge đã tham gia Cuộc hành quân tử thần ở Bataan”; hay cột mốc ở Km100 (phía trước nghĩa trang cựu chiến binh ở Căn cứ Không quân Clark) ghi: “Cuộc hành quân chết chóc”. Nhưng vào năm 1942, đó là địa ngục trần gian.

Theo lịch sử quân sự Mỹ, các tù binh Mỹ - Philippines được xếp thành từng nhóm 100 người, mỗi nhóm có 4 lính Nhật canh giữ. Họ lầm lũi đi trong cái nóng “phồng rộp”. Nhân chứng James Bollich kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan tin tức Không quân năm 2012: “Họ đánh chúng tôi bằng báng súng, kiếm, dùi cui, hay bất cứ thứ gì có được. Việc đó diễn ra suốt ngày, họ không cho ăn uống hay nghỉ ngơi. Khi có ai ngã xuống, người Nhật lập tức giết chết họ. Có vẻ như họ đang cố giết tất cả chúng tôi”.

Đối với hàng nghìn tù binh Mỹ - Philippines, chuyến đi từ Bataan đến cơ sở giam giữ tại Trại O'Donnell của quân đội Mỹ ở Capas (phía Bắc bán đảo) không hoàn toàn là đi bộ. Họ có lên các toa tàu chở hàng trên một đoạn đường dài 48km, điểm cuối cách trại tù khoảng 8km. Toa chở hàng nhỏ nhất có diện tích khoảng 22m2, chúng trở thành “lò nướng” đối với các tù binh. Những người sống sót kể lại: “Chúng tôi bị dồn vào toa chở hàng đông như gia súc chuẩn bị vào lò mổ…”; “Chúng tôi chật vật để giữ chỗ đứng trong khi sàn tàu toàn chất thải từ những bệnh nhân kiết lỵ”; “Chúng tôi bị nấu trong lò nướng 110 độ, người thì đổ mồ hôi, người thì tiểu tiện hoặc đại tiện ngay tại chỗ…”; “Tôi thấy một số người ngất xỉu nhưng tự nhủ mình không thể nào ngã được… Tôi không biết có bao nhiêu đồng đội của tôi đã chết trên chiếc xe đó, nhưng ít nhất cũng phải 10 người”. Nhưng đối với những tù binh còn sống, sẽ có những thử thách không thể tưởng tượng nổi sắp xảy đến.

Cựu chiến binh Thế chiến II người Philippines thăm Đền thờ quốc gia Capas ở phía Bắc tỉnh Tarlac nhân kỷ niệm Trận chiến Bataan

Cựu chiến binh Thế chiến II người Philippines thăm Đền thờ quốc gia Capas ở phía Bắc tỉnh Tarlac nhân kỷ niệm Trận chiến Bataan

Trại tập trung Capas

Đứng trên khuôn viên của Trại O'Donnell trước đây, không thể tưởng tượng được nó từng là một cơ sở giam giữ tù nhân chiến tranh với những điều kiện tồi tệ đến mức ngày nay người Philippines gọi nó là Trại tập trung Capas. Hơn 31.000 cây - mỗi cây được đánh số bằng chữ số màu trắng - đã được trồng trên khu đất rộng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc hành quân tử thần. Tháp tưởng niệm cao 70m được dựng lên trên những bức tường đá có khắc tên những người đã khuất.

Lịch sử ghi lại, vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 1942, hơn 60.000 người sống sót sau cuộc hành quân tử thần đã bị dồn vào cùng một khu đất. “Ở đó có rất ít nước máy và lương thực, không ai được chăm sóc y tế, chỉ có rãnh dọc 2 bên trại để vệ sinh. Nắng nóng không chịu nổi, ruồi bay ra từ nhà vệ sinh và bu đầy thức ăn của tù nhân” - lịch sử quân đội Mỹ viết. Mỗi ngày có khoảng 400 tù binh Mỹ - Philippines tử vong. Theo Ban nghiên cứu lịch sử và di sản của Hải quân Mỹ, khoảng 9.000 người Mỹ đã đến được O'Donnell và 17% trong số đó đã chết tại đây. Thiệt hại còn tồi tệ hơn nhiều đối với người Philippines. Theo Cơ quan về các vấn đề tù binh và quân nhân Mỹ mất tích (POW/MIA - Prisioners Of War/Missing In Action), khoảng 26.000 người đã chết tại Trại O'Donnell trong 73 ngày hoạt động. Đến giữa mùa hè năm 1942, người Nhật quyết định đóng cửa O’Donnell. Trong 6 tháng tiếp theo, tù binh Philippines dần dần được thả sau khi ký cam kết không cầm vũ khí chống lại quân chiếm đóng Nhật Bản. Những người Mỹ ở O'Donnell được chuyển đến một trại khác có tên Cabanatuan cách đó khoảng 80km về phía Tây, nơi có điều kiện tốt hơn. Nhưng đến năm 1944, hàng nghìn lính Mỹ tiếp tục mất mạng tại một trong những câu chuyện sinh tồn vĩ đại nhất trong Thế chiến thứ hai.

Thảm kịch hàng hải tồi tệ nhất nước Mỹ

Thời điểm năm 1944, Nhật Bản cần lao động trong các nhà máy và hầm mỏ, vì thế tù binh chiến tranh là nguồn nhân lực có sẵn. Nhưng quân đội Mỹ đang quay trở lại Philippines nên tù binh Mỹ tại Cabanatuan và các trại khác được lùa vào hầm tàu chở hàng để đưa đến Nhật Bản hoặc các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của nước này. Người Mỹ gọi chúng là “những con tàu địa ngục”.

Vào ngày 24-10-1944, một trong những con tàu địa ngục đó có tên là Arisan Maru đang di chuyển ở eo biển Bashi (giữa Philippines và Đài Loan) với hơn 1.700 tù binh Mỹ bên trong thì bị một tàu ngầm Mỹ tấn công bằng ngư lôi. Theo lời kể của 1 trong 9 người Mỹ sống sót, chiếc tàu chở hàng bị vỡ và tù binh rơi xuống biển. Có 4 người bị quân Nhật bắt lại, nhưng 5 lính Mỹ khác đã tìm được một chiếc xuồng cứu sinh và hướng thẳng về phía bờ biển Trung Quốc. Tới gần bờ biển, họ được bí mật hộ tống vào đất liền, tránh nơi có quân Nhật chiếm đóng. Trong 12 ngày tiếp theo, 5 người sống sót đã đi được quãng đường khoảng 1.000km bằng cách đi bộ, xe tải, xe đạp và máy bay đến sân bay Côn Minh để bay về Mỹ vào ngày 28-11-1944. Họ đến Washington D.C vào ngày 1-12-1944. Giữa tháng 2-1945, người Nhật mới nhận được tin từ Hội Chữ thập đỏ ở Geneva rằng, tàu của họ đã bị đánh chìm mà không có tù binh nào sống sót. “Tôi thấy trong danh sách nạn nhân có tên của chúng tôi cùng những người khác bao gồm bạn thân, người quen, kẻ thù và người lạ” - những người sống sót nói.

Theo trang web của Ban nghiên cứu lịch sử và di sản của Hải quân Mỹ, 1.781 tù binh (hầu hết là người Mỹ) đã ở trên tàu Arisan Maru khi nó rời Philippines. Đây là tổn thất nhân mạng lớn nhất của Mỹ trên biển.

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-hanh-quan-tu-than-o-philippines-trong-the-chien-ii-post572503.antd