Cuộc hội ngộ cảm động

Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Ly, Phó trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh (CCB) Không quân-Hàng không Việt Nam, dẫn đầu đoàn đại diện ban liên lạc đến thăm, tặng quà thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam).

Anh Lê Thanh Tần (thành viên của đoàn) tiết lộ, em trai của anh là Lê Mạnh Tấn đang điều dưỡng tại trung tâm. Tin này làm sống lại kỷ niệm chị Ly và đồng đội đã chăm nuôi anh Tấn khi xưa, đồng thời mang tới những điều mừng về hậu vận của người thương binh nặng. Chuyện cảm động, râm ran suốt chặng đường...

Chuyện là, anh em Lê Thanh Tần và Lê Mạnh Tấn, quê ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Trong 3 anh em trai đi bộ đội thì anh cả bị thương năm 1968, xuất ngũ về quê chăm sóc bố mẹ và xây dựng quê hương. Anh Tần là sĩ quan thuộc cơ quan Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công, cuối năm 1978 được điều động đi bảo vệ máy bay của ngành hàng không. Cùng năm đó, anh Tấn (em út) nhập ngũ vào Quân đoàn 4, làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia. Năm 1982, trong một trận truy quét tàn quân Pol Pot, anh Tấn bị thương vào cột sống nên không còn khả năng vận động, phải đưa bằng máy bay trực thăng về điều trị ở Viện Quân y 175 (nay là Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng).

 Bà Nguyễn Thị Ly (thứ 3 từ trái sang) và đại diện ban liên lạc cùng các cựu chiến binh Không quân-Hàng không Việt Nam trò chuyện, động viên thương binh Lê Mạnh Tấn.

Bà Nguyễn Thị Ly (thứ 3 từ trái sang) và đại diện ban liên lạc cùng các cựu chiến binh Không quân-Hàng không Việt Nam trò chuyện, động viên thương binh Lê Mạnh Tấn.

Thời điểm ấy, chị Ly cùng một số đồng nghiệp là tiếp viên thuộc Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, công tác tại TP Hồ Chí Minh. Biết tin về anh Tấn (em của anh Tần) bị thương nặng, các chị rủ nhau đi thăm. Nhìn người chiến sĩ trẻ nửa thân dưới bất động, chỉ nằm im một tư thế, phần mông đã bị hoại tử, lòng các chị đau như thắt. Ngày ấy, Viện Quân y 175 còn nghèo, cơ sở vật chất, buồng bệnh sơ sài. Anh Tấn cho biết, đêm đêm anh phải đặt bát cơm dưới gầm giường cho chuột đến ăn, tránh để chúng tìm đến gặm phần thịt trên cơ thể mình đang bị hoại tử. Các bác sĩ, y sĩ, hộ lý, nhân viên điều dưỡng lấy tình yêu thương khắc phục phần nào sự thiếu thốn về phương tiện sinh hoạt, thay nhau thức đêm trông nom, chăm sóc thương binh nặng. Không ít nữ y tá vốn rất sợ chuột nhưng đã trở thành “thợ diệt chuột”, giữ yên giấc ngủ cho thương binh.

Sau khi trao đổi, bày tỏ nguyện vọng tham gia chăm sóc anh Tấn, các chị nhận được sự khuyến khích của các bác sĩ Viện Quân y 175: “Làm được gì cho thương binh nhanh khỏe lên và vui thì mọi người cứ làm. Các bác sĩ bệnh viện luôn coi đó là sự đồng hành rất đáng trân trọng!”.

Mặc dù thời điểm ấy đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức rất khó khăn, nhưng chị Ly và một số đồng nghiệp, trong đó có chị Nguyễn Thùy Dương là cán bộ ngành công an, công tác ở sân bay Tân Sơn Nhất, góp từng đồng tiền lương để nấu cơm và làm món ăn ngon, mang đến nuôi anh Tấn. Cho đến ngày thứ 35, khi anh Tấn được chuyển ra Bắc điều dưỡng, các chị mới dừng lại và cũng từ đó không liên lạc được với anh nữa.

Anh Tấn ra Bắc, sau thời gian điều trị ở Viện Quân y 103 (nay là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y), anh được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên. Tại đây, trong vòng tay ấm áp nghĩa tình và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trung tâm, anh Tấn cũng như nhiều thương binh nặng dần hồi phục trong khả năng có thể; đặc biệt là trỗi dậy niềm tin yêu cuộc sống.

Đầu Xuân năm 1990, chị Nguyễn Thị Thu (kém anh Tấn 12 tuổi, nhà ở xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) qua những lần cùng thanh niên địa phương đến giúp đỡ thương binh của trung tâm, đem lòng yêu thương anh Tấn, ngỏ ý được làm vợ anh. Song, anh Tấn tỏ vẻ “dửng dưng” vì e rằng sẽ làm khổ chị. Chị Thu biết được điều đó, càng thêm quyết tâm… Thế là, cuối năm ấy, anh chị thành đôi. Tình đồng đội hòa cùng hạnh phúc gia đình, trong tình yêu thương đùm bọc của trung tâm, đã tái sinh những điều kỳ diệu. Anh chị có một con trai, hiện là sĩ quan công tác ở Bộ CHQS tỉnh Hà Nam. Chị Thu ngày ngày gắn bó với ruộng vườn, hăng say lao động sản xuất bảo đảm cuộc sống. Tối tối, tiếng cười nói lại rộn ràng trong căn nhà tình nghĩa, do một đơn vị quân đội xây tặng.

37 năm tái ngộ, cuộc gặp mặt cảm động, ngập tràn những điều tốt đẹp. Sau khi hoàn thành chương trình thăm, tặng quà thương binh theo kế hoạch của Ban Liên lạc CCB Không quân-Hàng không Việt Nam, bà Ly cùng nhóm “Những người chị hàng không” năm xưa đã gặp người em năm xưa Lê Mạnh Tấn”, mặt nhìn mặt, tay cầm tay… Tôi bỗng thấy những giọt nước mắt hân hoan thay cho những dòng lệ xót thương ngày nào...

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/cuoc-hoi-ngo-cam-dong-582175