Cuộc hôn nhân ngang trái của Napoleon
Ngày 9/3/1796, Napoleon Bonaparte, vị tướng tài danh sau này trở thành Hoàng đế Pháp, làm lễ cưới Josephine de Beauharnais, góa phụ đã có 2 con và hơn ông 6 tuổi.
Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên, nhiều ngang trái khiến Napoleon phải day dứt đến tận khi trút hơi thở cuối cùng.
Mới ngoài 20 tuổi, nhưng Napoleon đã chứng tỏ được tài cầm quân của mình. Ảnh: History.com
Napoleon gặp Josephine lần đầu tiên vào mùa thu năm 1795. Khi ấy, Napoleon mới 26 tuổi nhưng đã được phong làm chỉ huy pháo binh Pháp vì nhiều chiến công hiển hách và đang làm cố vấn quân sự cho "Hội đồng chấp chính", chính phủ cộng hòa cầm quyền trong giai đoạn 1795 - 1799 ở Pháp.
Trong khi đó, Josephine, 32 tuổi là góa phụ của tướng Alexandre de Beauharnais, người đã bị đưa lên máy chém trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Josephine lúc ấy đã có hai con, nợ nần chồng chất vì thói tiêu xài hoang phí và có quan hệ tình ái với nhiều quan chức trong chính quyền.
Ảnh: History.com
Có nhiều giai thoại khác nhau về cuộc gặp định mệnh giữa Napoleon và Josephine, trong đó một câu chuyện được đông đảo biết đến là, Eugene, con trai của Josephine đã tới gặp vị tướng trẻ để xin lại thanh kiếm của cha mình. Lời cầu khẩn của Eugene cảm động đến mức Napoleon yêu cầu được gặp mẹ cậu bé.
Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, Tử tước Paul Barras, lãnh đạo then chốt của Hội đồng chấp chính, mới là người tác thành cho Napoleon và Josephine.
Sau khi giành được chiến thắng trong trận chiến Toulon và giúp bảo vệ Hội đồng chấp chính khỏi cuộc bạo loạn ở Paris, Napoleon được mời tới dự một bữa tiệc do ông Barras chủ trì. Tại đây, vị tử tước mưu mô đã giới thiệu Napoleon làm quen với góa phụ xinh đẹp, người tình ông ta đang muốn rũ bỏ để toàn tâm, toàn ý cung phụng tình nhân mới.
Ban đầu, Napoleon dường như đến với Josephine vì mong muốn bà là cầu nối ông với giới thượng lưu Pháp. Song, vẻ ngoài quyến rũ cùng sự dạn dày tình trường của góa phụ đã khiến Napoleon dần si mê và quyết tâm cưới bà bằng được dù đã đính hôn với tiểu thư Eugenie.
Ngược lại, Josephine tỏ ra không mấy ấn tượng với sĩ quan trẻ tài năng, nhưng có chiều cao khiêm tốn (theo sử sách, Napoleon chỉ cao 1m57). Chính Tử tước Barras phải thuyết phục, thậm chí đe dọa để buộc bà chấp nhận làm người tình của Napoleon.
Mẹ của Napoleon phản đối kịch liệt mối quan hệ của hai người, do Josephine lớn tuổi hơn con trai bà, từng trải qua một đời chồng và có lối sống phóng túng. Tuy nhiên, Napoleon bất chấp tất cả để yêu Josephine.
Sau khi Napoleon được bổ nhiệm làm Tư Lệnh đạo quân Pháp tại Italia, ông và Josephine quyết định kết hôn vì việc thăng chức sẽ buộc ông phải đi xa. Lễ cưới của họ được tổ chức một cách chóng vánh, đơn giản vào ngày 9/3/1796.
Hai tuần sau, vị tướng trẻ phải lập tức lên đường sang Italia làm nhiệm vụ. Sự xa cách khiến Napoleon lúc nào ông cũng nhớ nhung vợ và thường viết thư cho bà sau mỗi trận đánh. Có ngày, Napoleon viết cho Josephine tới 4-5 lá thư, với những lời lẽ yêu đương nồng cháy như: "Josephine, quyền lực lạ lùng của nàng đối với ta không thể so sánh được, đó là thứ quyền lực gì vậy nàng?", "Tình yêu của nàng làm ta thổn thức, mất đi lí trí", ...
Song, Josephine tỏ ra hờ hững và thậm chí nhiều lần không hồi đáp những bức thư cháy bỏng yêu thương của chồng. Bà cũng liên tục từ chối rời Paris để đến Italia sống cùng Napoleon vì tiếc nuôínhững thú vui tại thủ đô Pháp và nhất là không muốn xa người tình - một trung tá quân đội có tên Hippolyte Charles.
Không thể chịu đựng thêm, Napoleon dọa Hội đồng chấp chính rằng ông sẽ rời Italia về Paris. Sợ mất tướng tài cầm quân, Tử tước Barras lệnh cho Josephine lên đường sang Italia. Bà sang Milan với chồng 6 tháng, rồi lại trở về Paris.
Thư từ và các trang hồi ký cho thấy Napoleon ghen tuông khủng khiếp. Ông có nhiều gián điệp và yêu cầu họ thông báo cho mình biết vợ giờ này mặc gì, ở đâu hay đang gặp ai. Vì thường cho người theo dõi vợ, nên Napoleon dường như biết rõ chuyện bà lăng nhăng bên ngoài. Song, vị tướng nổi tiếng tính khí thất thường, quyết đoán trên chiến trường lại luôn mềm lòng trước vợ.
Sử sách còn lưu truyền giai thoại rằng, một ngày nọ, sau trận đánh, Napoleon trở về, vô cùng giận dữ khi hay tin Josephine ngoại tình. Đêm đó, người vợ đập cửa phòng ông, khóc lóc cầu xin tha thứ, nhưng ông mặc kệ. Đêm hôm sau vẫn tái diễn cảnh đó. Nhưng đến đêm thứ ba, Napoleon đã mở cửa phòng và hiểu rằng đời mình không thể sống thiếu người phụ nữ ấy.
Nhiều tài liệu có ghi, trong thời gian Napoleon phải chinh chiến xa nhà, Josephine thậm chí công khai chung sống với tình nhân, khiến cả Paris ai cũng biết.
Cảnh Josephine nhận vương miện hoàng hậu được tái hiện trong tác phẩm hội họa nổi tiếng đặt tại bảo tàng Louvre. Ảnh: alenvert.
Suốt một thời gian dài, dù biết rõ vợ không yêu mình và không chung thủy nhưng Napoleon vẫn không bỏ người phụ nữ ấy. Thậm chí, sau khi đăng quang Hoàng đế Pháp vào tháng 12/1804, Napoleon vẫn tấn phong Josephine làm hoàng hậu.
Tuy nhiên, sau 13 năm chung sống, khi Josephine đã lớn tuổi, không còn khả năng sinh con nối dõi và quá nhiều lần phản bội, cộng với sức éptừ gia đình, Napoleon mới quyết định rời xa bà mãi mãi. Tháng 12/1809, hai người chính thức ly hôn, nhưng Napoleon vẫn tặng Josephine nhiều nữ trang quý, cấp dưỡng đầy đủ và tặng cho bà một tòa lâu đài ở vùng Malmaison.
Năm 1810, Napoleon cưới Công chúa Áo Marie Louise. Một năm sau, Hoàng hậu Marie sinh cho ông một bé trai, đặt tên là Napoleon II.
Đến năm 1814, Napoleon thất trận, phải thoái vị và đi lưu đày ở đảo Elba. Kể từ đây, ông luôn phải sống trong cô độc do vợ con và người thân quay lưng, không ai đến thăm. Người vợ thứ hai của ông - Marie thậm chí còn công khai ngoại tình và đẻ thêm 2 người con trai khác. Trong khi vợ cũ - Josephine tiếp tục các cuộc phiêu lưu tình ái mới, nhiều lần tái hôn rồi lại ly hôn.
Mộ Napoleon ở Điện Invalides. Ảnh: Wikimedia
Josephine qua đời năm 1814 vì bệnh viêm phổi, do nhiễm lạnh lúc tản bộ cùng Sa hoàng Nga Alexander I trong khu vườn hồng nổi tiếng của mình tại Malmaison.
Bức vẽ năm 1826 của Horace Vernet tái dựng cảnh Napoleon đang hấp hối trên giường. Ảnh: History.com
Napoleon qua đời 7 năm sau đó, vào năm 1821 khi đang bị lưu đày trên đảo St Helena. Trong giờ phút lâm chung, những lời trăn trối cuối cùng của ông là: "Pháp, quân đội, người chỉ huy quân đội, Josephine".