Cuộc họp khẩn cấp của ông Đỗ Mười: Trong cái khó ló cái khôn

Những nỗi lo thời hậu đại dịch Covid-19 gợi cho tôi nhớ lại hàng loạt tình huống mà cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã xử lý.

Vào thời điểm hậu Covid-19, chúng ta cũng đang phải lo đón 14.000 người lao động Việt Nam ở các nước trở về; lo kiếm cho được nguồn nguyên liệu từ nước ngoài để người lao động trong nước có việc làm ổn định...

Những nỗi lo đó gợi cho tôi nhớ lại hàng loạt những tình huống tương tự mà cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã gặp và xử lý trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế nhiều năm trước đây. Với sự quyết đoán, kịp thời, khéo léo và linh hoạt của người đứng đầu của ông, nhiều việc rồi cũng suôn sẻ đến bất ngờ.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười thăm xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhân dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ chống Pháp (năm 2000). Ảnh: TTXVN

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười thăm xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhân dịp xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ chống Pháp (năm 2000). Ảnh: TTXVN

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể rằng: Ngày 28/2/1990 chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Cụ Đỗ Mười, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, triệu tập gấp một cuộc họp để đánh giá tình hình, nhất là bàn việc cấp bách đưa trên 16.000 lao động Việt Nam ở Iraq về nước và giao cho Bộ Ngoại giao đảm nhiệm việc này.

Tôi gãi đầu gãi tai xin Chính phủ cấp kinh phí để triển khai công việc. Cụ Mười hỏi: "Cần bao nhiêu?”. Tôi thưa rằng, chắc phải cần tới hàng chục triệu đô la! Cụ trừng mắt nói: “Lấy đâu ra? Không có xu nào cả!”.

Quả thật lúc ấy nước ta lấy đâu ra thật. Nước duy nhất ta có thể nhờ cậy là Liên Xô lại đang rơi vào khủng hoảng sâu. Thế rồi cuối cùng, chúng ta cũng liên hệ, tiếp cận được với một tổ chức quốc tế là Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), nhưng IOM lại quan hệ mật thiết với Mỹ, vậy tính sao đây?

Xin ý kiến ông Nguyễn Cơ Thạch và ông Đỗ Mười, cả hai ông đều nói, ai cũng được, miễn là đưa được lao động về!

Ông Khoan kể, sau đó ta đã tiếp cận IOM và liền được tổ chức này đồng ý giúp; cùng lúc đó Nhật Bản và EU cũng ngỏ ý sẵn sàng đóng góp hàng chục triệu USD vào việc này. IOM đã lập hẳn một cầu hàng không bằng loại máy bay Jambo, tức Boeing 747 rất lớn, đưa hết hơn 16.000 lao động Việt Nam về nước.

Nguyên Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư kể cho tôi nghe một câu chuyện khác về việc cụ Đỗ Mười từng giải cứu việc làm cho hàng vạn người lao động ngành dệt may Việt Nam hồi đầu năm 1990.

Ông Chư, lúc đó là Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ, kể: Thời bao cấp, ngành dệt nước ta thường gia công cho Liên Xô mỗi năm 6 vạn tấn bông, một nửa trong số đó ta trả cho bạn bằng sản phẩm, còn lại là tiền công dùng để trang trải may mặc trong nước, kể cả cho lực lượng vũ trang.

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1990, Khối Cộng đồng Tương trợ Kinh tế Đông Âu không còn thì nguồn này cũng mất luôn. Ông Chư nhận được thông tin này từ Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô là ông Nguyễn Mạnh Cầm. Quả là một tin sốc với Bộ trưởng Chư bởi ông hiểu ngay rằng, sẽ có hàng vạn công nhân ngành dệt sẽ mất việc chỉ trong nay mai.

Tối hôm đó, ông Đỗ Mười đang công tác trong TP.HCM đã tức tốc gọi điện ra Hà Nội hỏi chuyện Bộ trưởng Chư : “Cậu đã nhận được điện của Đại sứ mình ở Liên Xô chưa?“

“Báo cáo anh, em đã nhận được rồi ạ!”, ông đáp. Ông Mười hỏi luôn: “Vậy giải quyết thế nào bây giờ?”.

“Thưa anh, hiện ta đang có khoản viện trợ 25 triệu đô la không hoàn lại của chính phủ Thụy Điển nhằm giúp ta nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phát triển sản xuất trong nước. Xin Chủ tịch cho phép Bộ Công nghiệp nhẹ được dùng khoản này mua ngay bông về phục vụ ngành dệt ạ!“, ông Chư đề nghị.

Hôm sau, một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bộ trưởng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đỗ Mười. Chủ tịch quyết ngay, dành số tiền này cho mua bông. Thế nhưng cụ hỏi lại rằng, mua 1 vạn tấn thì mất bao tiền? Bộ trưởng Chư đáp: Hết 18 triệu đô la.

Cụ Đỗ Mười quyết: Thế thì cho mua bông số tiền 18 triệu đô la, còn 7 triệu ta chuyển sang cho ngành nông nghiệp để nhập phân bón và thuốc trừ sâu. Tôi rất biết, hiện ngành cũng rất thiếu thốn ngoại tệ nên rất bí, có ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản.

Năm 1990, chỉ cần 18 triệu đô la thôi, công nhân ngành dệt Việt Nam đã có việc làm đủ trong cả quý. Vậy mà ngoại tệ của chúng ta cũng đâu có nổi từng đó nếu phải đối phó với những tình huống giống hệt hiện nay: giải cứu người lao động về nước, nhập khẩu vật tư phục vụ sản xuất trong nước. Tất cả, nay cũng không quá bế tắc như năm nào và có lẽ cũng không cần phải tiến hành họp khẩn cấp để bàn. Đó chính là vị thế của Việt Nam chúng ta bây giờ đã khác xưa và thật đáng tự hào.

Trên đây là hai câu chuyện cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười xử lý khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế như bị Mỹ cấm vận, Liên Xô sụp đổ... Ngày đó chúng ta đã xử lý những tình huống ấy thật hiệu quả.

Hôm nay chúng ta phải giải quyết các hệ quả của đại dịch Covid-19, cái khó của chúng ta hôm nay thật khác xưa quá nhiều.

Ngành dệt may đã phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ đô la năm 2019. Sang năm nay, do đại dịch, nguyên liệu sản xuất không chủ động cho nên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu. Song,trong cái khó nhiều khi lại ló cái khôn.

Chúng ta tin rằng, ngành dệt may Việt Nam rồi sẽ vượt qua thách thức để tiến lên. Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch toàn ngành đạt 85-90 tỷ đô la và dự định xây dựng phát triển 25-30 thương hiệu Việt Nam. Thật là một điều khó hình dung trước đây tròn 3 chục năm.

Quốc Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/cuoc-hop-khan-cap-cua-ong-do-muoi-trong-cai-kho-lo-cai-khon-656818.html