Cuộc họp phụ huynh
Cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới bắt đầu. Trước khi vào nội dung chính, cô giáo chủ nhiệm làm thủ tục điểm danh.
Khi đọc đến tên phụ huynh của Mai Oanh, cô giáo tỏ vẻ ngạc nhiên. Cô tưởng mình đọc nhầm nên hỏi lại: "Chị là phụ huynh của em Mai Oanh à? Em xin lỗi! Hôm nay, em không nhận ra chị".
Nhìn vào ánh mắt mọi người, chị như thấy chiếc gương soi phản ánh sự lột xác ngoạn mục của mình. Thay đổi này bắt đầu từ câu nói của con gái chị trong lần họp phụ huynh cuối năm học trước.
Chị kết hôn đã 13 năm, sinh được một con trai, một con gái. Con gái đầu lòng lên lớp 5 và cậu con trai thứ hai 5 tuổi. Cuộc sống vợ chồng có lúc nọ lúc kia, nhưng nhìn chung, mọi thứ với chị cho đến trước khi có việc xảy ra, cũng không đến nỗi nào. Ngay từ trẻ, chị đã bị nhồi vào đầu tư tưởng phải hy sinh vì người khác, lấy chồng là phải hy sinh vì gia đình, chồng con và nhà chồng. Chị quan niệm, người phụ nữ nào không chịu nhận về mình phần thiệt thòi, thì sẽ bị phê phán, chê bai. Và những phụ nữ có đức hy sinh sẽ thường được ca tụng. Thế rồi, năm này qua năm khác, chị dần quen với mọi thứ diễn ra trong gia đình, những việc chị phải làm, những trách nhiệm phải gánh vác. Đã có lúc, chị nghĩ cứ sống thế này tới hết đời. Thế nhưng sự việc xảy ra đã khiến chị thay đổi hoàn toàn.
Chị nhớ lại hôm nhận được giấy mời họp phụ huynh tổng kết năm học ở trường của Mai Oanh. Khi ra đến cửa, con bé nằng nặc không cho mẹ đi họp mà đòi bố đi thay mẹ. Thoạt đầu, chị không hiểu lý do, vì Mai Oanh luôn có thành tích học tập tốt, lại là lớp phó, tích cực tham gia các phong trào, bản thân chị cũng không phải là người mẹ quá khắt khe với việc học của con. Chị gặng hỏi, Mai Oanh khóc thút thít: "Mấy đứa bạn con bảo mẹ trông như Ô sin nhà các bạn ấy. Mẹ mà đi họp phụ huynh cho con, các bạn ấy lại cười con cho mà xem". Chị lặng người, cảm giác đau nhói trong tim, lòng dâng đầy chua xót, chị quay mặt đi, cố giấu giọt nước mắt tủi hờn. Thì ra, trước đó, chị đưa con gái đi mua đồ bơi. Hai mẹ con tình cờ gặp hai người bạn của Mai Oanh đi cùng bố mẹ. Hôm đó, vì vội, chị lấy cái xe đạp điện ở ngoài sân, tiện thể mặc nguyên bộ quần áo ở nhà, quấn thêm chiếc áo chống nắng, đi đôi dép lê. Có lẽ, lũ trẻ ngây thơ chỉ cảm nhận đến vậy và nhận xét về chị trước mặt con gái mình. Mai Oanh đã bị bạn bè chế nhạo về người mẹ úi xùi, luộm thuộm chẳng khác gì người giúp việc.
Sau cú sốc, chị còn giận con bé, vì trẻ con đã ý thức được gì đâu. Chúng thấy đẹp thì khen đẹp, thấy xấu thì chê xấu. Con gái chị bị các bạn chê cười thì nó xấu hổ, tủi thân cũng là bình thường. Nó muốn một người mẹ xinh đẹp để được tự hào cũng là mong muốn chính đáng. Chị lựa lời bảo với con, bố mẹ đều là người ở dưới quê lên thành phố sinh sống, làm việc, kinh tế còn khó khăn, phải dành tiền mua nhà, nên luôn cố gắng chắt bóp, tiết kiệm. Nhưng sao chị nói với con mà vẫn không thấy lòng mình vơi nhẹ nỗi buồn tủi. Thậm chí, chị nhận ra, mình đã sai lầm. Phải chăng, chị đã bỏ quên bản thân, hy sinh lợi ích chính đáng của mình, nhưng không một ai ghi nhận và coi trọng điều đó. Với con là sự xấu hổ, bất mãn, với chồng là sự vô tâm thản nhiên trước sự tiết kiệm khổ hạnh của vợ. Đã bao lần chị đi cùng anh tới những nơi đông người, dù có vợ bên cạnh nhưng anh vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ, thích thú trước những người phụ nữ xinh đẹp, sành điệu. Ai dám chắc tới một lúc nào đó, khi có cơ hội anh sẽ chê bai một người vợ quá xuềnh xoàng, xấu xí, dù tất cả cũng chỉ vì chồng, vì con.
Và chị đã có quyết định bước ngoặt sau 13 năm hy sinh trọn vẹn cho gia đình. Chị chăm chút và nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Chị dành một phần quan tâm ngang bằng cho bản thân, bên cạnh chồng, con. Những trang phục đẹp, những khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, những món mỹ phẩm phù hợp chăm sóc làn da, mái tóc, chị thấy chúng đâu có quá tốn kém và ảnh hưởng nhiều tới chi tiêu nếu biết sử dụng hợp lý. Bù lại, chúng đem đến cho chị sự tự tin, làm thay đổi cách nhìn, cách cư xử của chồng con, thấy mình được nâng niu trân trọng, có thêm năng lượng cho cuộc sống, công việc. Chị đã sống khác, vui vẻ và có ý nghĩa hơn.
Suốt buổi họp phụ huynh, chị cảm thấy thật phấn khởi khi cô giáo chủ nhiệm bàn với các cha mẹ về kế hoạch chào mừng tháng đầu tiên của năm học mới, không quên khen ngợi Mai Oanh sau kỳ nghỉ hè con bé đã chững chạc, vui tươi hơn. Lúc chia tay, cô giáo chủ nhiệm bảo: "Chị khác quá, đẹp lên rất nhiều ạ, làm lúc đầu em suýt không nhận ra. Hôm khai giảng, Mai Oanh khoe với cô giáo vừa được mẹ tết cho kiểu tóc mới, các bạn trầm trồ khen".
Giờ chị đã hiểu, phụ nữ là phải sắp xếp và quản lý cuộc đời mình một cách hợp lý, chia đều cuộc sống cho những thứ quan trọng và một phần quan trọng đó chính là bản thân mình, tạo hạnh phúc cho mình, thì mới có thể tạo hạnh phúc cho mọi người trong gia đình.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/cuoc-hop-phu-huynh-214030